Lươn là loài thủy sản không vây, không vảy, mắt nhỏ. Lươn thường sống ở các vùng sình lầy có nhiều động, thực vật thúi rửa. Ở miền Tây Nam bộ lươn sống ở các đìa cạn, mương vườn ngập đầy lá cây mục, các trũng nước gần gò mả,… Có lẽ vì đặc tính đó mà ngày xưa thi hào Nguyễn Du đã cho rằng: Thân lươn bao quản lấm đầu,…
Đặt trúm bắt lườn ngoài đồng
Sau khi xong công việc đồng ruộng, người bình dân vùng đất này thường hay xách chĩa đi đâm lươn để kiếm bữa ăn chiều. Người ta cũng có thể bắt lươn bằng cách thả câu kiều, đặt lọp, đặt trúm,… Ống trúm là một cây tre to dài chừng nửa sải tay người lớn, được thông các mắt, một đầu để kín bằng mắt tre, đầu kia làm cái hom được vọt từ các mảnh tre, bện thành hình cái phễu, bỏ mồi vào trong ống.
Ống trúm đem đặt vào những mương nước, bờ ao, góc ruộng, thế là ban đêm lươn đi tìm mồi chui vào rồi không ra được. Mỗi chiều một người đi thả chừng vài chục ống trúm, nếu gặp đêm may mắn thì buổi sáng số lươn thu về cũng kha khá.
Con lươn
Những con lươn vàng ươm cỡ ngón chân cái, cườm tay người lớn, dài bảy tám tấc tây mập, béo chế biến món ăn gì cũng ngon tuyệt. Từ thực tế dân gian, chúng tôi xin giới thiệu một số món ăn từ lươn ở miền quê thôn dã.
Lươn đã làm sạch
1. Lươn nấu canh chua trái giác
Để làm sạch lươn, người nhà quê chỉ cần đem lươn lăn vô đống tro bếp rồi vuốt mạnh tay cho sạch nhớt. rồi đem rửa lại nước giấm cho thật sạch, rồi mổ ruột, để cho ráo nước, cắt thành từng khúc hoặc để nguyên con tùy ý người nấu.
Giác là loại dây rừng mọc hoang ở vườn tạp, hay quấn quýt trong các đám lá dừa nước. Trái giác tròn nhỏ cỡ đầu ngón tay út. Để nấu canh người ta thường chọn hái những trái còn hườm (gần chín) với một ít trái chín tím, bông súng ma mọc ngoài bưng nhổ về lặt, lột sạch vỏ, ngắt thành từng đoạn cỡ ngón tay, một vài tép sả đập dập cắt từng đoạn dài,...
Chuẩn bị xong rồi bắc chảo mỡ phi tỏi cho nóng, thả lươn vô chảo xào sơ nêm gia vị thấm đều, rồi gắp lươn ra đĩa. Nồi nước đun sôi rồi thả trái giác, những tép sả đập dập vào, khi đã thấy giác vừa độ phân rã thì lấy rổ lược hết những xác bã giác ra bỏ đi và cho những khoanh lươn đã xào sơ vô nấu chung với những cọng bông súng, đợi lươn chín thì nêm nếm cho vừa ăn. Nhớ khi múc ra tô, đừng quên điểm vào tô canh chua lươn nấu trái giác vài lát ớt, ngò gai, ngò om… cho đầy đủ hương vị nhà quê.
Canh chua lươn
Cả nhà ngồi quanh mâm cơm với tô canh trái giác nấu canh chua lươn bốc khói nghi ngút, một cảm giác đầm ấm và hạnh phúc đang đến…
2. Lươn xào sả ớt
Lươn làm sạch để ráo rồi dùng dao cắt thành khoanh xéo dày non phân tay rồi ướp với ít nước nghệ, nước mắm, bột nêm, …
Bắc chảo lên chế ít mỡ cho nóng rồi cho tỏi, sả, ót bằm nhuyễn vào. Khi sả ngả màu thì đổ lươn đã ướp sẵn vô xào qua, thêm chút nước dừa tươi đảo đều cho đến khi lươn chín và nước cạn hết thì nhắc xuống ăn với cơm nóng.
Lươn xào sả ớt
3. Lươn hấp bầu
Lựa trái bầu vừa ăn cắt từ ngoài giàn trồng ngoài sân vườn vào rửa sạch, dùng dao gọt vỏ, nhưng không cần gọt sạch mà thực hiện theo cách gọt sợi, bỏ sợi,… Khéo léo dùng dao bén khoét lấy ruột bầu bỏ đi. Lươn làm sạch, để ráo, ướp qua gia vị, chờ cho lươn thấm. Nhẹ tay đặt lươn đã ướp vào giữa ruột bầu.
Bắc nồi nước xâm xấp lên rồi thả trái bầu vào đập nắp nồi cho kín nấu lửa vừa. Sức nóng sẽ làm bầu chín và lươn cũng chín theo. Gắp nguyên trái bầu để vào dĩa, dọn cùng với nước mắm nguyên chất có thêm ít trái hiểm hoặc nước chấm chế biến từ tương hột xay nhuyễn cùng đậu phộng, sả, nước cốt dừa,… Dùng đũa tách trái bầu ra, thịt lươn vừa có mùi thơm, vừa có vị ngọt, lại không quá bở, hơi dai dai càng làm cho món ăn trở nên ngon miệng.
4. Cháo lươn
Lươn làm sạch nhớt, để ráo rồi cho lươn vào nồi nước luộc cùng với một vài lát nghệ hoặc gừng. Chỉ luộc sơ rồi vớt lươn ra để tuốt thịt bỏ xương, nếu luộc chín quá thì xương sẽ rời từng đoạn, rất khó lấy thịt. Phần thịt được đem ướp các loại gia vị để sẵn một bên. Phần xương đem giã nhỏ, rồi cho vào nồi nước luộc lươn. Gạo đã vo sạch trút vô nấu nhừ. Sau đó, phi mỡ tỏi xào phần thịt lươn đã ướp cho thấm gia vị trút tiếp vô nồi. Để cháo ngon hơn cần có một ít rau răm hoặc ngò gai xắt thật nhỏ nêm vào.
Cháo lươn ăn nóng mới ngon. Gia vị kèm theo lúc nào cũng có là một dĩa ớt xắt, tiêu xay, ít gừng xắt chỉ,...
Cháo lươn
Lươn tính ôn, vị ngọt, có công hiệu bổ khí dưỡng huyết, làm mạnh gân cốt; thích hợp với các chứng lao lực, ho hen, tiêu khát, kiết lỵ, phong thấp đau nhức, gân cốt rã rời, viêm tai giữa, thận hư đau lưng, liệt thần kinh mặt.
Các món ăn từ lươn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng. Vì thế canh chua lươn, lươn xào mặn, … vừa ngon vừa có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho cơ thể. Người bình dân đã khéo léo kết hợp những thứ sẵn có chung quanh nơi họ sinh sống để cho ra những món ăn tuyệt vời lại đậm đà hương đồng gió nội.
Theo HAI MIỆT VƯỜN (Dân Việt)