Phát triển du lịch làng nghề ở Nam Bộ: Tạo sức sống mới

03/09/2022 - 08:44

Bên cạnh những làng nghề đã thực sự là điểm đến du lịch, níu chân du khách ở lại khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm, vẫn có điểm đến mới chỉ là “nơi ghé chân," "lướt qua".

Một người thợ lành nghề ở Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài, Đồng Tháp. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Nhìn nhận từ góc độ phát triển sản phẩm du lịch, các làng nghề ở Nam Bộ được đánh giá vẫn còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để xây dựng sản phẩm, phục vụ hoạt động du lịch.

Trong bối cảnh phục hồi, phát triển du lịch hiện nay với những yêu cầu về đổi mới sản phẩm, du lịch làng nghề rất cần được các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cùng chung tay đổi mới theo hướng gia tăng trải nghiệm, chú ý nhiều hơn đến những khám phá bản sắc văn hóa kết tinh trong sản phẩm cũng như cuộc sống của người dân làng nghề để tạo sức hút mạnh mẽ hơn đối với khách du lịch.

Nhiều thách thức

Các địa phương phía Nam sở hữu hệ thống làng nghề phong phú, khá nhiều làng nghề đã được đưa vào khai thác, phục vụ du lịch cùng với hoạt động sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Song, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, bên cạnh những làng nghề đã thực sự là điểm đến du lịch, “níu chân” du khách ở lại khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm, vẫn những điểm đến mới chỉ là “nơi ghé chân,” “lướt qua.”

Tiến sỹ Đoàn Ngọc Xuân, Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương nhận định mặc dù đã có rất nhiều cố gắng của chính quyền ở các địa phương, nhưng nhiều năm qua, chỉ có một số làng nghề được khai thác, đưa vào các chương trình du lịch của một số doanh nghiệp lữ hành.

Hơn nữa, việc khai thác này ở một số điểm đến-làng nghề cũng còn khiêm tốn, chưa được tổ chức một cách quy mô lớn, có hệ thống và có nơi còn mang tính tự phát từ phía các doanh nghiệp lữ hành do nhu cầu đa dạng sản phẩm du lịch cho du khách.

Trong khi thực tế, du lịch làng nghề không chỉ đơn thuần là đến xem các nghệ nhân làng nghề làm ra sản phẩm, hay đến mua sắm, tham quan mà khách du lịch còn mong muốn được tìm hiểu những giá trị nhân văn trong đó, những giá trị phi vật thể tồn tại qua thời gian ở làng nghề.

Bày tỏ sự tiếc nuối khi tại một số làng nghề có rất nhiều tiềm năng để thu hút du khách đến, ở lại trải nghiệm nhiều hơn, một hướng dẫn viên du lịch đã chia sẻ: có làng nghề rất độc đáo song lại chưa thể trở thành điểm đến độc lập đối với hoạt động du lịch.

Nếu đưa du khách đến tham quan có khi chỉ sau khoảng 15 phút ở làng nghề hoặc cơ sở sản xuất, du khách đã vội lên xe sau khi mua một số sản phẩm nhưng cũng chưa hiểu hết giá trị, tính độc đáo của sản phẩm.

Quy mô làng nghề, không gian thực hành nghề còn đơn điệu, chưa lôi cuốn, thu hút du khách đến và trải nghiệm được nhiều.

Điều du khách mong muốn là được tìm hiểu các nguyên liệu làm ra sản phẩm, giá trị thể hiện ở cách quy trình sản xuất, giá trị, công dụng sản phẩm do chính người thợ làng nghề chia sẻ, kể những câu chuyện, lịch sử liên quan đến nghề truyền thống mà du khách khó có thể tìm thấy ở nơi khác.

Hoặc có trường hợp, bản thân nghề sản xuất truyền thống làng nghề rất hấp dẫn, làng lại có những người thợ hiếu khách, nhiệt tình đón tiếp, sẵn sàng kể những câu chuyện làng nghề cho du khách, song khó khăn, thách thức lại đến từ hạ tầng giao thông.

