Có hàng trăm ghe mía với tải trọng từ 50-70 tấn đang nằm chờ 1-5 ngày tại Nhà máy đường Phụng Hiệp mong sớm được cân mía.
Nhiều ghe mía nằm chờ
Theo công bố chính thức được lãnh đạo Casuco đưa ra, vào ngày 10-10 vừa qua, công ty sẽ bắt đầu vào vụ ép mía của niên vụ 2019-2020; đồng thời trước đó một ngày, công ty sẽ tiến hành tiếp nhận mía tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp, thuộc Casuco. Tuy nhiên, theo nhiều thương lái đang đậu ghe mía chờ được cân tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp và cũng là nhà máy đường duy nhất trên địa bàn tỉnh còn sản xuất trong vụ mía năm nay thì Nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ mới bắt đầu hoạt động vào sáng ngày 12-10.
Ông Trần Thanh Vũ, một chủ ghe mía đang nằm chờ gần cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp, cho biết: “Sau khi được nhân viên nhà máy đường thông báo địa điểm đi lấy mía thì ngày 8-10 vừa qua, tôi chạy ghe xuống địa bàn xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp cân hơn 50 tấn mía cho bà con rồi quay lại trong ngày. Cứ nghĩ đến sáng ngày 10 là được cân mía như kế hoạch được thông báo từ đầu của nhà máy. Tuy nhiên, đã 5 ngày qua, ghe mía của tôi phải nằm chờ và phơi nắng dưới sông thế này mà vẫn chưa được cân. Sáng ngày 12-10, nhà máy đường mới bắt đầu chạy máy ép mía, nhưng tiến độ cũng khá chậm. Mong sao tình hình ép mía được suôn sẻ để ghe mía của tôi sớm được cẩu lên băng tải đưa vào ép, chứ cứ tiếp tục nằm phơi nắng như vầy thì sẽ giảm số kg rất nhiều so với số kg mà tôi đã cân mía cho bà con tại rẫy, từ đó kéo theo cánh thương lái chở thuê như tôi sẽ bị thua lỗ”.
Theo quan sát của chúng tôi (PV) vào chiều ngày 12-10, tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp và dọc theo hai bên bờ sông gần nhà máy có hơn 100 ghe mía có trọng tải từ 50-70 tấn mía/ghe đang nằm chờ được cân mía từ 1-5 ngày qua. Thỉnh thoảng cũng có một số ghe mía vừa cân mía tại rẫy của bà con xong cũng đang đổ về và tiếp tục nằm chờ.
Cùng chung tâm trạng khi đang nôn nóng sớm được cân mía, ông Nguyễn Văn Tâm, có hơn 60 tấn mía nằm chờ dưới ghe được 4 ngày nay, thông tin: “Năm nay, nhà máy đường cam kết với nông dân và thương lái chở mía là mía từ rẫy đem ra nhà máy không quá 48 giờ sẽ được cân, thế nhưng, lời cam kết này chưa thực hiện được vì đã quá thời gian trên khá lâu mà mía còn nằm phơi nắng dưới ghe. Việc chậm trễ của nhà máy đường không chỉ làm giảm năng suất mía mà còn làm trễ chuyến vận chuyển mía kế tiếp của thương lái. Bởi, nếu được cân mía sớm thì tôi có thể đi lấy thêm một chuyến mía cho bà con theo lời hứa của mình”.
Để tìm hiểu nguyên nhân nhà máy đường vào vụ ép trễ so với thời gian công bố, chúng tôi có liên hệ qua điện thoại với người đứng đầu Casuco trong lúc này nhưng không được trả lời. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Hội đồng quản trị Casuco, nguyên nhân vào vụ ép trễ là do gặp sự cố về thiết bị, đến sáng ngày 12-10 đã khắc phục và tiến hành vào vụ ép nhưng vẫn chưa ổn định. Còn theo nhận định của cánh thương lái đang nằm chờ được cân mía tại cầu cảng nhà máy đường thì có lẽ do năm nay, Casuco thay thế gần như toàn bộ ê kíp vận hành nhà máy nên chưa quen với thiết bị, từ đó dẫn đến gặp khó khăn.
Nhiều ruộng mía của người dân bắt đầu khô đọt, xuống lá nhưng chưa được thu hoạch.
