Những sản vật nhất định phải thử khi đến miền Tây mùa nước nổi

07/10/2018 - 19:08

Từ tháng 7 âm lịch đến tháng 10 âm lịch hàng năm là mùa nước nổi ở miền Tây. Tôm, cá từ thượng nguồn đổ về nhiều không kể xiết. Đến miền Tây dịp này các bạn nhớ thưởng thức những món ăn đặc trưng ở đây.

1. Cá linh:

Ai từng ghé thăm miền Tây mùa nước lũ mà không một lần thưởng thức hương vị ngọt bùi của những con cá linh thì quả thật rất uổng phí. Cá linh được sinh ra từ dòng nước, không có bàn tay người chăm sóc. Cá linh được chia làm nhiều loại như: linh rìa, linh ống, linh cám…

Cá linh đầu mùa được xem là ngon, ngọt thịt nhất, chỉ bé như đầu đũa nên người dân gọi là cá linh non hay cá linh sữa. Cá chưa lớn nên xương mềm, bụng có mỡ béo ngậy. Từ món cá tươi nướng kẹp que tre ăn với rau cải trời chấm mắm tỏi, đến cá linh kho rim với mía, riêu riêu vài lửa cho rục xương,… đều rất hấp dẫn.

2. Bông điên điển:

Cây điển điển mọc ở các đầm ao, hay trồng theo các bờ ranh hoặc đất trống. Cây phát triển rất nhanh, điều đặc biệt không cần chăm sóc, hay đầu tư phân thuốc mà vẫn cho bông rất sai, nhờ vậy đã giúp rất nhiều người dân nghèo ở vùng lũ tăng thêm thu nhập.

Từ loại bông này, người dân miền Tây đã biết cách chế biến thành nhiều món ăn ngon trong từng bữa cơm gia đình như làm dưa chua, nấu canh, làm gỏi, xào với gỏi tép đồng... hoặc ăn sống chấm cá kho, nhúng lẩu chua, ăn kèm với bún cá..

3. Bông súng:

Vào mùa nước nổi, cây bông súng phát triển dài, người dân thu hoạch để dùng và bán.

Bông súng có mùi thơm và nhiều màu: màu trắng, màu tím lục bình, màu hồng cánh sen. Thân bông súng có màu nâu. Cọng súng dài phải hai người khiêng để không làm cọng súng bị dập. Thường người sử dụng thân bông súng để chế biến món ăn, còn phần bông thì ít khi sử dụng. Thân bông súng được cắt khúc dùng để trộn gỏi với ngó sen, tai heo hoặc ăn như rau sống kèm với mắm kho, lẩu cá. Bông súng còn được người dân miền Tây chế biến ra nhiều món như canh bông súng nấu tôm, cá đồng. Từ những thân bông súng bọng nước, người miền Tây đã làm ra nhiều món ăn ngon, trong đó có món bông súng muối làm dưa dùng để kho với thịt, cá. Khi ăn, bông súng vừa có vị ngọt, vừa dai mà mặn mà.

4. Cua đồng:

Mùa nước nổi đang về, nhiều người dân sống ở khu vực đầu nguồn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An… tận dụng thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập bằng cách đặt lọp cua đồng.Mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long là thời điểm cua sinh sôi nảy nở nhiều trên đồng ruộng.

Nếu thân cua thường dùng để nấu canh, lẩu hay bún riêu thì càng cua còn được yêu thích nhiều hơn hẳn. Càng cua to, cứng cáp và chắc thịt sẽ chế biến theo kiểu hấp sả, luộc hay rang muối. Dù là hình thức gì cũng vẫn khiến người ta "nao lòng" vì độ ngọt béo tự nhiên.

Theo LÊ PHƯƠNG (Thegioitre)