Giá cả một số loại nông sản tại các chợ đã tăng nhẹ.
Hiện nay, không chỉ cá đồng mà các loại cá nuôi cũng ghi nhận mức giá tăng nhẹ và sức mua khá cao. Chị Võ Thị Phương Liên, bán cá tại chợ nông thôn Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, cho hay: “Dù mưa nhiều nhưng hiện tại nước chưa lên cao, chủ yếu bắt được nhiều cá nhỏ. Các loại cá lớn số lượng ít mà ai ra chợ cũng tìm cá đồng nên hết hàng rất nhanh, dù giá bán còn cao. Cá lóc, cá trê, cá rô đồng có giá từ 100.000-140.000 đồng/kg, cá trê trắng 60.000 đồng/kg, ếch đồng 70.000 đồng/kg… Riêng tép nhỏ tăng đến 20.000 đồng/kg, lên mức 140.000 đồng (loại chưa làm sẵn)”.
Các loại cá nuôi có nguồn cung dồi dào nhưng giá cũng có chiều hướng nhích lên. Theo các tiểu thương kinh doanh thủy sản, gần đây sức mua nhiều loại cá tăng khoảng 20%, nhất là cá lóc, cá điêu hồng, cá ba sa… Ngoài ra, mùa này cá biển các loại cũng về chợ khá nhiều như cá bạc má, cá nục, cá thu đao, giá cả dao động từ 35.000-60.000 đồng/kg… nên khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn.
Thời điểm này, thịt gia cầm các loại cũng ghi nhận tăng khoảng 5.000-10.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể, giá gà ta đang ở mức 120.000 đồng/kg, vịt xiêm 100.000-110.000 đồng/kg, vịt trắng 65.000 đồng/kg. Tuy có lúc nguồn cung không ổn định do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh xuất hiện nhiều trên đàn gia cầm nhưng nhìn chung vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên của khách hàng.
Đối với mặt hàng rau, củ, theo ghi nhận tại chợ Vị Thanh, một số loại đã bắt đầu tăng giá dù chưa vào mùa nước nổi. Bà Nguyễn Thị Kim Hai, tiểu thương bán rau, củ tại chợ Vị Thanh, cho biết: “Khoảng 1 tháng nay mưa to nhiều đợt nên các loại rau gia vị, rau ăn lá dễ dập, hư hỏng trong quá trình trồng, bảo quản và bề ngoài không đẹp mắt. Tuy nhiên, đây chỉ mới là mức tăng nhẹ nên sức mua mỗi ngày vẫn khá ổn định. Hiện nay, giá tăng từ 2.000-5.000 đồng/kg tùy loại, như rau thơm, rau diếp cá khoảng 25.000 đồng/kg, cải ngọt, cải xanh 12.000-15.000 đồng/kg. Bầu, bí giá ổn định từ 12.000-15.000 đồng/kg, rau muống 7.000 đồng/bó, rau xà lách xoong 13.000 đồng/bó, giảm 2.000 đồng”.
Riêng hành lá dù giảm giá nhưng vẫn ở mức cao, ở mức 35.000 đồng/kg, ớt 140.000-150.000 đồng/kg. “Lúc giá thấp, ai mua rau, củ tôi thường cho thêm vài tép hành hay trái ớt còn giá như hiện nay thì chỉ bán riêng chứ không thể cho như trước. Chưa kể để bán vài ngày cũng có hao hụt, mất trọng lượng ít nhiều nên không có lời”, bà Kim Hai cho biết thêm.
Khi giá cả một số loại thực phẩm tăng, người nội trợ thường linh hoạt chọn lựa các loại khác có giá cả “mềm” hơn để tiết kiệm chi tiêu. Riêng các quán ăn không thể thay đổi các món thường xuyên thì chắc chắn chi phí sẽ tăng. Bà Trần Thị Lẹ, bán quán ăn sáng ở phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, than thở: “Hiện nay, tính ra tiền rau gia vị, ớt đã lên đến 200.000 đồng mỗi tuần, tăng gần gấp đôi so với trước đây. Trong đó, ớt là sử dụng nhiều nhất, bởi ngoài nêm nếm, làm nước mắm còn để riêng ớt trái để khách sử dụng, mà giá bán ở chợ hiện lên đến 150.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán ra mỗi tô bún, dĩa cơm thì không tăng”.
Như các năm trước, giá cả rau màu đều có xu hướng tăng khi vào cao điểm mùa mưa, nhiều diện tích trồng rau bị ngập nước, bị dập, thối lá do mưa lớn, dẫn đến nguồn cung ra thị trường giảm. Để giảm thiệt hại do thời tiết gây ra, đảm bảo được năng suất và chất lượng của các loại rau màu và giá cả bán ra cao hơn, nhiều hộ đã chọn cách trồng rau trong nhà lưới. Như chị Trương Thị Thoa, ở ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, vì trồng xà lách và hẹ nên trời mưa to chị luôn lo sợ lá dập, thoát nước kém dẫn đến bị úng. Do đó, chị đã đầu tư hẳn nhà lưới, rào chắn xung quanh chắc chắn, làm đất tơi xốp và lên luống cao. Trung bình hẹ được thu mua với giá 10.000 đồng/kg; cải xà lách 10.000-12.000 đồng/kg thì vào mùa nước lên có thể tăng lên 15.000-20.000 đồng/kg. Với diện tích khoảng 1.500m2 sẽ mang lại thu nhập cho gia đình chị Thoa trên 3 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí.
Theo Báo Hậu Giang