Nghề đan lọp vào mùa

06/09/2018 - 09:00

 - Hàng năm, cứ đến mùa nước nổi là các hộ làm nghề đan lọp trong tỉnh An Giang trở nên tất bật và nhộn nhịp. Năm nay, con nước lên cao, hoạt động sản xuất - kinh doanh sôi động hơn những năm trước.

Nhộn nhịp theo con nước

Về ấp Cần Thới, xã Cần Đăng (Châu Thành, An Giang) vào thời điểm này, dễ dàng nhận thấy không khí nhộn nhịp, hối hả của bà con làm nghề lọp lươn. Theo ông Cù Văn Tuấn, bà con ở địa phương đã gắn bó với công việc này cách đây trên dưới 30 năm. Nghề này hoạt động quanh năm, nhộn nhịp nhất khoảng đầu tháng 4 đến hết tháng 10 (âm lịch), đặc biệt là những tháng mùa nước nổi. Năm nay, việc sản xuất của làng nghề được khởi động sớm vì đơn đặt hàng khá nhiều. Mặc dù nhu cầu có tăng cao, nhưng bà con không vì thế mà “chạy” theo số lượng, vì chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm là tiêu chí hàng đầu trong hoạt động sản xuất ở nơi đây. Nhờ vậy những năm qua, sản phẩm luôn được người tiêu dùng lựa chọn. “Hiện nay, thương lái đặt hàng mỗi đợt từ 1.000-2.000 cái, chúng tôi đã rất cố gắng nâng cao công suất nhưng không đủ nguồn hàng để cung cấp cho thị trường. Giá bán mỗi chiếc lọp dao động từ 25.000-28.000 đồng, thị trường chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL, trong đó nhiều nhất là các địa phương như: Hậu Giang, Sóc Trăng, TP. Cần Thơ”- ông Tuấn cho biết.

Nghề đan lọp vào mùa

Làng nghề lọp lươn của bà con xã Cần Đăng vào mùa

Đối với nghề làm lọp cua ở xã Mỹ Đức (Châu Phú), ngay từ những ngày đầu tháng 6 (âm lịch), khi “con nước” bắt đầu “trở mình” thì thương lái từ khắp các nơi trong và ngoài tỉnh tìm đến đây đặt và mua hàng, phục vụ cho việc đánh bắt trong mùa nước nổi. Số lượng các đơn hàng hàng rất lớn, từ vài trăm đến vài ngàn chiếc lọp. Điều này đã tạo nên sự phấn khởi cho bà con, khi những năm qua, mặt hàng này gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra. Theo ông Trần Văn Khởi (ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Đức), những năm trước, các mặt hàng lọp cua sau khi làm xong phải chất thành đống trong nhà, do khách hàng đến mua rất ít. Trong 2 năm trở lại đây, tình hình mua, bán khởi sắc hơn rất nhiều. “Thương lái đến đặt mua hàng với số lượng lớn, chúng tôi sản xuất ra không đủ để cung cấp nên phải tranh thủ làm từ sáng sớm cho đến chiều tối” - ông Khởi thông tin. Hiện nay, lọp cua được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong tỉnh như: An Phú, Tịnh Biên, tỉnh Đồng Tháp kể cả xuất sang Campuchia…

Nghề đan lọp vào mùa

Sau nhiều năm “chất đống”, lọp cua của bà con xã Mỹ Đức bắt đầu tiêu thụ mạnh trở lại

Còn nhiều khó khăn

Không nhộn nhịp như các địa phương khác, nghề làm lọp tép (ấp Phú Hạ 1, xã Kiến Thành, Chợ Mới) có phần yên ắng hơn. Sự yên ắng không đến từ việc mặt hàng này không bán được, mà do lao động tại địa phương đã bỏ nghề, chuyển sang các công việc khác có thu nhập cao hơn. Anh Võ Văn Quí (một trong những gia đình hiếm hoi còn theo đuổi nghề ở địa phương) cho biết, nghề này hình thành và phát triển cách đây trên dưới 30 năm. “Thời điểm còn hưng thịnh, vào mùa nước nổi, từ đầu đến cuối xóm hầu như nhà nào cũng làm công việc này. Ở đây, mọi người thường đan lọp đến tận khuya và dậy từ sáng sớm để sản xuất thì mới đủ số lượng cung cấp cho khách hàng. Không có điện, chúng tôi thắp đèn dầu để làm. Khoảng 6 năm trở lại đây, nghề làm lọp tép có dấu hiệu đi xuống, lao động không còn mặn mà với nghề. Hiện nay, ở đây còn khoảng 2 hộ làm chính cùng với trên dưới 10 hộ gia công”- anh Quí cho biết.

Nghề đan lọp vào mùa

Nghề làm lọp tép xã Kiến Thành 

Theo anh Quí, mặt hàng lọp tép cho đến thời điểm này vẫn rất hút hàng. Khách hàng chủ yếu là các chủ ao nuôi cá tra hoặc ngư dân ở các địa phương như: TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu; huyện Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp) và các tỉnh miền Đông Nam Bộ... Tuy nhiên, giá mặt hàng này ở mức thấp, từ 15.000-17.000 đồng/cái; giá thuê gia công từ 700-1.500 đồng/cái (tùy từng công đoạn). Bình quân, mỗi lao động gia công kiếm được 30.000-40.000 đồng/ngày. “Với mức thu nhập này, chỉ có những người già hoặc phụ nữ theo đuổi nghề, những người còn lại sẽ lựa chọn các công việc khác có thu nhập cao hơn”- anh Quí nói.

Ngoài những khó khăn về thu nhập, thêm vào đó là mặt hàng sản xuất lọp mang tính chất thời vụ, nên lao động làm nghề tại các địa phương không còn mặn mà với nghề, mà chuyển sang công việc khác để mưu sinh. Một lý do nữa là giá tre, trúc ngày càng tăng cao và khan hiếm do nhiều hộ phá vườn tạp, trồng các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn; giá nguyên liệu tăng, buộc người sản xuất phải nâng giá bán. Tuy nhiên, để nâng giá bán là điều khó khăn khi thương lái cứ “cò kè bớt một thêm hai”.

Bài, ảnh: ĐỨC TOÀN