Nhà vườn thấp thỏm vụ hoa Tết

22/11/2021 - 16:11

Còn khoảng hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Hiện các nhà vườn tại Kiên Giang đang tất bật chuẩn bị cho vụ hoa cung ứng cho thị trường Tết. Dù dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng người trồng hoa năm nay vẫn rất cẩn trọng, chỉ xuống giống những loại hoa truyền thống, giảm sản lượng so với những năm trước.

A A

Chị Nguyễn Thị Mộng Thùy, ngụ ấp Ngã Con, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng lặt chèo cho hoa cúc Đài Loan trong vườn nhà.

Chuẩn bị cho vụ hoa cúc bán Tết từ hơn 2 tháng nay, chị Nguyễn Thị Mộng Thùy, ngụ ấp Ngã Con, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, cho biết, còn 1 đợt bấm ngọn cho 200 chậu cúc Đài Loan nữa là hoàn tất khâu sửa tán cho hoa. Tết Nguyên đán năm nay, ngoài cúc Đài Loan, chị còn trồng thêm 500 chậu cúc mâm xôi và 500 chậu vạn thọ. Do cúc có thời gian sinh trưởng dài ngày nên được trồng từ tháng 8 âm lịch, còn vạn thọ thì đến cuối tháng 10 âm lịch mới bắt đầu cho cây giống vào chậu. Đứng giữa vườn hoa cúc được kê thành từng hàng dài trên giàn trông thật đẹp mắt, chị Thùy cho biết: “Năm nay dịch COVID-19 hoành hành nên lúc mua cây giống hoa cúc phải gửi bằng đường bưu điện. Dù biết thị trường hoa Tết năm nay sẽ khó khăn do dịch bệnh nhưng tôi vẫn quyết định trồng số lượng hoa bằng năm ngoái vì trồng ít hay nhiều cũng phải tốn bấy nhiêu công chăm sóc”.

Theo các nhà vườn trồng hoa, năm nay thời tiết thuận lợi cho hoa phát triển, không có mưa nhiều và sâu bệnh gây hại như năm trước. Đến thời điểm này coi như nhà vườn trồng hoa cúc bán Tết đã cầm chắc 90% thắng lợi, chỉ còn chờ giá thị trường. “Năm nay dịch bệnh, tôi lo sức tiêu thụ sẽ giảm, nếu tăng giá sẽ khó bán”, chị Thùy nói.

Giữa tháng 11-2021, chúng tôi về ấp An Khương, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, nơi cung ứng hơn 200.000 chậu hoa các loại cho thị trường Tết Nguyên đán hằng năm, bà con nơi đây đang tất bật chuẩn bị rơm mục, chậu để chuẩn bị vụ hoa Tết. Không có cảnh tập trung thành nhóm đông đúc như những năm trước, mỗi người một việc, ai làm việc nấy và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo Ban Giám đốc Hợp tác xã trồng hoa kiểng An Khương, các giống hoa được hợp tác xã trồng chủ yếu có thời gian sinh trưởng ngắn từ 2-2,5 tháng như vạn thọ, cúc, hướng dương, mào gà, kiểng lá các loại… Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều nhà vườn đã chủ động giảm 30% lượng hoa trồng so với mọi năm.

Nhiều năm sống bằng nghề trồng hoa bán Tết, ông Trần Ngọc Hải, thành viên Hợp tác xã trồng hoa kiểng An Khương, cho biết: “Vụ hoa Tết năm nay gia đình tôi dự kiến trồng 3.000 chậu hoa vạn thọ và hướng dương, kiểng lá các loại, giảm 2.000 chậu so với mọi năm vì e ngại dịch bệnh vẫn còn, người dân không làm ăn được sẽ thắt chặt chi tiêu. Giá phân bón tăng ngất ngưỡng, phân rơm trồng hoa cũng tăng 1.000 đồng/chậu, giá hạt giống tăng 10.000 đồng/bịch nên nhà vườn trồng hoa mới đầu vụ đã có nhiều mối lo. Hy vọng năm nay người dân giảm sản lượng trồng sẽ giúp hoa bán được giá cao”.

Tính đến thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 trong tỉnh đã được kiểm soát, nới lỏng hoạt động. Việc đi lại giao thương buôn bán của người dân đã phần nào thuận lợi hơn trước. Nhiều thương lái đã bắt đầu tìm đến đặt hàng thu mua hoa và cây cảnh tại các khu vực trồng hoa của tỉnh. Xã Hòa Lợi là địa phương có nghề trồng hoa bán Tết lâu năm của huyện Giồng Riềng với số lượng từ 15.000-20.000 giỏ hoa. Tuy nhiên, vụ hoa Tết năm nay, bà con nơi đây đã giảm lượng hoa trồng 50%, thậm chí có hộ bỏ đất trống vì sợ dịch bệnh không bán được. Để hỗ trợ nhà vườn nắm bắt được tình hình sản xuất, thu hoạch để giải quyết đầu ra, ông Đặng Xuân Bách, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lợi, cho biết: “Xã đã cử cán bộ rà soát, thống kê diện tích hoa, cây cảnh của nhà vườn chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán 2022. Địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thương lái, các xe vận chuyển hoa lưu thông dễ dàng”.

Theo ĐÔNG HƯNG (Báo Cần Thơ)