Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Để hoàn thành việc trả nợ này, Ban lãnh đạo Nhà máy đường Sóc Trăng đã thu xếp công nợ của các đại lý mua đường, mật mía của nhà máy cùng với đẩy mạnh tiêu thụ lượng đường thành phẩm trong tổng số hơn 20.000 tấn đường tồn kho.
Cũng theo ông Bình, trong niên vụ mía 2018-2019, Nhà máy Đường Sóc Trăng đã tiếp tục bao tiêu sản phẩm vùng nguyên liệu cho các hộ dân trồng mía ở Cù Lao Dung và Long Phú với diện tích khoảng 3.000ha, mức bao tiêu giá sàn là 800 đồng/kg mía nguyên liệu.
Việc hoàn thành trả nợ kịp thời cho các hộ dân trồng mía và thương lái thu gom mía nguyên liệu giúp bà con có nguồn tiền tiếp tục đầu tư, chăm sóc cho vụ mía tới và an lòng dân trong thời điểm khó khăn của ngành mía đường nói chung và với nông dân trồng mía nói riêng.
Trước đó, ngày 6-6, hơn 60 người dân trồng mía và thương lái thu mua mía tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã kéo về Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng, có trụ sở tại phường 8, thành phố Sóc Trăng, để phản ánh việc bị nợ tiền bán mía cho nhà máy.
Trước khi kéo về nhà máy đường, hơn 100 người dân cũng đã kéo đến Ủy ban Nhân dân huyện Cù Lao Dung để phản ánh vụ việc nhưng huyện giải thích ngoài thẩm quyền xử lý.
Trước tình hình đó, Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng đã phải mở một cuộc đối thoại trực tiếp với bà con.
Ông Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng đã cam kết sẽ cố gắng tìm mọi biện pháp để sớm trả hết nợ cho bà con theo 2-3 đợt.
Theo TTXVN