Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Tôm Việt (TP. Bạc Liêu).
NHIỀU THẾ MẠNH BỊ GIẢM
Đánh giá của UBND tỉnh về những tháng đầu năm nay cho thấy, dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến phát triển KT-XH của địa phương. Trong đó, sản xuất - kinh doanh là lĩnh vực chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất. Do thực hiện công tác phòng chống dịch và cách ly toàn xã hội đã làm cho sức mua giảm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, sản xuất - kinh doanh dịch vụ bị đình truệ, lao động thiếu việc làm gia tăng; thu hút đầu tư hạn chế; giao thương, đi lại khó khăn; một số hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch, xuất nhập khẩu giảm sâu so với những tháng trước tết và ảnh hưởng đời sống Nhân dân. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng ước chỉ thực hiện hơn 29.032 tỷ đồng, đạt 37,22% so với kế hoạch, giảm hơn 26% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành dịch vụ và du lịch giảm sâu với tình trạng hủy tua lên đến 80%; doanh thu du lịch - dịch vụ chỉ thực hiện khoảng 870 tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch năm và giảm 31,8% so với cùng kỳ và trong 6 tháng năm nay ước chỉ đón khoảng 1,1 triệu lượt khách, đạt 36% kế hoạch năm và giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng ước chỉ thực hiện được hơn 309 triệu USD, đạt 38,63% so với kế hoạch và giảm 1,86% so với cùng kỳ.
Sản xuất gặp khó khăn đã tác động trực tiếp đến thu ngân sách và số nguồn thu đạt thấp so với tiến độ trung bình (50%), nhất là nguồn thu từ thuế của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Bạc Liêu (dự kiến cả năm sản lượng bia tiêu thụ chỉ đạt 30 triệu lít, giảm 16 triệu lít so với dự toán) và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu tạm dừng hoạt động (từ ngày 1 - 22-4-2020) đã làm giảm nguồn thu thuế khoảng 130 tỷ đồng. Đây là hai nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn thu của tỉnh, nên khi nguồn thu này không đạt dự toán sẽ khó khăn cho việc phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước cả năm 2020. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trong những tháng đầu năm cũng tác động tiêu cực đến phát triển sản xuất nông nghiệp vốn được xem là “trụ đỡ” của nền kinh tế.
Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo và kịp thời ban hành nhiều giải pháp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành, cùng cộng đồng doanh nghiệp thực thi chính sách một cách hiệu quả; chủ động các biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh. Đến nay, tình hình dịch bệnh ở địa phương đang được kiểm soát tốt, chưa phát sinh ca nhiễm ngoài cộng đồng, các ca nhiễm (dương tính) hiện thời đều đã được cách ly, chữa trị theo đúng phác đồ quy định của Bộ Y tế.
Nhìn chung, tình hình phát triển KT-XH trong 6 tháng đầu năm cơ bản vẫn duy trì, các hoạt động sản xuất - kinh doanh và sản xuất nông nghiệp giữ được mức tăng trưởng; công tác an sinh xã hội luôn được đảm bảo, tạo động lực quan trọng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH năm 2020.
Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại Siêu thị Vinmart Bạc Liêu. Ảnh: L.D
DỒN LỰC THỰC HIỆN “NHIỆM VỤ KÉP”
Theo dự báo của UBND tỉnh, mặc dù nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng hiện nay đang trong tầm kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, bên cạnh việc thích nghi với trạng thái "bình thường mới", nhưng kiên quyết không chủ quan, lơ là đối với các biện pháp phòng bệnh đã được ngành Y tế khuyến cáo. Bạc Liêu sẽ tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gắn với dồn lực thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, kích cầu du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu được xác định từ đầu năm là tăng từ 10 - 11%. Mục tiêu tăng trưởng này là nhiệm vụ khá nặng nề, nhưng nếu không hoàn thành được sẽ khó thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV đã đề ra. Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự đảng UBND tỉnh quyết tâm giữ nguyên các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH chủ yếu đã đề ra trong kế hoạch năm 2020.
Mặt khác, theo dự báo của các cơ quan Trung ương từ tháng 6-2020, nền KT-XH của nước ta sẽ tăng trưởng mạnh trở lại theo hiệu ứng “sức bật lò xo” sau thời gian bị nén bởi dịch bệnh COVID-19. Thêm vào đó, Bạc Liêu đã và đang huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng nên dư địa phát triển của Bạc Liêu trong 6 tháng cuối năm còn rất lớn. Cụ thể, đầu tư ngoài ngân sách dự kiến sẽ tăng mạnh do sự tham gia của các nhà đầu tư điện gió, nhất là các dự án điện gió sắp bổ sung quy hoạch (dự kiến đầu tháng 6-2020, Thủ tướng sẽ duyệt bổ sung cho tỉnh Bạc Liêu 270MW điện gió và nếu thuận lợi thì khoảng giữa tháng 6-2020 sẽ bổ sung thêm 200MW nữa); các dự án nuôi tôm siêu thâm canh quy mô lớn của doanh nghiệp sẽ được đẩy mạnh do quy trình nuôi từng bước đã được kiểm soát tốt và nhất là sự mở rộng của thị trường xuất khẩu sau dịch COVID-19; công tác đấu giá đất sau thời gian chuẩn bị các thủ tục sẽ bước vào giai đoạn hoàn thành, dự kiến mang lại nguồn thu ngân sách khá lớn, bù đắp cho phần sụt giảm do ảnh hưởng của COVID-19; sự triển khai đồng loạt của các dự án địa ốc, nhà ở, thương mại - dịch vụ và sự phục hồi của thị trường bán buôn, bán lẻ... Tất cả những nguồn lực này sẽ tạo nên bức tranh kinh tế sôi động của tỉnh trong những tháng cuối năm 2020 và tạo nên sức bật mới cho Bạc Liêu hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển KT-XH của năm nay.
Với những dự báo và tiền đề trên, Bạc Liêu sẽ nỗ lực và phấn đấu không ngừng để thi đua hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 và góp phần dâng quà chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Theo LƯ TRUNG (Báo Bạc Liêu)