Ông Chín Quý bên những cây đờn độc, lạ.
Ông Chín Quý tên thật là Lê Thanh Quý, ở phường Hiệp Thành, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Ngoài 70 tuổi và có hơn nửa thế kỷ theo nghiệp đờn ca, nghệ nhân Chín Quý chọn cho mình một lối đi riêng, không pha lẫn. Ðó là tập luyện ngón đờn riêng cùng với sáng chế những cây đờn độc đáo.
Trong dàn nhạc tài tử Nam Bộ, thông dụng nhất phải kể là bộ tứ tuyệt: kìm - cò - tranh - độc, kế đến là ghi-ta phím lõm, sáo, hạ uy di cổ nhạc... Nhưng một nghệ nhân đờn lão luyện như ông Chín Quý lại không có những nhạc cụ ấy trong nhà. Ông sử dụng những cây đờn hoàn toàn không có tên trong dàn nhạc truyền thống của nghệ thuật đờn ca tài tử: bát ngư cầm, tứ tuyệt cầm, ngũ âm huyền... Thật ra, những cây đờn này là sự kết hợp của nhiều loại đờn trong một cây đờn. Ví như kết hợp ghi-ta và sến làm 1; sến, cò và ghi-ta làm 1; rồi 5 cây đờn bầu trong 1 cây đờn với tên gọi mới là ngũ âm huyền. Sự kết hợp ghi-ta và sến làm nên cây đờn độc đáo chưa từng thấy. “Ðờn ca tài tử hàng trăm năm qua tồn tại là nhờ sự tiếp thu và đổi mới. Tôi muốn kế tục sự nghiệp âm nhạc truyền thống của tiền nhân nhưng cũng phát triển di sản đờn ca tài tử cho tân tiến hơn nữa”, ông Chín Quý chia sẻ.
Cả đời gắn bó với sân khấu cải lương, đờn ca tài tử, giờ đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Chín Quý chẳng bao giờ chịu bó mình trong khuôn khổ mà cổ nhạc đã có. Ông Chín Quý kể đôi khi trong dàn nhạc, ông cầm cây đờn kìm mà thiếu cây ghi-ta phím lõm hoặc thiếu cây cò thì sẽ mất hay mà chẳng tìm đâu ra. Vậy là ông sáng chế cây đờn “nhiều trong 1”. Hết chạy ngón đờn kìm thì ông chuyển qua dây cò, rồi chạy xuống dây ghi-ta phím lõm... Cứ thế, đôi tay ông thoăn thoắt ngón gảy đờn ngón nhấn phím, nhưng cung điệu bổng trầm, 3 Nam, 6 Bắc... cứ ngân lên tình tứ.
Bây giờ, sở hữu hơn 15 cây đờn độc lạ nhưng ông vẫn còn mày mò sáng chế nhạc cụ đờn ca tài tử thêm nữa. Với ông, đó là trách nhiệm của một người theo nghiệp đờn ca. Ðặc biệt, sau khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, ông Chín Quý lại càng không cho phép mình nghỉ ngơi. Ông Chín nói: “Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú với tôi là niềm vinh dự lớn lao và cũng là động lực để tôi phấn đấu nhiều thêm nữa, xứng đáng với sự ưu ái của Nhà nước”. Vậy nên, ông đang khát khao có một chỗ để ông dạy đờn cho người yêu thích, hoàn toàn miễn phí. Trước khi có chỗ nơi đàng hoàng, ai đến “tầm sư học đạo” thì ông cũng sẵn sàng truyền dạy.
Vợ ông Chín Quý là bà Trang Kim Tuyến, thời trẻ từng là nghệ sĩ của nhiều đoàn cải lương tên tuổi. Tuổi xế chiều, ông bà Chín lấy đờn ca làm bầu bạn. Cứ chiều chiều bên dòng sông Ngã Bảy, ông lại đờn cho bà ca, bài ca của tình yêu cuộc sống và nhân nghĩa ở đời. Những tấm lòng nặng nợ với nghiệp đờn ca như ông Chín Quý chính là báu vật nhân văn, góp phần bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử cho hôm nay và mai sau.
Theo ĐĂNG HUỲNH (Báo Cần Thơ)