Nỗ lực tìm đầu ra cho nông sản

14/04/2020 - 09:52

ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu trái cây lớn nhất của cả nước, tuy nhiên trái cây nơi đây đang gặp khó khăn khi bị hạn mặn hoành hành kéo dài dẫn đến nguy cơ thiệt hại, đặc biệt xuất khẩu bị giảm sút do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Phú Thịnh đang đẩy mạnh thu mua nông sản cho nông dân Hậu Giang để chế biến xuất khẩu. Ảnh: H.THU

Xuất khẩu sụt giảm

Theo Bộ NN&PTNT, những tháng đầu năm 2020 xuất khẩu rau quả của cả nước giảm so cùng kỳ 2019. Nguyên nhân chính là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới khiến việc vận chuyển hàng hóa và tiêu thụ bị ảnh hưởng. Cụ thể, tại châu Âu, Hoa Kỳ… dịch bệnh diễn biến phức tạp nên các nhà nhập khẩu hạn chế nhận các đơn hàng, vì vậy việc xuất khẩu rau quả rất chậm.

Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre), đơn vị xuất khẩu bưởi da xanh hàng đầu ở ĐBSCL, bộc bạch: “Lâu nay, bưởi da xanh luôn hút hàng và được giá cao, nhưng mấy tháng nay tiêu thụ ì ạch do tác động của thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác giảm nhập khẩu từ khi xảy ra dịch bệnh. Chính hệ lụy này đã kéo giá bưởi da xanh từ khoảng 40.000 đồng/kg vào đầu năm 2020 sụt giảm xuống mức 25.000-30.000 đồng/kg, nhưng vẫn khó bán”.

Thông thường mỗi ngày cơ sở Hương Miền Tây thu mua của nông dân ĐBSCL từ hàng chục tấn đến cả trăm tấn bưởi da xanh, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, nhưng nay cố gắng lắm chỉ mua vào vài tấn. Chỉ chúng tôi kho hàng chất đầy ắp cả ngàn tấn bưởi, ông Đàm Văn Hưng trăn trở: “Xuất khẩu chậm, tồn kho nhiều, làm cho các doanh nghiệp trái cây gặp khó trăm bề về thiếu vốn hoạt động, tăng chi phí lưu kho, hao hụt, bảo quản… Hiện tại, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm đầu ra bằng nhiều cách từ xuất khẩu đến gia tăng tiêu thụ nội địa, đồng thời kiến nghị ngành chức năng trợ lực để cùng nhau vượt khó…”.

Các nhà chuyên môn cho rằng, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của nước ta; gần đây tình hình dịch bệnh ở nước này được kiểm soát tốt hơn, nếu diễn biến thuận lợi thì hy vọng thời gian tới nhu cầu nhập khẩu nông sản sẽ cải thiện với nhiều chính sách khuyến khích phục hồi về tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng trái cây. Đối với thị trường châu Âu và Hoa Kỳ, tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh mới có thể kích hoạt phục hồi. Riêng thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc được kỳ vọng hơn, nếu tình hình ổn định khoảng cuối quý II/2020 có thể tăng nhập khẩu nông sản trở lại. Về cơ bản vẫn còn khó, nhưng các doanh nghiệp cần chuẩn bị trước để khi có điều kiện thuận lợi thì nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu…  

Đối với Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Phú Thịnh, ở Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, chuyên về chế biến nông sản, rau, củ, quả với các mặt hàng về xoài, chanh dây, bắp non, đu đủ, đậu bắp, khóm, chuối, thanh long… chủ yếu đông lạnh và đóng lon xuất khẩu qua các nước như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu cũng đang gặp khó. Ông Lê Công Lập, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Phú Thịnh, cho biết: Đầu ra đang là vấn đề lo lắng của doanh nghiệp, khi các thị trường xuất khẩu lớn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu làm cho việc mở rộng thị trường lúc này khó khăn hơn. Hiện nay, một số đối tác ở các nước tạm ngưng nhập hàng, vì vậy công ty phải thuê thêm kho trữ làm chi phí tăng lên. Trong thời gian này, đa số doanh nghiệp phải điều tiết lại sản lượng do hàng hóa chưa xuất đi được. Không chỉ ở hiện tại mà tình hình này còn ảnh hưởng đến nhiều dự định của doanh nghiệp trong tương lai.

Do doanh nghiệp gặp khó trong xuất khẩu, từ đó tình hình tiêu thụ một số mặt hàng nông sản cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trên các cây trồng có thế mạnh ở Hậu Giang như khóm Cầu Đúc, xoài các loại. Lãnh đạo HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết vùng khóm nơi đây khá lớn, nhưng gần đây việc tiêu thụ cũng khá chậm do ảnh hưởng tình hình chung. Hiện nay, HTX nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp đến thu mua khóm cho người dân để hạn chế thiệt hại vì một số rẫy đã đến lứa thu hoạch.

Hạn chế thiệt hại do hạn mặn

Cùng với việc tìm đầu ra thì vấn đề cấp bách lúc này là hạn chế tình trạng vườn cây ăn trái chết tràn lan do hạn mặn gây ra. Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, năm nay hạn mặn đến sớm, xâm nhập sâu và kéo dài nên khả năng vườn cây ăn trái ở ĐBSCL bị ảnh hưởng lên đến khoảng 130.000ha, tập trung ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long… Cần thấy rằng, giá trị của vườn cây ăn trái mang lại khá cao với tổng doanh thu bình quân khoảng 600 triệu đồng/ha/năm, cao hơn cây lúa khoảng 386 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nhiều loại cây ăn trái cũng rất mẫn cảm với nước mặn, vì vậy nếu để vườn cây bị thiệt hại thì phải mất nhiều chi phí và thời gian mới phục hồi lại được.

