Sau 2 cơn mưa nặng hạt và kéo dài, vườn cúc mâm xôi của ông Ngô Thành Tạc (xã Long Thới) bị vàng lá, nhiều cây trong chậu bị chết ẢNH: BẮC BÌNH
Cúc Tết gặp “khắc tinh”
Ngày 26-12, tại hầu hết các vườn trồng hoa cúc mâm xôi, cúc hà lan ở các xã Phú Sơn, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành… ở H.Chợ Lách (Bến Tre) đều diễn ra cảnh bà con tất bật phun xịt thuốc, nhỏ bỏ cây rục thân, cắt bỏ lá úa vàng, lá rục để hạn chế mầm bệnh lây lan.
“Hoa cúc thì loại nào cũng vậy hễ gặp thời tiết âm u, mưa đọng nước là bị mầm bệnh tấn công ngay lập tức, nhẹ thì rục lá, còn mưa kéo dài là rục thân và cách tốt nhất trong giai đoạn hiện nay là nhổ bỏ các cây đã bệnh để tránh lây lan. Chỉ mới 2 - 3 đám mưa thôi mà số lượng cây trong hầu hết các chậu cúc hà lan đã chết khá nhiều”, chị Nguyễn Thị Chín (40 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thành), người có 15 năm kinh nghiệm chăm hoa cúc thuê tại nhiều vườn ở H. Chợ Lách chia sẻ.
Theo chị Chín, các nhà vườn phải chịu đựng thời tiết bất lợi khoảng 3 ngày qua, nghiêm trọng nhất là 2 cơn mưa lớn. Trong quá trình dưỡng nụ cái, chị nhổ bỏ luôn một số cây có biểu hiện lá vàng chân, suy yếu và gom các cây còn khỏe vào chậu mới.
Các chủ vườn thuê khá nhiều lao động chăm sóc vườn sau những trận mưa trái mùa vừa qua ẢNH: BẮC BÌNH
Ông Ngô Thành Tạc, 61 tuổi, trồng hơn 3.000 chậu cúc mâm xôi ở xã Long Thới cũng suốt ngày bận rộn tưới phân, phun thuốc…sau các cơn mưa trái mùa vừa qua. “Cúc mà gặp mưa dầm kiểu này là khó khăn dữ lắm. Chỗ tôi cây chết đã xuất hiện khác nhiều rồi đó, các cây còn sống trong chậu thì khó có thể nở ngay dịp Tết vì chồi đã đâm tượt, hoa sẽ nở vô chừng lắm”, ông Tạc lo lắng.
Hiện ông Tạc đã loại bỏ khỏi giàn vài chục chậu, vì lượng cây bị chết quá nhiều. “Làm gì cũng có thất thoát chứ, nhưng nếu thời tiết bất lợi như mấy ngày qua mà con tiếp diễn thì thiệt hại của chủ vườn sẽ rất nghiêm trọng. Thú thật là chúng tôi chỉ còn biết cầu trời chứ biết sao được khi thuốc đặc trị các loại bệnh này trên hoa cúc không có, chỉ dùng đại mấy loại thuốc chuyên trị cho cây khác để cầu may thì làm gì có nhiều hi vọng”, ông Tạc bức xúc.
Làm sao để giảm thiệt hại?
Chia sẻ kinh nghiệm hơn 15 năm trồng cúc, nhà vườn Lê Văn Út vốn đang trồng gần 5.000 chậu cúc mâm xôi và hà lan ở xã Long Thời, khẳng định nếu nhà vườn nào có giàn để chậu cao, mật độ chậu thấp thì mấy cơn mưa vừa rồi chưa thể ảnh hưởng nhiều đến sự tăng trưởng của hoa cúc mâm xôi, riêng cúc hà lan thì có thể bị ảnh hưởng nhẹ. Nhưng nếu mưa tiếp tục kéo dài vào chiều tối và độ ẩm ban ngày tiếp tục thấp như mấy ngày qua thì thiệt hại sẽ nghiêm trọng.
Nhà vườn nhổ bỏ các cây "suy" trong các chậu cúc hà lan để gom những cây còn khỏe vào cùng một chậu ẢNH: BẮC BÌNH
Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT H.Chợ Lách, cho biết thời tiết bất lợi và các cơn mưa vào chiều tối trong mấy ngày qua đã khiến cho trên 700.000 chậu hoa cúc (chủ yếu là mâm xôi và hà lan) trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng ít nhiều. Bởi đặc thù các bầu làm gốc cây hoa cúc được bịt kín chứa tro, trấu, mụn dừa và phân hữu cơ - đó là những chất hút nước mạnh. Cây hoa cúc mà “bội thực” nước thì các nấm bệnh trên cây sẽ phát tán rất nhanh, cây sẽ suy yếu rất nhanh. Song song đó, việc hút nước nhanh cũng tạo một “cửa ngõ” cho vô số mầm bệnh tồn tại trong chậu xâm nhập vào cây rất nhanh.
Nhà vườn vừa tưới liên tục để rửa trôi mầm bệnh bên trên cây vừa phun xịt thuốc ẢNH: BẮC BÌNH
Khi mầm bệnh bắt đầu tấn công thì bộ rễ non của cây dễ bị tổn thương nhất. Ngoài ra, hoa cúc đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh như hiện nay cần quang hợp nhiều hơn nhưng thời tiết âm u, độ ẩm cao đã khiến cây bị thiếu chất diệp lục và điều này dễ khiến cho hoa nở sớm với nụ hoa nhỏ hơn bình thường. Mặt khác, điều kiện thời tiết như mấy ngày qua cũng khiến cho các loại nấm dễ dàng tấn công phần trên thân cây.
TS Bùi Thanh Liêm khuyến cáo bà con cần nhanh chóng nâng giàn hoa lên cao giúp cây được thông thoáng hơn và dùng các biện pháp có thể để lấy nước khỏi gốc cây. Dùng nước sạch để tưới thường xuyên nhằm đào thải các bào tử bệnh khỏi thân cây, đồng thời dùng các loại phân bón giàu đạm, lân, có thể kết hợp thêm chất GA3 (chất điều hòa sinh trưởng làm trẻ hóa cây) để cây trở lại nhịp sinh trưởng bình thường.
Nếu mưa tiếp tục kéo dài thì các nỗ lực trị bệnh cho cây cũng không có tác dụng ẢNH: BẮC BÌNH
Cũng theo TS Liêm, chuẩn bị cho thị trường Tết Kỷ Hợi, các nhà vườn ở H.Chợ Lách đã sản xuất hơn 11 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại, trong đó phổ biến vẫn là hoa vạn thọ, mai vàng, bonsai, cúc, các loại hoa treo, kiểng tắc… Các loài hoa này cũng gặp khó khăn trong sinh trưởng nếu gặp thời tiết âm u, âm độ không khí cao, mưa nhiều nhưng không nghiêm trọng như hoa cúc.
Trong khi đó, các nhà vườn ở làng hoa thuộc xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) trồng tổng cộng hơn 100.000 chậu cúc mâm xôi và hà lan cho dịp Tết sắp tới.
Theo Thanh Niên