Nói đến việc sản xuất các mặt hàng Tết ở vùng đất Trần Văn Thời, không thể bỏ qua sản phẩm khô cá bổi U Minh nổi tiếng. Khi nói đến nghề làm cá khô bổi, mọi người hay nhắc đến tên Tư Hùng, cơ sở có diện tích nuôi cá bổi nhiều nhất của huyện, với 32 năm trong nghề làm khô cá bổi.
Anh Từ Thanh Hào, con trai duy nhất của ông Tư Hùng, hiện là thế hệ thứ 2 nối tiếp nghề, cho biết, cơ sở Tư Hùng sản xuất và kinh doanh khô cá bổi quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là vào thời điểm gần cuối năm, khi các ao nuôi cá bổi của người dân vùng ngọt hoá trên địa bàn huyện vào mùa thu hoạch rộ.
Cá khô bổi là mặt hàng nổi tiếng của huyện Trần Văn Thời, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. (Ảnh: Cơ sở sản xuất cá khô bổi Tư Hùng).
Hàng năm, mùa sản xuất để cung ứng cá khô phục vụ Tết thường bắt đầu nhộn nhịp khi bước qua đầu tháng Chạp. Anh Hào chia sẻ: “Bước qua đầu tháng Chạp là làm suốt, không nghỉ ngày nào. Bình quân một ngày sản xuất 600 kg cá khô, tức là tiêu thụ khoảng 1,5 tấn cá bổi tươi. Ðể sản xuất kịp lượng hàng lớn trong vòng hơn 20 ngày này, cơ sở phải thuê hơn 20 nhân công”.
Sản lượng xuất bán khô cá bổi của cơ sở Tư Hùng hơn 60-70 tấn/năm, tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành ÐBSCL và qua đầu mối Việt kiều ở nước ngoài.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh, anh Hào luôn chú trọng trên hết chất lượng sản phẩm, bảo vệ thương hiệu tập thể khô cá bổi U Minh. Anh cho biết, các cơ sở làm nghề khác có thể thu mua cá bổi tươi ở tỉnh trên hoặc cá từ Thái Lan xuất hiện thời gian gần đây, nhưng với cơ sở Tư Hùng thì chỉ sử dụng cá bổi tươi ở địa phương. Theo anh Hào, sản lượng cá bổi tươi của quê hương rất dồi dào, dư sức để phục vụ cho việc làm khô.
Ðể chủ động trong việc cung cấp nguyên liệu làm nghề cũng như hỗ trợ nhau trong sản xuất, 2 năm nay, cơ sở Tư Hùng liên kết với 15 hộ dân ở Ấp 3, Ấp 4, cơ sở hỗ trợ thức ăn, bao tiêu đầu ra với phương châm đảm bảo nông dân có lợi nhuận. Hàng năm, thu mua trong bà con nông dân có liên kết với cơ sở sản lượng 140 tấn cá.
Ðể giữ uy tín cho thương hiệu quê hương của gia đình, cơ sở Tư Hùng chú trọng chất lượng sản phẩm, sức khoẻ người tiêu dùng. Anh Hào cho biết thêm: “Khô cá bổi ở cơ sở đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể cá khô bổi U Minh, đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Ðể giữ vững thương hiệu, chất lượng cá khô bổi ở cơ sở đã xây dựng bao nhiêu năm qua, trong quá trình sản xuất luôn chú trọng kỹ thuật, sản phẩm tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ có sự hỗ trợ của các ngành, cơ sở có lò sấy nên việc làm nghề thuận tiện hơn”.
“Tình hình giá khô cá bổi các loại năm nay hiện tăng 10.000-20.000 đồng/kg. Cụ thể, đối với loại 8 con là 260.000 đồng/kg, 10 con là 240.000 đồng, 12 con là 220.000 đồng. Gần Tết giá có thể biến động, tuy nhiên tình hình mua bán năm nay có chiều hướng không tích cực lắm khi công nhân thất nghiệp nhiều, không thu nhập”, anh Hào dự đoán.
Vựa khô Chí Thoàn (ấp Kênh Mới, xã Khánh Hải) cũng đang tất bật sản xuất các mặt hàng khô, mắm phục vụ thị trường Tết sắp tới. Vừa nằm ở xã vùng ngọt, vừa là ấp ven biển, có nhiều lợi thế trong việc thu mua nguyên liệu làm nghề, cơ sở Chí Thoàn sản xuất đa dạng nhiều mặt hàng, từ đặc sản vùng ngọt như khô cá bổi, khô cá lóc cho đến sản phẩm từ vùng biển như mắm cá lù đù, mắm cá cơm, ruốc chao, mắm ruốc xào, khô cá ngát, cá thu, cá đuối, tôm khô, khô mực…
Chị Phan Kiều Trang, chủ cơ sở vựa khô Chí Thoàn, cho biết: “Dự kiến dịp Tết này, cơ sở sản xuất mắm, khô các loại khoảng 3 tấn. Ngoài thu mua nguyên liệu ở địa phương thì phải thu mua thêm ở thị trấn Sông Ðốc. Tuy Tết năm nay không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như năm rồi nhưng làm ăn khó khăn, đầu ra hơi chậm. Về mặt giá cả thì có thể lên chút đỉnh, vì sản lượng khai thác năm nay không nhiều như mọi năm”.
Tết đang đến thật gần. Dù đối mặt với không ít khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nhưng các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng khô phục vụ Tết vẫn tất bật vào vụ với hy vọng một mùa Tết làm ăn được./.
Theo NGỌC MINH (Báo Cà Mau)