Ngồi chờ... giá lúa tăng

25/02/2019 - 08:53

Hôm nay, 25-2, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chuyến khảo sát thực tế tình hình thu hoạch và tiêu thụ lúa ở 2 tỉnh Long An, Đồng Tháp

Vụ đông xuân này, nhiều nông dân ở ĐBSCL kém vui bởi giá lúa giảm sâu trong khi năng suất thấp hơn so với cùng kỳ.

Không để tồn đọng lúa

Cụ thể, lúa IR-50404 đang được thương lái thu mua 4.400 - 4.500 đồng/kg, lúa chất lượng cao thì từ 4.600 - 5.200 đồng/kg, tùy giống. Với năng suất bình quân 6-7 tấn/ha, trừ các khoản chi phí, những người thuê đất ruộng lỗ từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng/ha.

Nông dân Trần Văn Treo (ngụ xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) rầu rĩ cho biết lúa đến ngày thu hoạch mà thương lái chưa đến mua nên thu hoạch xong, anh mang về chất tạm ngoài bờ.

Ông Trần Văn Tám (56 tuổi; ngụ xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), có 16 công lúa IR-50404 sắp thu hoạch, kể lúc mới xuống giống có thương lái đến đặt cọc với giá 5.300 đồng/kg nhưng ông từ chối vì nghĩ rằng giá lúa sau Tết sẽ tăng như vụ đông xuân 2018. Cận Tết lúa giảm còn 5.000 đồng/kg, sau Tết giảm thêm 700 đồng/kg nữa, còn 4.300 đồng/kg khiến ông và nhiều hộ nông dân tại xã đứng ngồi không yên. "Mấy ngày qua, có tin Thủ tướng chỉ đạo mua tạm trữ nên thương lái trả giá 4.500 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg".

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Kiên Giang, vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh xuống giống hơn 289.000 ha và đã thu hoạch hơn 50.000 ha. Dự kiến cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 sẽ thu hoạch rộ và kết thúc vụ. Trước tình hình giá lúa xuống thấp và không có thương lái đến đặt cọc thu mua, ngành nông nghiệp đã và đang kêu gọi doanh nghiệp (DN) tiêu thụ lúa, giải quyết khó khăn cho bà con nông dân.

Ông Đỗ Anh Tuấn ngụ ấp Kênh 5B, xã Tân An, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, cho biết vài ngày trở lại đây, giá lúa có tăng nhẹ 100-200 đồng/kg. Mặc dù còn khoảng 7 ngày nữa mới thu hoạch nhưng ông Tuấn đã quyết định nhận tiền đặt cọc của thương lái với giá cam kết thu mua 4.650 đồng/kg lúa Đài Thơm 8 và 4.500 đồng/kg lúa thường loại IR-50404.

Bà Phan Kim Loan, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tân Hiệp, cho biết đã kêu gọi một DN trên địa bàn thực hiện đúng theo cam kết về bao tiêu lúa ngay từ đầu vụ cho diện tích 4.000 ha với giá 5.200 đồng/kg. Phần diện tích khoảng 27.000 ha còn lại cũng được DN này hứa sẽ thu mua theo giá thị trường. "Hiện nay, trên địa bàn huyện có tình trạng "cò lúa" tìm cách ép nông dân kéo dài thời gian để cây lúa khô trên ruộng cho giảm trọng lượng. Chúng tôi đã gửi thông báo cho các địa phương, thậm chí tới tận hộ dân là những nơi nào chưa có thương lái thu mua thì liên hệ với Phòng NN-PTNT. Khi đó chúng tôi sẽ mời DN xuống tới nơi coi lúa rồi đặt cọc mua tại ruộng cho người dân và không để tồn đọng lúa trong nhà" - bà Loan khẳng định.

Xúc tiến thị trường mới

Theo ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, do chưa có thông tin chính thức nên người dân lo ngại giá lúa xuống quá thấp, một số DN sẽ chấp nhận bỏ tiền cọc hủy hợp đồng đã ký trước đây. "Những DN này không bao tiêu đầu tư toàn bộ mà chỉ ký hợp đồng đặt cọc 500.000 đồng - 1 triệu đồng/ha. Hiện chưa diễn ra tình trạng này nhưng cũng cần lường trước khả năng. Chúng tôi đang rà soát lại các hợp đồng đã ký, xem hướng của DN thế nào vì giá lúa rớt xuống quá thấp cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận cũng như hoạt động của DN. Những DN nào khó khăn về vốn sẽ được tỉnh tìm cách hỗ trợ" - ông Nhựt nói.

Còn theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tỉnh này mới bước vào thu hoạch lúa đông xuân sớm, dự kiến thu hoạch rộ từ ngày 1-3 đến 10-4. Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mua lúa gạo tạm trữ, giá lúa trên địa bàn tỉnh đã tăng trở lại, tương đương mức giá trước Tết nguyên đán 2019.

Ông Thư phân tích thêm tình trạng lúa rớt giá thời gian qua chỉ là tạm thời. Nguyên nhân chính là do trước Tết nguyên đán, Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu gạo, kiểm soát chặt biên mậu và điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo hiệu ứng giảm giá lúa. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường Philippines, Indonesia, Nam Phi, Trung Đông… vẫn cao. Các bộ, ngành trung ương đang tích cực xúc tiến những thị trường mới. "Các DN không phụ thuộc thị trường Trung Quốc cần tổ chức thu mua lúa bình thường. Những DN đã có hợp đồng liên kết với nông dân thì giữ nguyên giá mua theo hợp đồng. Các ngân hàng thương mại cần có kế hoạch tăng hạn mức cho vay, ưu đãi lãi suất cho DN thu mua gạo…" - ông Thư đề nghị.

UBND tỉnh An Giang đã giao Sở NN-PTNT tỉnh làm việc với UBND các huyện về kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2019. Đối với các giống lúa tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Trung Quốc, chỉ tổ chức sản xuất khi có hợp đồng bao tiêu; ưu tiên các giống lúa có thị trường tiềm năng khác. 

Doanh nghiệp than thiếu tiền

Ngày 19-2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo mua dự trữ 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho biết việc mua 200.000 tấn gạo là dự trữ quốc gia chứ DN chưa thu mua. "Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị các DN hội viên đẩy mạnh thu mua lúa trong dân nhưng hiện DN không có tiền để mua. Sắp tới đây, ngày 26-2, tại Đồng Tháp, Bộ NN-PTNT sẽ họp với Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành và các địa phương ĐBSCL để giải quyết việc này" - ông Bình nói.

THỐT NỐT - CA LINH - NHA MÂN (Người lao động)