Cho đến nay, Phạm Ngọc Thảo vẫn còn nhiều bí ẩn khó có thể giải mã. Việc ông dựa vào thế lực gia đình trí thức, Thiên chúa giáo lâu đời, thân thiết với Tổng Giám mục Ngô Đình Thục để thâm nhập, đi sâu, leo cao vào chế độ chính quyền Sài Gòn nhằm phục vụ yêu cầu tình báo chiến lược là một việc làm không đơn giản chút nào!
Tài trí của Phạm Ngọc Thảo
Phạm Ngọc Thảo tất nhiên không thể giấu lý lịch kháng chiến ai cũng biết của ông. Nhưng ông không “hồi chánh” để “trở về với chính nghĩa quốc gia” theo yêu cầu của chế độ Ngô Đình Diệm. Bởi vì ông biết rằng, làm như vậy thì chẳng khác nào ông tự vô hiệu hóa vai trò của mình trước tình thế mới. Ngược lại, ông không những chủ động công khai lý lịch kháng chiến đó mà còn công khai tự hào về quãng đời mình đã theo Việt Minh chống Pháp. Nhiều người rất có lý khi nói rằng, để tiếp cận với gia đình họ Ngô thì nguồn gốc trí thức công giáo đã đành là một lợi thế, nhưng chưa đủ. Cái quan trọng hơn là ông đã khôn ngoan biến cái lý lịch kháng chiến thành một lợi thế thứ hai.
Tài trí và bản lĩnh của Phạm Ngọc Thảo còn được thể hiện qua các bài báo tập trung về đề tài quân sự, đăng trên Tạp chí Bách khoa trong 2 năm 1957 - 1958. Qua các bài báo, tác giả thể hiện kiến thức uyên bác của một nhà chiến lược quân sự và thực tiễn sinh động của một nhà cầm quân, nhưng nó lại gây “sốc” vì nó công khai ca ngợi chiến công chống ngoại xâm và hành động vì dân vì nước của Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, lên án những hành vi phi nghĩa của quân đội phản nhân dân trong thời điểm ấy.
Tư liệu về Đại tá Phạm Ngọc Thảo tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Ánh Nguyệt
Quả nhiên, những bài báo của Phạm Ngọc Thảo có tác dụng thật sự. Đây chính là thứ mà chính quyền Ngô Đình Diệm đang cần. Bởi vì, muốn xây dựng một quân đội thực sự là “quân đội quốc gia” thì không thể không dựa trên lý luận quân sự được trình bày trong những bài báo của Phạm Ngọc Thảo. Thông điệp mà Phạm Ngọc Thảo gửi tới phù hợp với đường lối chiến lược của anh em họ Ngô, đó là: Muốn chiến thắng Cộng sản, muốn xây dựng một quân đội, một chế độ độc lập thì phải làm theo cách của Việt Minh thôi!
Phạm Ngọc Thảo bắt đầu được trọng dụng qua sự tiến cử của Tổng Giám mục Ngô Đình Thục với Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Từ đây, ông gia nhập Đảng Cần Lao và được đưa vào Ban Tuyên huấn của Đảng này, được thăng quân hàm Thiếu tá và bố trí làm việc tại Sở Nghiên cứu chính trị - xã hội (tức cơ quan Mật vụ của Phủ Tổng thống) do Trần Kim Tuyến làm giám đốc.
Tuy nhiên, trong khi Ngô Đình Thục và Ngô Đình Diệm hoàn toàn tin tưởng Phạm Ngọc Thảo thì Ngô Đình Nhu vốn là một “con cáo già” chính trị, mặc dù trọng dụng ông nhưng cũng luôn nghi ngờ ông. Có lần, Ngô Đình Nhu đặt vấn đề với Phạm Ngọc Thảo, rằng: “Nhiều cán bộ Việt Minh sau Hiệp định Genève về làm việc cho Quốc gia, họ chỉ cho Quốc gia bắt được nhiều cán bộ Cộng sản nằm vùng quan trọng. Anh Thảo về làm việc cho Quốc gia được một thời gian rồi, sao chưa thấy anh Thảo chỉ bắt được ai?”. Câu hỏi thật hóc búa nhưng Phạm Ngọc Thảo vẫn điềm tĩnh thản nhiên trả lời: “Trước đây đi kháng chiến, tôi hợp tác với người Cộng sản dưới ngọn cờ Việt Minh đánh Tây để giải phóng Tổ quốc. Nay đất nước chia đôi, miền Bắc giao cho Cộng sản, miền Nam giao cho Quốc gia. Tổng thống và anh Nhu là người Quốc gia yêu nước muốn kiến thiết lại xứ sở sau bao nhiêu năm bị chiến tranh tàn phá, nên tôi đem hết sức lực làm việc cho Tổng thống. Tôi nghĩ Tổng thống và anh Nhu là những người quân tử, dùng người theo cách của người quân tử. Nếu tôi chỉ cho chính quyền bắt những đồng đội cũ của tôi, thì tôi là kẻ tiểu nhân đáng khinh bỉ. Liệu người quân tử như Tổng thống và anh Nhu có thể trọng dụng được kẻ tiểu nhân đáng khinh bỉ như vậy không?”. Nhu đuối lý, nhưng rất thích câu trả lời đó của ông.
Làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa
Tại các cuộc họp của Đảng Cần Lao, Phạm Ngọc Thảo rất thẳng thắn, thậm chí còn phản đối những hành vi vô nhân đạo trong chính sách “tố cộng” của chính quyền (vì họ Ngô đề cao chính sách “thân dân” và hành xử thì lê máy chém). Phạm Ngọc Thảo nói với Tổng Giám mục Ngô Đình Thục rằng: “Việc chống Cộng kiểu này là thua cộng sản”, rằng “chống Cộng càng tàn bạo bao nhiêu càng khiến cho dân chúng thấy Việt Minh nhân ái hơn bấy nhiêu”. Ngô Đình Thục tán đồng ý kiến này và thuật lại cho Ngô Đình Diệm nghe. Ngô Đình Diệm thấy có lý. Đó cũng là một trong những lý do Phạm Ngọc Thảo được Tổng thống Ngô Đình Diệm thăng lon Trung tá, bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa, nơi đang diễn ra cuộc nổi dậy của nhân dân…
Ba yêu cầu của Phạm Ngọc Thảo trực tiếp đề nghị (*) và được Tổng thống Ngô Đình Diệm chấp thuận, trước khi về làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre), cho thấy tài trí của Phạm Ngọc Thảo đã “trên cơ” Ngô Đình Nhu và cơ quan Mật vụ Sài Gòn. Nhiều phản ứng của phía bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn sau một số quyết định của Tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo đã được ông lý giải suôn sẻ, rằng: ông đang thí nghiệm một luận thuyết mới của Ngô Tổng thống - luận thuyết “thân dân”, phải có thời gian để kiểm nghiệm luận thuyết này…
Thời gian Phạm Ngọc Thảo ở Bến Tre không lâu - khoảng một năm rưỡi (từ tháng 11-1960 đến 5-1962), với bình phong bất lợi, nhưng ông đã làm được những việc trọng đại cho cách mạng tại Bến Tre. Ông đã chỉ đạo thả nhiều cán bộ cách mạng đã tham gia phong trào và bị bắt. Số cán bộ ấy chính là những hạt nhân của các phong trào cách mạng ở Bến Tre sau này.
Trước những cuộc biểu tình, đấu tranh chính trị, ông đều mời các bà mẹ lớn tuổi vào nghỉ để ông hỏi yêu cầu, nguyện vọng. Ông còn sai lính chặt dừa mang đến để các mẹ giải khát, mua bánh mì mời các mẹ lót lòng. Khi tổ chức hành quân, bao giờ ông cũng lệnh cho thuộc hạ phát loa để bà con biết tránh những nơi tình nghi có Việt cộng; không cho bắn pháo, ném bom vào nơi đông dân cư, đồng thời mật báo cho lực lượng kháng chiến biết để không bị bất ngờ và có biện pháp đối phó. Khi cần nổ súng thị uy, ông hướng cho quân lính bắn vào chỗ không người, kẻo chết oan dân chúng. Ông ra lệnh quân lính không được phép bắt gà vịt của dân. Tướng Huỳnh Văn Cao - Tư lệnh vùng III triệu tập ông về Cần Thơ với yêu cầu ông chấp nhận một trung đoàn lính thủy đánh bộ tới Kiến Hòa để “dẹp loạn” nhưng ông từ chối khéo, cho rằng đang thực hiện chính sách “thân dân”…. Những việc làm trên của Phạm Ngọc Thảo đã tạo điều kiện cho lực lượng chính trị, lực lượng võ trang cách mạng ngày một phát triển, góp phần làm cho phong trào Đồng khởi ở Bến Tre nhanh chóng lan rộng ra toàn miền.
Theo Báo Đồng Khởi