Nếu có khám phá ẩm thực miền Tây mới biết họ chuộng gỏi đến nhường nào. Món này có thể được dùng để ăn chơi, làm mồi nhấm hay xuất hiện trong những bữa cơm gia đình. Sự đa dạng và phong phú của món ăn này cũng một phần là nhờ người dân nơi đây rất sáng tạo, biết tận dụng mọi thức quà của thiên nhiên để kết hợp. Minh chứng là những món gỏi độc lạ từ miền Tây khiến bạn tò mò ngay từ khi nghe tên sau đây.
Gỏi bồn bồn
Chỉ cần nghe tên thôi thì bạn cũng thấy lạ tai và tò mò không biết bồn bồn là thứ gì, hay gỏi bồn bồn hương vị ra làm sao đúng không? Thực chất, đây là một loại cỏ hoang mọc nhiều trong các ruộng, ao ở miền Tây sông nước. Người dân nơi đây rất biết cách tận dụng cái giòn ngọt tự nhiên của bồn bồn để chế biến thành một món gỏi khai vị độc lạ.
Sợi bồn bồn màu trắng nõn sẽ được trộn cùng tôm, thịt ba chỉ, tai heo... và thêm thắt chanh, đường, nước mắm để cân bằng hương vị. Món ngon hay dở cũng tùy vào người pha chế nước trộn gỏi. So với các món gỏi khác, gỏi bồn bồn có độ mềm, ẩm hơn nhưng vẫn dung hoà đủ chua, cay, mặn, ngọt. Nếu một lần về miền Tây, bạn phải một lần thưởng thức gỏi bồn bồn để cảm nhận được hương vị ẩm thực độc đáo miền sông nước.
Gỏi ba khía
Miền Tây có một đặc sản rất độc đáo nhưng không phải ai cũng thưởng thức được là ba khía. Về cơ bản, đu đủ bào sợi là "nền tảng" của món gỏi này nhưng thật chất chính nhờ nước trộn được chế biến kì công từ mắm ba khía thì món ăn mới gây được ấn tượng với thực khách. Người ta lấy ba khía giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt rồi khử cùng tỏi, ớt để giảm mùi tanh.
Từng miếng đu đủ quyện đều trong sốt sền sệt và dậy lên mùi thơm nồng rất kích thích. Nếu cảm thấy chưa đủ vị, bạn có thể thêm tôm, thịt nhưng nhất định phải có rau thơm, đậu phộng rang, hành phi để cái bùi béo, the the chốt lại trong miệng một dư vị khó quên.
Gỏi củ hũ dừa
Đối với người dân miền Tây, không có bộ phận nào của dừa mà bỏ phí cả. Nếu như trái dừa xuất hiện trong nhiều món ngọt thì về miền này bạn còn bất ngờ hơn với một món gỏi cũng từ chúng, đó chính là gỏi củ hũ dừa. Đây là phần lá mầm nằm trên ngọn của cây dừa nên ngon và có độ giòn ngọt.
Củ hũ dừa không thể nào làm nên chuyện khi đứng một mình mà phải kết hợp cùng với nhiều thức ăn khác như cà rốt ngâm chua ngọt, tôm luộc, thịt, rau răm... Không cần phải thêm thắt nhiều gia vị mà hãy để cái giòn sật, thoảng thơm của củ hũ dừa được dịp bung tỏa trong miệng. Chén nước mắm tỏi ớt cũng chiếm vai trò quan trọng để món ăn thêm đậm đà, bắt vị.
Gỏi sầu đâu
Món gỏi nghe tên thấy buồn buồn này lại là đặc sản khiến thực khách bốn phương nhớ mãi về ẩm thực miền Tây. Sầu đâu có hương vị kì lạ là đắng chát rất khó ăn, ấy vậy mà khi đem đi trộn gỏi thì đã khiến biết bao người "phải lòng". Sau khi trụng sơ qua nước sôi thì lá sầu đâu sẽ trộn cùng cà chua, dưa leo, xoài và thấm đều cùng nước me chua ngọt. Nhờ thế mà hương vị nguyên bản của sầu đâu không còn để nhường chỗ lại cho hậu ngọt, bùi bùi lạ miệng.
Gỏi sầu đâu ngon thì không thể thiếu khô cá lóc, khô dai dai mằn mặn làm món ăn như được nâng tầm. Độc đáo từ cái tên cho đến hương vị, bởi thế mà gỏi sầu đâu đã tạo được một ấn tượng khó phai trong lòng nhiều du khách.
Theo Trí thức trẻ