Người dân ngóng chờ, lãnh đạo Casuco bất ngờ từ chức
Một diễn biến khác tạo sự quan tâm của dư luận trong lúc này là việc người đứng đầu Casuco bất ngờ xin từ nhiều chức vụ quan trọng khi vụ ép mía của Casuco bắt đầu. Cụ thể, theo thông tin từ Hội đồng quản trị Casuco, vào ngày diễn ra đại hội cổ đông thường niên của Casuco (ngày 5-10 vừa qua), ông Lê Hồng Thái đã đọc đơn từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Casuco vì lý do sức khỏe và được Hội đồng quản trị chấp thuận. Ngay sau khi từ chức ở Casuco, ông Thái cũng đã gửi đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động với chức vụ Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần đường Kon Tum và đơn xin từ nhiệm Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Được biết, ông Thái bắt đầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Casuco từ đầu tháng 11-2018. Từ đó, ông Lê Hồng Thái có những động thái với vùng mía nguyên liệu Hậu Giang, như đóng cửa Nhà máy đường Vị Thanh; thay đổi chính sách đầu tư, bao tiêu mía nguyên liệu và thay đổi chính sách thu mua mía với nông dân tại Hậu Giang. Trước nhiều thay đổi của ông Lê Hồng Thái làm cho người trồng mía Hậu Giang trong thời gian qua luôn trong tình trạng lo lắng.
Bà Thái Thị Tuyết Hoa, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho rằng: “Năm nay, với chính sách thu mua mía sạch mà Casuco áp dụng thì trên thực tế một vài hộ đã đốn mía giao cho thương lái thì năng suất mía đã giảm đi khá nhiều so với cùng kỳ. Bởi, giả dụ như một cây mía đốn theo cách truyền thống thì được 1kg, còn áp dụng theo quy chuẩn mía sạch mà Casuco đưa ra thì chỉ còn 700-800gram vì bỏ đi phần ngọn và gốc khá nhiều. Với cách đốn mía sạch thì một công mía, nông dân cầm chắc mất khoảng 3 tấn mía. Trong khi giá mía thấp (chỉ 700 đồng/kg, mía 10 chữ đường), cộng với năng suất giảm thêm thì nông dân cầm chắc thua lỗ”. Ông Huỳnh Văn Tui, Phó Trưởng ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, thông tin: “Sau nhiều ý kiến phản ánh của người trồng mía về những chính sách mới trong thu mua mía của Casuco thì trước mắt, công ty bỏ việc buộc mía bằng dây nilon mà chấp nhận theo đề nghị của bà con là buộc bằng đọt mía như đã làm từ trước đến nay. Tới đây, bà con tiếp tục có những kiến nghị sao cho việc thu hoạch, cân, vận chuyển mía cho phù hợp với vùng đất nơi đây”.
Chỉ tay về phía gần 4 công mía (giống ROC 16) của gia đình đang bị vàng đọt, khô lá vì đã quá ngày thu hoạch nhưng chưa bán được, anh Nguyễn Văn Lành, ở ấp Long Trường, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Thấy ruộng mía của mình sắp chết khô ngoài đồng nên mấy ngày qua, tôi chạy đôn chạy đáo đi kiếm người để bán mía nhưng đều không có. Theo một số thương lái quen cho biết, nếu tôi muốn bán được mía thì phải điền vào đơn đăng ký với nhà máy đường, sau đó đem đến ấp, xã ký xác nhận rồi nộp lại cho nhân viên của Casuco để họ biết và sắp xếp thời gian đốn mía. Tuy nhiên, trước mắt họ chỉ ưu tiên thu hoạch trước những hộ đã ký hợp đồng bao tiêu với công ty trước đó, còn những hộ như tôi thì còn phải chờ lâu, trong khi mía đã quá ngày thu hoạch gần một tháng rồi, sợ kéo dài thêm thời gian thì cây mía sẽ bị bọng ở bên trong, từ đó kéo theo nhiều thiệt hại về năng suất và chữ đường”.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, do ảnh hưởng của đợt triều cường dâng cao trong thời gian gần đây nên toàn huyện có tổng số gần 2.500ha mía bị ngập nước, với độ sâu khỏi mặt liếp mía từ 10-30cm. Hiện tại, khi nước đã rút xuống khỏi mặt liếp, cộng với mía đã quá ngày thu hoạch nên thời điểm này cũng là lúc có nhiều diện tích mía, nhất là các giống mía chín sớm như ROC 16 đã bắt đầu xuống lá, vàng đọt. Do đó, những diện tích này nếu không được Casuco tính toán và thu hoạch hợp lý thì sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho bà con. Vì vậy, người trồng mía rất ngóng tin nhà máy đường sớm phát lệnh đốn chặt và đưa phương tiện vào vận chuyển mía tại những nơi cần thu hoạch gấp trong lúc này. “Dù lãnh đạo Casuco có cam kết là thu mua không còn cây mía nào của nông dân nằm ngoài đồng nhưng cần xác định thời gian và khoanh vùng thu hoạch cho phù hợp mới quan trọng, chứ để mía gần chết khô ngoài đồng hết mới chịu đến phát lệnh đốn thì cũng như không. Riêng 4 công mía (giống ROC 16) của gia đình tôi giờ bị đỏ đọt rất nhiều nên rất mong nhà máy đường sớm vào khảo sát để tôi thu hoạch nhằm hạn chế thiệt hại”, bà Thái Thị Tuyết Hoa, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, cho biết thêm.
Theo Báo Hậu Giang