Một số chủ vườn cho biết năm nay thương lái đến hỏi mua sầu riêng ít hơn mọi năm
Nghịch mùa nhưng không còn sốt giá
Khoảng 1 tháng nay, sầu riêng nghịch mùa đang vào vụ thu hoạch nhưng so với thời điểm này năm trước, sầu riêng lại rớt giá, khiến nhiều chủ vườn lo lắng.
Theo nhiều nông dân, nếu để sầu riêng ra trái tự nhiên vào mùa thuận thì dễ xảy ra tình trạng cung vượt cầu, giá sẽ xuống thấp. Chính vì thế, muốn làm giàu, không lo dội chợ thì phải xử lý để sầu riêng ra trái nghịch vụ, tuy khó chăm sóc nhưng bù lại thị trường tiêu thụ sẽ ổn định hơn, lại bán được giá cao.
Nghĩ vậy nên khi vào vụ nghịch nhưng giá sầu riêng không còn “sốt” thì nhiều nhà vườn thấy bất an.
Tại một số vườn sầu riêng, nông dân như ngồi trên đống lửa bởi đến thời điểm thu hoạch mà rất ít thương lái đến “dòm ngó”. Tình trạng này trái ngược hẳn mọi năm. “Nếu như năm trước thương lái đến đặt cọc trước cả tháng rồi mới hái thì nay chỉ trả lời ỡm ờ, hẹn lần hẹn lữa”- chú Bảy (xã Chánh An- Mang Thít, Vĩnh Long) cho hay.
Theo một số nông dân, giá rớt là do sầu riêng được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên gần đây, việc xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch không còn thuận lợi, nên thương lái cũng ngán “ăn hàng”.
Vì rớt giá nên nhiều chủ vườn đã mang sầu riêng ra đường để bán cho khách vãng lai, bán lẻ cho tiểu thương hoặc đưa lên mạng bán online để “vớt vát”.
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm, sầu riêng là một trong những loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao của huyện. Theo đó, huyện có trên 1.062ha sầu riêng, trong đó, diện tích cho trái khoảng 620ha, với năng suất bình quân 15 tấn/ha cho sản lượng 9.300 tấn/năm. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất sầu riêng dần được nâng cao.
Tuy nhiên, theo ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT: Hiện sầu riêng đang có giá 60.000- 65.000 đ/kg, có thời điểm còn 40.000- 45.000 đ/kg, so với năm trước thì giảm nhiều. Nhiều người lo làm vụ nghịch, né mùa thuận nhưng riết rồi mùa thuận lại có giá hơn mùa nghịch.
Anh Nguyễn Hoàng Đệ- cán bộ nông nghiệp xã cù lao Thanh Bình (Vũng Liêm)- cho hay: So với mọi năm, sầu riêng mùa nghịch năm nay giá thấp, song hiện nông dân vẫn có lời. Mùa này sầu riêng cho năng suất từ 1,5- 2 tấn/công, sau khi trừ chi phí thì nông dân còn lời vài chục triệu đồng.
Hiện xã có trên 380ha sầu riêng cho trái. “Hên” cho sầu riêng cù lao là đợt giảm giá còn 30.000- 40.000 đ/kg vừa rồi thì không có sầu riêng vào thu hoạch. Nếu không thì đụng với sầu riêng Tiền Giang là nông dân trồng sầu riêng ở Vũng Liêm cầm chắc lỗ. Nông dân cứ nghĩ mùa nghịch giá cao nên khi rớt giá nhiều người bị sốc, hoang mang. Giá nhích lên, nhiều người cũng bớt lo.
Cần thắt chặt khâu cung- cầu
Trước tình trạng nông sản rớt giá hàng loạt, nhiều người có tư tưởng né mùa thuận làm mùa nghịch bởi sẽ “an toàn” hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù thuận hay nghịch khi cung vượt cầu thì ắt sẽ dội chợ và rồi nông sản sẽ cần “giải cứu”.
Sầu riêng mùa nghịch này giá thấp hơn năm trước.
Để tránh điệp khúc được mùa- rớt giá và để cây sầu riêng phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Dương Ái Đạo cho rằng: Bên cạnh việc địa phương tập trung chuyển giao kỹ thuật thâm canh theo hướng GAP gắn với chuỗi giá trị, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp và nông dân, thì chính nông dân- người trực tiếp sản xuất cần thay đổi về tư duy kinh doanh.
Bên cạnh phương thức sản xuất rải vụ, tránh sản xuất tập trung để cung không vượt cầu thì nông dân cần liên kết sản xuất đồng loạt theo quy trình. Đồng thời, không nên để thương lái quyết định chất lượng sầu riêng ra thị trường. Bởi có tình trạng sầu riêng chưa chín nhưng thương lái hái sớm, làm chất lượng sầu riêng ra thị trường giảm, làm mất uy tín thương hiệu sầu riêng Vĩnh Long.
Có thể thấy, những bài học về quy luật thị trường đắt giá vẫn còn đó, nếu nông dân không thay đổi, vẫn bất chấp tín hiệu thị trường, vẫn làm theo cách cũ, sản xuất theo phong trào thì nông sản sẽ vẫn phải chịu cảnh ế chợ, bán tháo, rồi lại chờ giải cứu. Song, chờ người cứu chi bằng tự cứu lấy mình.
Không thể sản xuất theo kiểu “tới đâu hay tới đó” hoặc phụ thuộc vào sự may rủi của biến động thị trường, để rồi ở thế bị động chờ thương lái thu mua mà nông dân phải chủ động sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng cao như VietGAP, GlobalGAP để hướng đến các thị trường phân khúc cao hơn, ổn định hơn.
Theo THẢO NGUYÊN (Báo Vĩnh Long)