Đường nhỏ, xuống cấp khiến các doanh nghiệp lữ hành rất khó khăn tìm phương án đưa những đoàn khách số lượng lớn đến tham quan, trải nghiệm.

Tăng cường khai thác giá trị văn hóa làng nghề truyền thống

Phát triển du lịch làng nghề được coi là giải pháp quan trọng trong gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho khu vực nông thôn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng như trên thị trường quốc tế.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030,” là định hướng quan trọng mở ra nhiều cơ hội mới để các địa phương đẩy mạnh bảo tồn phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch trong giai đoạn mới.

Các hộ sản xuất cá khô ở làng nghề truyền thống chế biến cá khô Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Chương trình này đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống (nhà thờ tổ nghề, không gian, cảnh quan làng nghề); khôi phục tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, phát huy các giá trị văn hóa của nghề và làng nghề trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, đồng thời tổ chức chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Từ góc độ địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch làng nghề, theo Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái, tỉnh đã có Đề án phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Kiên Giang xác định phát triển khai thác làng nghề, sản phẩm làng nghề để góp phần quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa của nghề truyền thống, đảm bảo không làm tổn hại đến các tài nguyên tự nhiên, tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ môi trường, đóng góp vào cải thiện đời sống dân làng nghề.

Tỉnh đề ra các nhóm giải pháp như hoàn thiện cải tiến chất lượng các điểm du lịch làng nghề, nghề truyền thống đã có hoạt động du lịch trước đây để quảng bá phát triển du lịch làng nghề ở địa phương, đồng thời đúc kết kinh nghiệm, xây dựng các chính sách, quy định cụ thể đối với phát triển du lịch làng nghề.

Tỉnh xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm du lịch tham quan làng nghề nhằm tăng hiệu quả của sản xuất nghề truyền thống và hoạt động du lịch, liên kết phát triển kết nối tour, tuyến đến các làng nghề, điểm sản xuất nghề truyền thống.

Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025 có 8 làng nghề truyền thống được đưa vào khai thác du lịch và đến năm 2030 có 22 làng nghề đưa vào khai thác du lịch.

Cùng góc nhìn từ địa phương, nhóm Sáng tạo trẻ Bến Tre gồm Phạm Nguyễn Phúc Toàn, Phạm Nguyễn Khôi Nguyên và Phạm Văn Luân đề xuất: Bến Tre có tới trên 72.000ha trồng dừa, nhiều làng nghề, nghề truyền thống liên quan đến sơ chế, chế biến các sản phẩm từ cây dừa. Do đó, trong phát triển sản phẩm du lịch, cần chú ý nhiều hơn đến hàm lượng văn hóa, các giá trị di sản văn hóa phi vật thể kết tinh trong những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản ẩm thực, nguyên liệu sản xuất được hình thành, chế biến từ cây dừa để giới thiệu đến du khách.

Các đơn vị khai thác sản phẩm tăng cường chuyển tải, lồng ghép câu chuyện dân gian, giai thoại, sự kiện văn hóa-xã hội, hình ảnh cây dừa trong thế giới thi ca, hội họa, âm nhạc, tạo nét riêng cho sản phẩm du lịch Bến Tre từ yếu tố văn hóa bản địa gắn với làng nghề, nghề truyền thống.

Liên quan đến đổi mới sản phẩm du lịch, khai thác sâu các điểm đến và đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, điểm đến, bà Tạ Thị Tú Uyên, Ban Sản phẩm và dịch vụ, Công ty Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), cho rằng để thu hút du khách trong giai đoạn hiện nay, sản phẩm du lịch cần có sự hoàn thiện, thay đổi. Các đơn vị cần lựa chọn sản phẩm theo hướng gia tăng trải nghiệm, xây dựng sản phẩm theo chiều sâu văn hóa, phát huy thế mạnh độc đáo của tài nguyên du lịch, đồng thời tạo tính liên kết chặt chẽ giữa các không gian và sản phẩm trong suốt hành trình để tạo nên cảm xúc, ấn tượng cho du khách sau mỗi chuyến đi.

Theo THANH TRÀ (TTXVN/Vietnam+)