Nhìn nhận bản chất thơ và thái độ ứng xử với thơ

28/02/2021 - 09:20

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trên tinh thần chung của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long quyết định không tổ chức Ngày Thơ Việt Nam năm 2021. Thay vào đó, hội tổ chức buổi tọa đàm thơ vào ngày 26-2-2021 (nhằm ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Sửu) với chủ đề: “Thơ và cuộc sống”.

A A

Văn Xương Các (gác văn chương, lầu thơ) tại Văn Thánh miếu Vĩnh Long, là nơi hội tụ các nhà thơ tiền bối ngày xưa, trao đổi, luận bàn và sáng tác thơ ca.

Với tình yêu và sự tôn trọng đối với thơ, cũng là trách nhiệm của một hội viên, trách nhiệm một nhà báo xin được gửi đến buổi tọa đàm bài tham luận xoay quanh vài khía cạnh nhỏ của thơ trong giai đoạn hiện nay.

Bản chất của thơ ca

Theo tôi, thơ không chỉ là một thể loại văn học, mà bản chất của thơ nó rộng lớn hơn và vai trò, sứ mệnh của nó thì quan trọng hơn nhiều. Dưới góc nhìn xã hội, thơ chính là một phần của văn hóa, nó chính là tiếng nói của dân tộc và thời đại.

Và vì lẽ đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào đất nước cũng cần có những tác phẩm thơ ca mang giá trị đích thực, góp phần hoàn thiện con người trong hành trình hướng đến chân- thiện- mỹ; đồng thời gia cố nền móng văn hóa truyền thống cùng với việc định hình những chuẩn mực mới của thời đại.

Tuy nhiên, có một thực tế là chúng ta đang chứng kiến một thế giới đang chuyển động với tốc độ khủng khiếp và những loại hình giải trí hiện đại tràn ngập “phủ sóng” lên hầu hết các kênh truyền thông qua những phương tiện cực kỳ hiện đại, tiện dụng, đã làm cho thơ ca cũng như một số loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống bị mờ nhạt, ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều người cho rằng thơ đang chết chìm trong thời hiện đại!

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là: có phải thơ đang chết? Cuộc sống tương lai sẽ không cần sự tồn tại của thơ chăng?... Chúng ta cần có cái nhìn biện chứng, khoa học và học thuật để có một thái độ bình tĩnh nhận diện bản chất của vấn đề.

Trước tiên, cần khẳng định một điều rằng: ngôn ngữ còn thì thơ ca vẫn tồn tại và những giá trị văn hóa của thơ ca vẫn luôn cần thiết cho mỗi dân tộc trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời đại nào. Lịch sử hơn 3.000 năm hình thành và phát triển thơ ca của nhân loại đã chứng minh điều này. Có những giai đoạn thịnh suy, rực rỡ và trầm lắng, nhưng thơ vẫn tồn tại trong lòng dân tộc song hành cùng sự phát triển của đất nước.

Đặc biệt, thơ cũng luôn biết cách vận động, đổi thay để thích nghi với tư cách là một loại hình văn học và một giá trị văn hóa đặc biệt của đất nước. Mà chính ngay trong những giai đoạn bị chìm khuất, bị xâm thực và va đập như thế này, sự tồn tại và khôi phục sự hưng thịnh của thơ ca mới cần thiết biết bao nhiêu. Bởi mấy lý do sau đây:

Thứ nhất, chúng ta đang chứng kiến sự “tàn phá” vẻ đẹp ngôn ngữ dân tộc, điều này không chỉ ở nước ta, mà các nước càng phát triển vấn đề này càng nguy cấp. Trào lưu sử dụng ngôn ngữ dễ dãi của lớp trẻ, làm nghèo hóa ngôn ngữ tiếng Việt.

Sự xâm thực của những loại hình giải trí rẻ tiền và rẻ rúng ngôn ngữ tiếng Việt đáng báo động. Điều quan trọng hơn, cùng với sự làm “xấu xí” đi ngôn ngữ, chính là sự lệch hướng những giá trị thẩm mỹ và giá trị văn hóa của xã hội.

Chính trong hoàn cảnh này, thơ ca cần được phát huy vai trò, giá trị của nó, để gìn giữ và phát huy vẻ đẹp ngôn ngữ Việt, cùng với đó là bảo vệ tính vẹn nguyên những chuẩn mực văn hóa của cộng đồng xã hội. Vậy ai là người có trách nhiệm đưa thơ đến với cuộc sống hiện đại này đúng với bản chất, giá trị của nó?

Để có những tác phẩm thơ đương nhiên cần đến những nhà thơ, nhưng để thơ đến với rộng rãi công chúng và thực sự lôi kéo được số đông lại là một vấn đề bao hàm nhiều vấn đề chúng ta cần bàn một cách thấu đáo.

Thái độ ứng xử với thơ ca

Tôi chỉ xin phép nêu 3 vấn đề đó là: thứ nhất, chủ thể các nhà thơ; thứ hai, công tác lý luận phê bình văn học và thứ ba, việc hỗ trợ, quảng bá để truyền tải thơ được đến với rộng rãi công chúng.

