Quyết tâm bảo vệ những cánh rừng miền Tây

17/04/2023 - 15:24

Hiện đang vào cao điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt kéo dài làm cho những cánh rừng tại miền Tây thêm kiệt nước, có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Do đó, công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng đang được các địa phương thực hiện khẩn trương.

Tại lâm phần rừng U Minh Hạ, công tác PCCCR đang được triển khai đồng bộ. Ảnh: HIẾU NGHĨA

Nguy cơ cháy cao

Ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, cho biết: Rừng và đất rừng của tỉnh không lớn so với các tỉnh, thành trong cả nước nhưng có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với phát triển của du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, an ninh, quốc phòng biên giới. Do thời tiết khô, hạn kéo dài có khả năng cháy lớn ở tất cả các loại rừng. Nếu xảy ra cháy, tốc độ lửa lan nhanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn là rất cao. Ðến thời điểm này, dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh đang ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Ðặc biệt, gần 7.370ha rừng tràm, chiếm hơn 43% tổng diện tích rừng của tỉnh, được xem là vùng trọng điểm có nguy cơ dễ xảy ra cháy. Bên cạnh đó, khu vực rừng ở núi Phú Cường, cụm núi Ðất, khu vực núi Nhọn, khu vực Latina - Tà Lọt thuộc Núi Cấm, khu vực núi Gài nhỏ (huyện Tịnh Biên); TP Châu Ðốc, Tri Tôn cũng được cảnh báo có nguy cơ cháy cao.

Tại tỉnh Kiên Giang, Ban chỉ đạo PCCC và Cứu hộ cứu nạn tỉnh vừa có công văn yêu cầu tăng cường các biện pháp cấp bách quản lý, bảo vệ PCCC rừng trong cao điểm mùa khô năm 2023. Ông Ðoàn Văn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, cho biết: Nhiều cánh rừng tại huyện Kiên Hải và TP Phú Quốc đã có mức cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn và lan nhanh; khu vực rừng tại TP Hà Tiên, huyện Kiên Lương, Giang Thành có mức dự báo cháy cấp IV - cấp nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ lan trên lửa nhanh và mức dự báo cháy cấp III - cấp cao dễ xảy ra cháy rừng tại khu vực rừng thuộc huyện Hòn Ðất, An Minh, U Minh Thượng. Ông Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Thượng, cho biết: Khu vực vùng lõi của vườn đang dự báo cháy cấp II, trên đê bao có nơi dự báo cháy cấp III. Trước tình hình nắng nóng như hiện nay, mực nước trong rừng bình quân giảm 1cm/ngày, do đó vườn giám sát chặt chẽ tình hình khô hạn và khi dự báo cháy cấp III, thực hiện đóng cửa rừng, tăng cường các biện pháp PCCC rừng theo phương án, kế hoạch, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra.

Nắng nóng kéo dài cũng làm cho mức độ cảnh báo cháy rừng tại Cà Mau tăng nhanh. Hiện toàn tỉnh đã có khoảng 1.500ha rừng ở mức báo cháy cấp V; hơn 14.200ha ở mức báo cháy cấp IV và khoảng 13.000ha đất rừng ở mức báo cháy cấp III. Diện tích báo cháy ở mức cao tập trung tại Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ với khoảng 11.400ha rừng ở mức báo cháy cấp IV và hơn 420ha rừng ở mức báo cháy cấp V. Ông Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết: “Ðơn vị đã sẵn sàng các phương án PCCC rừng, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ ở những khu vực có mức báo cháy cao. Các phương tiện, dụng cụ đã được chuẩn bị sẵn sàng. Hiện đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương trên địa bàn tăng cường công tác trực phòng cháy. Yêu cầu nhân viên công ty cảnh giác, không lơ là. Lực lượng kiểm lâm địa bàn cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra việc triển khai PCCC rừng. Ðơn vị luôn cảnh giác, sẵn sàng ứng phó, phòng ngừa các nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra”.

VQG U Minh Hạ hiện có hơn 2.600ha trong tổng diện tích hơn 8.500ha đất rừng ở mức báo cháy cấp III, diện tích còn lại ở mức báo cháy cấp I. Mức báo cháy chưa cao nhưng công tác trực PCCC rừng đã được tiến hành khẩn trương, 12 tổ máy bơm đã triển khai đến các địa bàn trọng điểm. Ông Nguyễn Chí Hiếu, Ðội trưởng Ðội Bảo vệ rừng T23-100, VQG U Minh Hạ, chia sẻ: “Trang thiết bị chữa cháy luôn để sẵn trên vỏ lãi, cần tới là cơ động liền. Chúng tôi cũng thường xuyên phát dọn kênh mương, kiểm tra để xử lý nếu cống đập bị rò rỉ. Tinh thần là luôn sẵn sàng, anh em phải ngủ tại chốt để trực PCCC rừng”.