Nhiều vườn chôm chôm ở Bến Tre suy kiệt do hạn mặn. Ảnh: H.TÂN

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, nhìn nhận: Những ngày qua, nước mặn bao trùm hàng loạt vườn cây ăn trái của tỉnh, trong đó nhiều nơi độ mặn cao và kéo dài khiến nông dân cả tháng không thể tưới cho cây, bởi xung quanh toàn là nước mặn. Trước tình hình căng thẳng đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã cấp tốc xuất kinh phí hàng chục tỉ đồng thuê sà lan chở nước ngọt về cứu khẩn cấp cho gần 13.000ha sầu riêng. Ngoài ra, nhanh chóng triển khai việc tiếp nước ngọt cho hơn 1.000ha thanh long ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây và Gò Công Đông nhằm giảm nguy cơ bị thiệt hại.

Theo đó, từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4-2020, các ngành chức năng ở Tiền Giang đã vận chuyển khoảng 300.000m3 nước ngọt cứu khẩn cấp cho các vườn cây của hơn 18.600 hộ. Hiện tại, việc cấp nước ngọt đang tiếp tục triển khai đến cuối tháng 4. Bà Trương Thị Tuyết Nga, canh tác 9 công sầu riêng ở xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), chia sẻ: “Kinh tế chính của gia đình dựa vào vườn sầu riêng, nhưng hạn mặn hoành hành hơn 2 tháng qua khiến vườn cây xơ xác, rụng lá, nguy cơ thiệt hại vì không có nước tưới. Rất mừng khi được chính quyền hỗ trợ nước ngọt nên người dân chấp nhận mất mùa năm nay nhằm dồn sức “cứu” vườn cây không bị chết là đạt yêu cầu”.

Viện Cây ăn quả miền Nam lưu ý, người dân cần chuẩn bị các giải pháp phục hồi vườn cây sau khi hạn mặn đi qua. Theo đó, nếu vườn cây nào bị chết quá nhiều buộc phải phá bỏ để trồng mới lại; còn thiệt hại ít thì kiến thiết cơ bản nhằm phục hồi tán cây… Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL thừa nhận, nhiều vườn cây sẽ bị suy kiệt, năng suất và sản lượng giảm mạnh do hạn mặn gây ra là khó tránh khỏi. Song, điều quan trọng lúc này là nhanh chóng triển khai các giải pháp phục hồi, giảm thiểu vườn cây bị chết càng thấp, càng tốt. Khi đưa nước vào tưới vườn cây cần quan sát kỹ độ mặn.

Tại HTX Tiến Nông, ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), từ đầu mùa khô đến nay, các thành viên trong HTX đã tích cực trữ nước ngọt vào mương vườn để tưới cho hàng chục héc-ta bưởi da xanh đang cho trái. Theo lãnh đạo HTX, do các vườn cây nằm gần sông lớn nên khi nồng độ mặn dâng cao sẽ dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt là cây có múi rất mẫn cảm với nước mặn. Khi lấy nước vào vườn để tưới cây đều được các nhà vườn kiểm tra kỹ để không bị thiệt hại. Nhờ sự chủ động từ ban đầu của các thành viên mà diện tích vườn bưởi da xanh nơi đây luôn đảm bảo.

Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết đã theo dõi chặt chẽ, dự báo ảnh hưởng của xâm nhập mặn, thông tin kịp thời đến nông dân. Khuyến cáo nhà vườn thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng. Bên cạnh đó còn thực hiện các giải pháp như nạo vét các kênh bị bồi lắng, đắp đập thời vụ, đập cải tiến, kiểm tra vận hành các trạm bơm điện, nạo vét bùn bồi lắng tại các cửa cống, đảm bảo ngăn mặn và trữ ngọt phục vụ tốt cho sản xuất của người dân.

Đối với các địa phương thường bị mặn xâm nhập ở Hậu Giang như huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh cũng đã xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn. Trong đó, xác định từng khu vực và khả năng bị ảnh hưởng để triển khai các giải pháp phù hợp. Tiến hành kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện, bơm dầu, các tuyến kênh để tiến hành sửa chữa phục vụ cho công tác ngăn mặn, trữ ngọt. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra mặn ngoài sông chính khi độ mặn đo được 1,5‰ thì vận hành các cống, đập cải tiến có sẵn, đắp đập thời vụ tại các đầu kênh để bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho cây trồng, trong đó có cây ăn trái.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đã đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL rà soát diện tích vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng hạn mặn để hướng dẫn người dân các giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời. Nên tận dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ như rơm rạ, lục bình, cỏ khô, lá khô hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ấm cho vườn cây. Ngoài ra, cắt tỉa cành, tạo tán gọn nhằm hạn chế thoát hơi nước. Đặc biệt là không nên cho cây ra hoa trong điều kiện không đủ lượng nước để nuôi trái…

Theo H.TÂN - H.THU (Báo Hậu Giang)