Nhiều người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn các loại thực phẩm khác như thủy sản để cân đối chi tiêu khi giá thịt heo tăng.
Theo thông tin từ tiểu thương tại một số chợ trên địa bàn tỉnh, giá thịt heo hiện ở mức cao, sườn heo khoảng 140.000 đồng, thịt đùi và thịt ba rọi đồng giá trên 120.000 đồng/kg. Còn tại siêu thị, giá thịt heo ở mức từ 98.000 đồng đến trên 200.000 đồng/kg. Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này cho rằng giá heo hơi dao động ở mức cao do thiếu nguồn cung, còn theo các thương lái thì nguồn heo hơi trên thị trường rất hạn chế sau dịch bệnh.
Giá cả của một trong những loại thực phẩm thường xuyên có mặt trong bữa ăn gia đình ảnh hưởng không nhỏ đến sức tiêu thụ của mặt hàng này tại chợ cũng như các điểm bán nhỏ lẻ. Chủ một quầy bán thịt, nông sản ở phường V, thành phố Vị Thanh, bà Lê Thị Bé Tư cho hay: “Lúc trước mỗi ngày tôi lấy từ 8-10kg thịt heo về bán lẻ trong xóm nhưng nay chỉ dám lấy một nửa vì sợ bán không hết”. Giá thịt heo tăng nhanh chóng cũng làm nhiều bà nội trợ “đau đầu” vì phải tính toán cân đối chi tiêu thực phẩm hàng ngày. Chị Trương Thị Oanh, ở ấp 9A1, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, so sánh: “Hiện nay, giá thịt heo gần gấp 3 lần giá gà và cá nên dù là món chính cũng phải giảm bớt một nửa, còn lại thì xen kẽ thêm các loại thực phẩm khác cho nhẹ chi phí”.
Một điều đáng lo hơn là khi giá thịt heo tăng, nhiều người tiêu dùng có nhu cầu chuyển đổi sang các loại thực phẩm khác, điều này dẫn tới giá cả các mặt hàng cũng có xu hướng tăng theo dù nguồn cung vẫn dồi dào. Tại các chợ, giá thủy sản đang nhích lên dần, cụ thể cá chép đã tăng khoảng 5.000 đồng/kg lên mức 50.000 đồng/kg, cá điêu hồng 50.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng có giá 140.000 đồng/kg (loại khoảng 60 con/kg), tăng 5.000 đồng. Cá lóc đồng từ 80.000-100.000 đồng/kg, cá trê trắng 35.000 đồng/kg, ếch đồng 55.000 đồng/kg… Riêng giá gà, vịt thịt tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Nhiều người tiêu dùng cho rằng giá cả tuy có tăng như vẫn còn “dễ thở” hơn nhiều so với thịt heo.
Đang chọn mua thực phẩm ở chợ Hội Đồng, ông Trương Văn Song, ở xã Vị Đông, chia sẻ: “Sáng nay đi chợ hỏi mua vịt thịt thì giá cũng tăng lên 55.000 đồng/kg, trong khi lúc trước chỉ khoảng 45.000 đồng. Tuy nhiên, một con vịt làm sẵn hơn 3kg cũng chỉ gần 200.000 đồng, trong khi cùng số tiền chỉ mua được hơn 1kg thịt heo”. Còn tại siêu thị Co.opMart Vị Thanh, quầy thịt gà mấy ngày qua nhộn nhịp hơn hẳn. Với giá từ 70.000-98.000 đồng/kg, các loại đùi tỏi, đùi góc tư và cánh gà thu hút nhiều người nội trợ lựa chọn. Thay đổi thói quen ăn uống hàng ngày là giải pháp trước mắt. Tuy nhiên, người tiêu dùng lo ngại hơn khi với đà tăng giá này ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người lao động, nhất là khi tết sắp đến.
Trước áp lực giá thịt heo tăng, nhiều quán ăn, cửa hàng kinh doanh thực phẩm có liên quan đến thịt heo cũng đồng loạt tăng giá. Theo ghi nhận tại thành phố Vị Thanh, nhiều quán bán hủ tiếu, bún, tăng giá khoảng 5.000 đồng/tô lên 18.000-20.000 đồng, có nơi cơm tấm tăng từ 23.000 lên 25.000 đồng/dĩa. Chị Nguyễn Thị Phương Trinh, bán quán ăn sáng tại phường V, thành phố Vị Thanh, ngán ngẩm nói: “Quán tôi từ trước đến giờ chỉ bán giá bình dân cho người dân lao động, chưa bao giờ tăng lên 15.000 đồng mỗi dĩa cơm hay tô bún, nhưng trong tháng này đã phải điều chỉnh tăng giá đến 2 lần, mức 17.000 đồng rồi hiện tại là 20.000 đồng. Dù biết khách hàng sẽ than phiền nhưng việc tăng giá là không thể tránh, bởi giá thịt heo đã tăng gần gấp đôi. Không chỉ giá cao mà nhiều khi mối quen mua thịt heo cũng có khi hết hàng. Như sáng nay, tôi phải ra chợ mua lẻ với giá 140.000 đồng/kg sườn heo”.
Bán tủ bánh mì nhỏ ở ven đường tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, bà Võ Thị Huệ cho biết: “Không giống như các món ăn sáng khác, bánh mì được nhiều người chọn một phần do giá hợp túi tiền của số đông, nhất là học sinh. Mỗi ổ bánh mì thịt giá 10.000 đồng thì giờ phải tăng thêm 2.000 đồng/ổ sau nhiều lần đắn đo”. Theo bà Huệ, người bán không thể bớt đi số lượng thịt vì khách hàng sẽ không hài lòng cũng không thể đổi sang nguyên liệu khác. Không tăng giá thì chắc sẽ lỗ.
Theo Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, nhu cầu thịt heo trên địa bàn tỉnh trên 15.000 con/tháng, cận tết tăng lên khoảng 18.000 con. Hiện tại, tổng đàn heo khoảng 70.000 con. Để phục vụ nhu cầu tiêu thụ tăng vào dịp tết, ngành đã làm việc với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Hậu Giang (có 14 trại nuôi heo trên địa bàn) và Công ty TNHH CJ VINA AGRI - CN Bình Dương (có 3 trại nuôi heo trên địa bàn). Theo báo cáo của 2 đơn vị này sẽ cung ứng heo hơi trong tháng tết thêm khoảng 5.000 con. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã làm việc với các ngành, địa phương liên quan như Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố để có kế hoạch chủ động tăng cường kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển heo và các sản phẩm từ thịt heo không đảm bảo an toàn, ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ, tích trữ gây rối thị trường và vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Báo Hậu Giang