Tăng cường lực lượng, sẵn sàng ứng phó

Toàn tỉnh An Giang hiện có trên 13.906ha đất rừng, trong đó là 1.117,5ha rừng tự nhiên, 12.789,4ha rừng trồng, tỷ lệ độ che phủ 3,68%. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 12 vụ cháy rừng với diện tích 5,79ha. Trong đó, cháy rừng xảy ra ở khu vực rừng đồi núi 9 vụ với diện tích 0,79ha; khu vực rừng tràm đồng bằng xảy ra 3 vụ cháy với diện tích 5ha. Các vụ cháy đã được lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm và chủ rừng kịp thời phát hiện, xử lý nên chỉ thiệt hại 1,95ha rừng tràm và một số cây ăn trái trên khu vực đê bao. Dự báo cuối tháng 4 đến giữa tháng 5-2023, dù mưa trái mùa xuất hiện nhiều hơn nhưng thời tiết phổ biến vẫn còn nắng nóng, khô hanh. Do vậy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang yêu cầu các đơn vị quản lý rừng đồng bằng như rừng tràm Trà Sư, Nhơn Hưng, Vĩnh Châu, Bình Minh, Lâm trường Tỉnh Ðội, Tân Tuyến… cần duy trì nước dưới kênh, đốt dọn gốc rạ giáp rừng, đốt dọn cỏ trên các tuyến kênh và thực hiện vệ sinh rừng. Tăng cường bố trí lực lượng đến các địa bàn, khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để tham mưu chính quyền các cấp thực hiện công tác PCCC rừng; bố trí dụng cụ PCCC rừng, đẩy mạnh tuyên truyền cảnh báo nguy cơ cháy rừng tại các khu vực trọng điểm, khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao để người dân biết và đề phòng. Lưu ý người dân, khách tham quan không đi vào rừng có nguy cơ cháy, hạn chế đốt nhang, vàng mã để tránh nguy cơ cháy rừng.

Ông Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc VQG U Minh Thượng, cho biết: “Từ đầu mùa khô 2022-2023 đến nay, lực lượng quản lý bảo vệ rừng VQG U Minh Thượng tổ chức 468 cuộc tuần tra, kiểm soát đối tượng xâm nhập rừng trái phép, phát hiện 2 vụ, xử lý 3 đối tượng vào rừng bắt ong lấy mật. Vườn thành lập 4 đội (15 người/đội) PCCC rừng, ứng trực ở khu vực có nguy cơ cháy cao trên lâm phần, duy trì 10 tổ thường xuyên tuần tra kiểm soát, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm rừng và PCCC rừng. Ðồng thời xác định phân vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao khoảng 1.215ha để chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng phó khi có cháy xảy ra”.

Tuần tra bảo vệ rừng tại VQG U Minh Thượng. Ảnh: QUỐC HUY

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang Ðoàn Văn Thanh, các đơn vị chủ rừng cần tăng cường bố trí thêm trạm, chốt, láng trại, lực lượng, phương tiện, thiết bị phù hợp cho từng vùng trọng điểm, đảm bảo lực lượng trực 24/24 giờ suốt mùa khô, kịp thời phát hiện, triển khai lực lượng dập tắt đám cháy mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng lớn, nghiêm trọng; đặc biệt là trong các ngày nghỉ, ngày lễ, ban đêm. Ðồng thời phối hợp ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng và phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Từ đầu năm 2022 đến nay, VQG U Minh Hạ đã đưa vào vận hành hệ thống camera giám sát lửa, với 2 camera chuyên dụng có thể quan sát bao quát khoảng 2.500ha rừng và truyền tín hiệu về Trung tâm Kiểm soát PCCC rừng thông qua hệ thống âm thanh và còi báo động. Hệ thống này đi vào hoạt động đã góp phần tích cực trong việc phát hiện kịp thời các điểm phát lửa ở những nơi xa, bảo vệ an toàn cho các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Mặc dù vậy, Tổ Tuần tra rừng gồm 16 lực lượng của VQG vẫn thường xuyên thực hiện nhiệm vụ. Ông Lê Thanh Dũng, Phó Giám đốc VQG U Minh Hạ, cho biết: “Từ cuối năm 2022, dù mực nước dưới chân rừng và độ ẩm còn khá cao nhưng đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, máy móc, xây dựng phương án đắp đập giữ nước phục vụ việc PCCC rừng. Ðồng thời, phân công lực lượng ứng trực, thường xuyên nắm thông tin, phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát rừng để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng. Dự báo thời gian tới, tình hình khô hạn tiếp tục gay gắt, cấp độ báo cháy rừng sẽ tăng nhanh, do đó đơn vị sẽ thường xuyên tuyên truyền bằng loa phóng thanh đến cộng đồng dân cư lân cận tăng cường công tác cùng bảo vệ rừng. Ðồng thời bổ sung thêm các đội, chốt trực ở những nơi có nguy cơ cháy cao; ứng trực 24/24 giờ tại địa bàn trọng điểm, các chòi quan sát. Công tác tuần tra, kiểm soát cũng thường xuyên hơn và luôn sẵn sàng khi có tình huống cháy xảy ra”.

Theo Báo Cần Thơ