Sầu riêng miền Tây chính vụ vẫn sốt giá

21/06/2018 - 08:51

Đang vào chính vụ thu hoạch, lại cạnh tranh với sầu riêng miền Đông Nam bộ và Thái Lan nhưng giá sầu riêng ở miền Tây vẫn tăng vọt, thương lái mỏi chân săn tìm mà không đủ lượng hàng.

Ngay thời điểm chính vụ, sầu riêng miền Tây vẫn không đủ cung cấp cho thị trường BẮC BÌNH

Ngày 18-6, ông Đoàn Văn Nên (46 tuổi, xã Hội Xuân, H.Cai Lậy, Tiền Giang) quyết định bán 3 công sầu riêng Ri6, giá xô 53.000 đồng/kg, năng suất bình quân khoảng 3,5 tấn/công. “Hơn 10 ngày trước đã có nhiều thương lái đến hỏi mua nhưng chưa hài lòng về giá nên tới hôm nay tôi mới bán. Thú thật, tôi cũng bất ngờ vì đây là vụ cho trái mùa thuận mà thương lái vẫn săn tìm mua với giá cao như vậy. Các vụ thuận trước giá chưa khi nào được 40.000 đồng/kg”, ông Nên chia sẻ.

Theo các nhà vườn, giá sầu riêng chính vụ tăng liên tục từ thời điểm bắt đầu thu hoạch đến nay (đầu tháng 4 âm lịch) và nhiều khả năng giá cao nhất trong vụ thuận năm nay sẽ tương đương mức trung bình vụ nghịch trước đó. “Giá vụ thuận thấp hơn vụ nghịch 10.000 đồng/kg thì nhà vườn vẫn có lợi hơn rất nhiều. Bởi chi phí đầu tư vụ thuận cao lắm là 8 triệu đồng/công so với hơn 20 triệu đồng/công nếu xử lý cho trái nghịch vụ, trong khi đó năng suất cho trái trong vụ thuận cao hơn vụ nghịch khoảng 500 kg/công.

Đặc biệt, cho trái vụ thuận thì cây sẽ không mất sức quá nhiều và người làm vườn cũng không phải thường xuyên chăm bón như vụ nghịch”, ông Trần Xuân Minh, nhà vườn trồng 8 công sầu riêng ở xã Hội Xuân, phân tích.

Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (H.Chợ Lách, Bến Tre), cho biết nguyên nhân giá sầu riêng hiện nay tăng là người tiêu dùng trong nước chuộng sầu riêng miền Tây. Mặt khác, lượng sầu riêng được nhà vườn cho trái vụ thuận ở đây giảm khá nhiều so với các năm về trước.

“Tuy phải cạnh tranh gay gắt với sầu riêng Thái Lan nhưng chúng tôi vẫn xuất khẩu đều đặn mỗi ngày 6 container sang thị trường Trung Quốc và một số nước khác. Đương nhiên, chúng tôi phải lên miền Đông Nam bộ thu mua mới đủ lượng hàng xuất khẩu. Tại Bến Tre và Tiền Giang, chúng tôi cũng có nhiều mối quen, thậm chí có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng lượng hàng ở đây hiện quá ít ỏi, ngay cả thị trường nội địa cũng không đủ cung”, bà Vy cho biết.

Theo Thanh Niên