Nỗ lực ổn định thị trường

27/07/2020 - 14:21

Những tháng đầu năm 2020, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn phức tạp. Để ổn định thị trường, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Sóc Trăng (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) đã nắm chắc diễn biến tình hình, chỉ đạo các đơn vị thành viên có phương pháp đấu tranh. Từ đó kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tình hình vi phạm vẫn diễn biến phức tạp

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389, trong 6 tháng đầu năm, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 xảy ra ở các địa phương khác. Với nhu cầu mua sắm các sản phẩm phòng dịch bệnh tăng cao đã xảy ra tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, lương thực, thực phẩm, giá cả một số mặt hàng khác cũng tăng nhẹ. Tuy nhiên các ngành chức năng đã tăng cường công tác ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng; đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân.

Thức ăn nuôi tôm là một trong những mặt hàng mà lực lượng quản lý thị trường tỉnh thường xuyên kiểm tra. Ảnh: THIỆN HẢI

Khi dịch bệnh Covid-19 ở nước ta được kiểm soát tốt, hoạt động lưu thông, kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tỉnh cũng khởi sắc. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra, Ban Chỉ đạo 389 đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389, trong 6 tháng đầu năm 2020, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát gần 8.500 cuộc, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019. Qua đó đã phát hiện 509 vụ việc vi phạm, với 541 đối tượng. So với cùng kỳ tăng gần 13% về số vụ vi phạm và tăng gần 20% về đối tượng vi phạm. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 15,3 tỉ đồng, tăng gần 59% so với cùng kỳ. Trong 509 vụ việc vi phạm có 108 vụ việc liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; 389 vụ việc vi phạm với hành vi gian lận thương mại, gian lận thuế; 12 vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng nhái, sở hữu trí tuệ.

Một trong những vi phạm thường xuyên nhất là hoạt động vận chuyển, tàng trữ, mua bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu. Với phương thức, thủ đoạn vi phạm không mới nhưng tinh vi, khó phát hiện, đối tượng vi phạm hoạt động vào ban đêm, móc nối với các đối tượng ngoài tỉnh, thời gian hoạt động không cố định gây khó khăn cho công tác phát hiện. Đối tượng vận chuyển đa phần là người ngoài tỉnh, chia nhỏ số lượng thuốc lá ra để vận chuyển nhiều lần, nếu bị bắt thì cũng chỉ bị xử phạt hành chính và không chấp hành nộp tiền phạt.
Riêng các đối tượng vi phạm về hàng cấm là chất ma túy diễn biến tương đối phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã bắt giữ và khởi tố 23 vụ/32 bị can về các hành vi mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy. Các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn tiếp tục diễn ra, tập trung vào một số mặt hàng như: thuốc thú y thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mỹ phẩm, thuốc tân dược và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác. Ngoài ra, các hành vi gian lận về thuế vẫn còn diễn ra với nhiều hình thức gian lận.

Kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm

Mặc dù phải tham gia vào công tác phòng chống dịch Covid-19, tuy nhiên công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 6 tháng đầu năm được Ban Chỉ đạo 389 tỉnh triển khai chủ động, liên tục và đạt hiệu quả cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Ban Chỉ đạo nắm chắc diễn biến tình hình, chỉ đạo các đơn vị thành viên có phương pháp đấu tranh cụ thể với từng loại đối tượng một cách có trọng tâm, trọng điểm.

Theo đồng chí Nguyễn Hùng Em - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389, các đơn vị thành viên bám sát theo chỉ đạo, chủ động triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tương ứng với từng thời điểm và diễn biến thị trường, tập trung vào các lĩnh vực, mặt hàng có nhiều biến động như: trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân để kịp thời kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, góp phần ổn định thị trường, thiết thực bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính.

Đoàn công tác của Cục Quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng thịt heo tại chợ trung tâm TP. Sóc Trăng . Ảnh: THIỆN HẢI

Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã diễn ra bình thường trở lại. Dự báo thời gian tới tình hình thời tiết có thể sẽ diễn biến bất thường, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có thể sẽ tiếp tục xảy ra làm ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế của người dân. Trong tình hình đó, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn vi phạm mới, nhất là vào thời điểm cuối năm.

Nhằm chủ động đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm xảy ra trên địa bàn tỉnh, trong 6 tháng cuối năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, các ngành chức năng chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch đã đề ra, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của các đối tượng, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường cung cầu hàng hóa, nhất là mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc tân dược, mỹ phẩm... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Để công tác quản lý thị trường đạt hiệu quả, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đặc biệt là các hộ sản xuất, kinh doanh không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Khi phát hiện hành vi vi phạm gian lận thương mại cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm cần kiểm tra kỹ tem, mác, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, nên mua hàng hóa của các nhãn hiệu có uy tín, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo THIỆN HẢI (Báo Sóc Trăng)