Nỗi lo khi tái đàn heo

14/07/2020 - 08:55

Trước sức hút của thị trường heo hơi mấy tháng nay, nhiều hộ dân đã tái đàn. Thế nhưng, có nhiều nỗi lo mà người nuôi phải đối mặt, nhất là dịch tả heo châu Phi.

Cần sớm có biện pháp gây dựng đàn heo bố mẹ để thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất con giống phục vụ nhu cầu tái đàn của người dân.

Do thiếu nguồn cung nên thị trường heo hơi vài tháng nay “nóng” lên nhanh chóng, có lúc cán mốc gần 100.000 đồng/kg. Tại Hậu Giang, giá heo hơi cao nhất khoảng 95.000 đồng/kg vào đầu tháng 6 vừa qua. Có thể thấy, đây là thị trường rất hấp dẫn nhưng ít nông hộ có nguồn cung ở thời điểm này. Ngành nông nghiệp tỉnh dự đoán sẽ mất một khoản thời gian khá dài mới có thể khôi phục lại tổng đàn heo toàn tỉnh về lúc trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi.

Trước việc thiếu nguồn con giống trầm trọng, nhiều nông hộ đang tự gây tạo heo con từ heo thương phẩm để tái đàn. Khâu phòng bệnh được áp dụng bằng nhiều biện pháp khác nhau. Sau khi bị thiệt hại bởi dịch tả heo châu Phi, ông Lê Văn Giả, ở ấp Xẻo Cao A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A đã đập bỏ chuồng heo cũ và đầu tư mới ở một vị trí khác. Khu vực chuồng nuôi hiện tại được xây dựng cao ráo, khép kín, kết hợp thiết bị phun khử khuẩn thường xuyên để triệt tiêu mầm bệnh. Không dừng lại ở đó, ông Giả còn đầu tư xây dựng hệ thống Biogas, xử lý tốt môi trường không để ô nhiễm.

Ông Giả tâm sự: “Trước khi tái đàn, tôi báo với địa phương, rồi cán bộ thú y xuống xác minh điều kiện tái đàn và cho một số lời khuyên. Nhất là khuyến cáo tôi phải lưu ý chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, rồi hướng dẫn tận tường trước khi thả heo. Tôi trang bị thêm thuốc phun khử trùng thức ăn trước khi cho vào chuồng, con người cũng phải khử khuẩn qua hệ thống phun sương trước khi ra, vào. Tuyệt đối không cho người lạ tiếp cận chuồng heo để tránh rủi ro lây lan mầm bệnh. Tôi có tổng số 70 con gồm heo nái và heo tơ, gia đình cố gắng chăm sóc bởi giờ này ai có heo là hốt bạc”.

Du vậy, nhiều hộ chăn nuôi khi tái đàn vẫn mang tâm lý lo lắng dù đã thận trọng hơn trong khâu phòng bệnh và chăm sóc nuôi dưỡng. Chị Phan Thị Thu Thủy, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, đang gây dựng lại đàn heo từ 5 con nái. Do lo ngại dịch bệnh và chi phí giống quá cao nên gia đình chưa mạnh dạn đầu tư thêm con giống mà chỉ sử dụng heo con có được từ đàn nái để nuôi mới. “Dù tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y, nhưng nỗi lo dịch bệnh luôn canh cánh. Không riêng dịch tả heo châu Phi, mà bệnh tai xanh, lở mồm long móng cũng gây thiệt hại rất lớn”, chị Thủy tâm sự.

Sau khi công bố hết dịch tả heo châu Phi, ngành chức năng hướng dẫn người dân về việc tái đàn. Tuy nhiên, cũng gặp tình trạng chung là nguồn cung con giống khan hiếm nên đa số hộ chăn nuôi nhỏ tái đàn chậm. Chủ yếu là các trang trại, doanh nghiệp có nguồn tài chính tốt mới duy trì, phát triển chăn nuôi và có được nguồn heo hơi cung ra thị trường trong khoảng thời gian này.

Ông Trương Văn Chín, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Ngã Bảy, thông tin: Tổng đàn heo toàn thành phố hiện có trên 9.000 con, chủ yếu tập trung ở trang trại trên địa bàn phường Hiệp Thành hơn 7.000 con. Hiện tại, trang trại này đang cung ứng một lượng lớn heo thịt cho các tỉnh, thành trong khu vực. Còn việc tái đàn trong dân tương đối chậm do thiếu nguồn cung và giá con giống quá cao.

Trong buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh, bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Thời gian qua giá thịt heo tăng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa vực dậy được đàn heo. Hiện nay, đàn heo giống ở Hậu Giang chưa đáp ứng được nhu cầu, người dân rất muốn tái đàn nhưng nguồn cung quá khan hiếm.

Có thể thấy, thiếu nguồn cung con giống là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành cả nước chứ không riêng Hậu Giang. Trước tình hình này, ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ, có biện pháp sớm gây dựng đàn heo bố mẹ để thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất giống, kịp thời cung cấp phục vụ nhu cầu tái đàn của người dân trong tỉnh. Bởi thực tế, đa số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tìm được nguồn heo giống và giá quá cao; mặt khác, bà con sử dụng heo thương phẩm để gây nuôi thành heo nái phục vụ tái đàn. Về lâu dài, cần sắp xếp lại ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thú y kết hợp nâng cao năng suất, chất lượng heo giống, heo thịt.

Theo ẨN LIÊN (Báo Hậu Giang)