Nở rộ phong trào nuôi chim yến

28/03/2018 - 09:23

Không như những loài chim khác, chim yến được xem là một trong những loài có giá trị kinh tế cao vì chúng có đặc tính là khi tới mùa sinh sản, chim yến dùng nước bọt để xây tổ đón con chào đời, chim non nhỏ bé được ở trong chiếc tổ xinh xắn đó và chính chiếc tổ yến kia có giá trị dinh dưỡng rất cao, đặc biệt tốt cho người già và trẻ nhỏ.

Nếu như trước đây, tổ yến được lấy tự nhiên ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, là các vách đá cheo leo tại một số địa phương có biển, thì vài năm trở lại đây, nhiều địa phương ở đất liền, kể cả thành thị và nông thôn phát triển mạnh nghề nuôi chim yến, vì đem về khoản lợi nhuận lớn. Ngoài việc xây dựng nhà yến, người nuôi có thể tận dụng ngôi nhà đang ở để cải tạo thành nhà nuôi yến.

Nhà nuôi chim yến được đầu tư số tiền khá lớn.

Được biết, để dẫn dụ được loài chim yến thì đòi hỏi cần phải có nơi trú ngụ cho chúng, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm giúp chim yến tăng đàn và đảm bảo đàn phát triển tốt, không bị ảnh hưởng bởi môi trường sống xung quanh. Do đó, việc đầu tư nhà nuôi yến cần một khoản tiền lớn, tùy theo quy mô, từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng/nhà yến.

Để tìm hiểu về nghề nuôi yến, chúng tôi được nghe câu chuyện của ông Mã Hoàng ở ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội (Kế Sách). Theo ông Hoàng, bản thân ông cũng không có kinh nghiệm về nuôi yến nhưng thấy nhiều người “hốt bạc” nhờ nghề nhàn hạ này - chỉ việc lấy tổ yến bán thu vài chục triệu/tháng, thậm chí cả trăm triệu/tháng, nên ông mạnh dạn đầu tư xây dựng ngôi nhà yến vào giữa năm 2017. Theo đó, số vốn ban đầu hơn 1,5 tỉ đồng, chỉ 2 tầng nuôi. Ban đầu, đàn yến tới cư ngụ ít, dần dần đàn tăng lên và hiện tại, yến đang trong giai đoạn làm tổ chuẩn bị sinh sản, dự kiến khoảng tháng 3-2019 thu hoạch. Ông Hoàng thông tin thêm, việc nuôi yến cần phải dẫn dụ chúng nên phải có loa phát ra tiếng kêu. Do vậy, để tránh ảnh hưởng đến những người dân sống lân cận, ông chọn địa điểm xây nhà yến cách xa hộ dân sinh sống và điều chỉnh tiếng loa phù hợp, cũng như có giờ giấc, vừa đảm bảo lợi ích của gia đình vừa giữ được sự yên tĩnh của vùng quê thanh bình.

Là doanh nghiệp nổi tiếng trong và ngoài tỉnh bởi nghề trồng nấm linh chi, nấm bào ngư, đông trùng hạ thảo, Công ty TNHH Một thành viên Thiên Vạn Tường ở thị trấn Kế Sách (Kế Sách) còn có thêm nghề nuôi chim yến để cung ứng sản phẩm trên thị trường, với nhiều loại như: yến thô, yến làm sẵn, nước yến, yến chưng đông trùng hạ thảo... được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng. Công ty đã đầu tư xây nhà nuôi yến năm 2012 nhằm khép kín chuỗi giá trị đầu vào, đầu ra sản phẩm, với tổng kinh phí 1,8 tỉ đồng.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thiên Vạn Tường Đoàn Thụy Tú Trinh chia sẻ: “Tổng đàn yến hiện ước khoảng 2.000 con và yến làm tổ quanh năm, cứ xoay vòng liên tục theo từng chu kỳ sinh sản. Do yến là loài sống hoang dã nên cần nhà nuôi thoáng mát, gần gũi thiên nhiên, môi trường sống phải sạch sẽ, không gây mùi hôi, khói bụi và phải có nguồn thức ăn mà yến ưa thích ngoài tự nhiên thì yến mới đến sinh sống nhiều. Bình quân mỗi tháng, công ty thu hoạch ước 5 - 7kg tổ yến; dự kiến, công ty sẽ xây thêm 2 nhà yến mới để tăng số lượng sản phẩm yến phục vụ người tiêu dùng cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Riêng về tiếng loa phát ra âm thanh dẫn dụ yến, dù nằm cách xa khu vực dân cư nhưng vẫn phát có giờ giấc ổn định và điều chỉnh âm lượng thấp, không gây ồn cho hộ dân”.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quách Văn Tây thông tin: “Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 67 cơ sở dẫn dụ chim yến, số lượng đàn yến ước tính khoảng 760.000 con. Riêng tại TP. Sóc Trăng là địa phương có số lượng nhà yến nhiều nhất của tỉnh với hơn 20 nhà yến, số lượng đàn yến trên 100.000 con. Tuy nhiên, yến là loại chim hoang dã, việc tăng đàn nhanh có nguy cơ mang các chủng vi rút cúm A”.

Cũng theo đồng chí Tây, để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững thì giải pháp trước mắt là các địa phương phải căn cứ cơ sở pháp lý hướng dẫn người dân nuôi chim yến và khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành xây dựng Đề án “Phát triển vùng chăn nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030” vào Quy hoạch chăn nuôi tổng thể của tỉnh. Qua đó, sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của nghề nuôi chim yến, bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cũng như quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên chim và một số bệnh có thể lây sang người (cúm H5N1), có lộ trình chấm dứt tình trạng phát triển chăn nuôi chim yến tự phát, tràn lan trong các khu nội thành, nội thị.

Theo Báo Sóc Trăng