Đối với vấn đề thứ nhất, thơ lấy vỏ ngôn ngữ làm công cụ chuyển tải như văn xuôi, nhưng nó khác bản chất là trong thơ có tiết tấu, nhịp điệu, nhạc điệu trong một hình thức cô đọng, súc tích và nó tạo nên sự rung động trước hết từ nhà thơ truyền tải đến người đọc. Do đó, trong văn xuôi lấy “sự” là đầu, thì thơ lấy “tình” làm cốt lõi.

Vì lẽ đó, đòi hỏi nhà thơ phải có vốn ngôn ngữ thực sự “giàu có” và tài hoa mới có đủ năng lực truyền tải trọn vẹn những rung động tinh tế đến người đọc- đó là điều kiện cần. Nhưng nếu nhà thơ thiếu đi vốn sống, sự nhạy cảm thời cuộc, thời đại, thiếu bản lĩnh về nhân sinh quan, thế giới quan thì những tác phẩm thơ thiếu sức nặng, nhạt và dễ trở thành những vỏ ngôn ngữ rỗng- đó là điều kiện đủ.

Nhìn lại những tác phẩm bất hủ trong nền thơ ca Việt Nam dù từ ruộng đồng hay cung đình, dù là người nông dân hay một ông vua làm thơ, đó đều là những tác phẩm lung linh vẻ đẹp ngôn ngữ và những cảm hứng thời cuộc, thời đại chân chính mang những giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc.

Thứ hai là công tác lý luận phê bình văn học, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện tác phẩm, tác giả, định hướng thẩm mỹ văn học, thì hiện nay rất mờ nhạt. Ở các địa phương tỉnh lẻ càng yếu, mà thường là một khoảng trống mênh mông. Nhà phê bình là tác nhân đánh thức dư luận, đẩy mạnh quá trình tiếp cận cuộc sống của thơ nhanh hơn, bền vững hơn.

Trước hết ở lĩnh vực GD-ĐT, kế đến là bởi đây là lĩnh vực khó nhằn, một nghề đòi hỏi có kiến thức học thuật, năng lực cảm thụ thẩm mỹ văn học thực sự tinh tế, vừa có bản lĩnh chịu đựng áp lực, sự công tâm trong công tác thẩm định.

Có một thời việc phê bình lý luận văn học đã làm cầu nối rất tốt giữa tác phẩm và công chúng, nở rộ những nhà phê bình lớn, có uy tín. Ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã từng có 2 trường Đại học Tổng hợp có 2 khoa văn đào tạo đội ngũ lý luận phê bình văn học rất mạnh.

Vấn đề thứ ba là việc hỗ trợ, quảng bá để truyền tải thơ đến được với rộng rãi công chúng. Đây là việc khó. Riêng Vĩnh Long chúng ta cũng đã có sự cố gắng hết sức trong khả năng, nhưng hiệu quả chưa cao.

Chúng ta có tạp chí của hội, có quảng bá tác phẩm văn học trên báo, đài địa phương, nhưng công tác này cần được đặc biệt quan tâm hơn nữa để đủ sức tạo nên không khí, sự hứng khởi trong đội ngũ sáng tác, cũng như thái độ ứng xử của xã hội đối với thơ ca.

Việc đầu tư hàng năm cho tác phẩm thơ chưa đủ hấp lực tạo nên sự ra đời những sáng tác mới, những tác giả mới; mà song song với việc này chúng ta cần có những cuộc thi đủ tầm vóc, uy tín để tìm tòi, phát hiện nhân tố mới trong thơ ca.

Mở rộng vấn đề thái độ ứng xử đối với thơ, có ý kiến cho rằng thời gian qua thơ bị chìm khuất, gần như lãng quên do vấn đề kinh tế- xã hội và khi kinh tế phát triển ổn định thơ lại được sự quan tâm trở lại.

Cá nhân tôi cho rằng đây chỉ là một mặt của vấn đề. Để thơ có được đúng vị trí sang trọng của nó vốn có trong kho tàng văn hóa, lịch sử của dân tộc yêu chuộng và trọng thị thơ ca như nước ta; yếu tố sống còn là sự quan tâm đặc biệt từ phía quản lý, từ phía Nhà nước.

Nhìn lại lịch sử thơ ca đi cùng dân tộc hàng ngàn năm qua, những giai đoạn thơ ca phát triển cực thịnh là sự nở rộ nhân tài cùng với sự yêu chuộng thơ ca của giới quan lại, quan chức, vua chúa, những nhà lãnh đạo đất nước.

Thơ cần sự hỗ trợ, tài trợ lớn từ phía Nhà nước, vấn đề tiền không phải là để “nuôi” các nhà thơ- dù chúng ta biết rằng không nhà thơ nào sống được bằng tác phẩm cả, mà tiền chính là để tạo nên nhiều con đường cho thơ ca đến gần hơn, mạnh mẽ hơn với cuộc sống. Và đó chính là giữ gìn một kho tàng ngôn ngữ, nuôi dưỡng, lành mạnh hóa một nền văn hóa độc đáo đầy tự hào của dân tộc.

Theo NGỌC TRẢNG (Báo Vĩnh Long)