Những “bóng hồng” chạy đò trên biển

30/11/2022 - 16:33

Ở cảng An Thới, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) có nhiều “bóng hồng” làm nghề chạy đò chở khách, hàng hóa vượt biển. Với họ sự hiểm nguy của sóng to, gió lớn đồng nghĩa với việc mưu sinh là vất vả.

A A

Phú Quốc có nhiều điểm tham quan được du khách yêu thích, trong đó có hòn Thơm, hòn Rỏi, hòn Dừa... Nơi đây có nhiều loại hình đưa đón khách từ đất liền ra các hòn như cáp treo, tàu du lịch, ca nô hoặc đò.

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi đến cảng An Thới. Có mặt ở cảng An Thới khoảng 8 giờ 30 phút, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ mạnh mẽ, vững tay lái chạy đò đưa đón khách.

Hầu hết những “bóng hồng” lái đò từ 30 tuổi trở lên. Mặc cho trời nắng hay mưa, mỗi ngày các chị chạy đò chở khách vài chục chuyến. Ai có nhu cầu đi lại, các chị sẵn sàng chở, nếu không có khách các chị chở hàng cho tàu cá.

Nhiều “bóng hồng” chuẩn bị chuyến đò chở khách tham quan du lịch.

Chúng tôi được một người phụ nữ khoảng 40 tuổi mời đi hòn. Chị giới thiệu tên và báo giá để chúng tôi tham khảo, sau khi thỏa thuận giá chúng tôi lên đò của chị đi qua hòn.

Chị Nguyễn Thị Đa - tài công có hơn 20 năm kinh nghiệm chạy đò kể, trước đây chị làm nghề chạy đò ở TP. Long Xuyên nhưng ít người đi, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Đến năm 2011, gia đình chị ra Phú Quốc kiếm việc làm.

“Đến Phú Quốc, vợ chồng tôi làm đủ nghề kiếm sống. Đến 2012, tôi thấy nhiều người làm nghề chạy đò ở cảng An Thới thu nhập khá nên tôi góp tiền mua đò để chạy. Chạy đò trên biển nguy hiểm hơn chạy trên sông, chúng tôi phải đối mặt với những cơn mưa, sóng lớn bất chợt nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên tôi cố gắng đeo nghề”, chị Đa nói.

Gia đình chị Đa có 4 người sống bằng nghề lái đò. Đến mùa du lịch, các tài công phải tăng ca từ sáng sớm đến tối muộn mới về nhà. Vừa đưa khách cập bến lại có người gọi điện rước về, dù công việc bận rộn không có thời gian ăn cơm nhưng chị Đa luôn vui.

Chị Nguyễn Thị Đa với hơn 20 năm kinh nghiệm chạy đò đưa khách ra hòn Rỏi.

Đang chờ khách lên đò, chị Nguyễn Thị Hằng, ngụ phường An Thới cho biết: “Nghề này vất vả. Ai có nhu cầu thì tôi đưa, đón không kể ngày nghỉ lễ. Càng vào những ngày nghỉ, người qua lại hòn càng đông”.

Từ cảng biển An Thới, du khách đi đò hoặc tàu du lịch ra hòn Thơm, hòn Rỏi, hòn Dừa để tham quan, ăn uống, tắm biển. Phí thuê đò từ 300.000-500.000 đồng/lượt, rẻ hơn so thuê ca nô hoặc tàu du lịch.

“Trước đây, tôi ở nhà nội trợ, chăm lo cho con, từ sau dịch COVID-19, cuộc sống khó khăn nên tôi chạy đò kiếm thêm thu nhập. Tôi chạy ban ngày nên mỗi ngày thu nhập khoảng 300.000 đồng”, chị Hằng chia sẻ.

Khi hỏi về những nguy hiểm rình rập trên những chuyến đi hòn, chị Hằng chia sẻ: “Những ngày đầu mới chạy đò tôi mệt mỏi, nhức mỏi khắp người vì phải chịu lực của máy. Mỗi khi sóng lớn, con đò chao đảo, tôi phải đứng vững, chân phải kẹp chặt cây đỡ khung máy, tay phải gồng cứng để chịu lại”.

Vì là đò cây, thiết kế không lớn nên thời gian từ cảng ra đến các hòn chậm hơn phương tiện khác. Theo những “bóng hồng” chạy đò, trước đây nghề chạy đò thu nhập khá vì tàu du lịch và ca nô ít nên đa phần khách tham quan đi đò ra các hòn. Đến nay, nhiều tàu du lịch, ca nô kinh doanh nên ít người chạy đò.

Những người phụ nữ nhỏ nhắn với gương mặt khắc khổ quá bé nhỏ so đại dương mênh mông nhưng dáng người mảnh mai ấy bước lên đò, mạnh mẽ và dứt khoát các động tác cầm máy, tôi biết các chị sẵn sàng đương đầu sóng gió để mưu sinh.          

“Với những gia đình sống ở cảng An Thới, nghề đánh bắt, chạy đò là nghề mưu sinh chủ yếu. Nghề chạy đò vất vả, nguy hiểm rình rập, đàn ông làm nghề vất vả, phụ nữ còn khó khăn hơn nhiều lần. Vậy nhưng khó khăn ấy không làm chùn bước những người phụ nữ can trường, hàng ngày các chị vẫn miệt mài vươn khơi mưu sinh”, ông Phạm Hà - ngư dân sống ở cảng An Thới nhận xét.

Theo  THỦY TIÊN (Báo Kiên Giang)