Đúng như dự báo, ngay từ đầu tháng 12-2019, mặn đã xuất hiện tại hầu hết các vùng nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mặn lên sớm lại được sự “trợ giúp” từ những đợt gió chướng mạnh và thời tiết nắng nóng đã nhanh chóng tăng cao và xâm nhập sâu vào nội đồng. Các dự báo ban đầu đều nghiêng về yếu tố thuận cho vụ tôm năm nay, kể cả việc thả giống sớm để tranh thủ có tôm, có giá tốt. Tuy nhiên, tất cả những dự tính của người nuôi tôm đã bị đảo ngược khi nhiệt độ và độ mặn tăng quá cao làm phát sinh bệnh đốm trắng và vi bào tử trùng, khiến nhiều diện tích nuôi chỉ sau 1,5 – 2 tháng buộc phải thu hoạch. Tôm cỡ nhỏ nhiều, trong khi thị trường tiêu thụ, chủ yếu là Trung Quốc đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19 đẩy giá tôm thẻ cỡ nhỏ lao dốc, người nuôi thua lỗ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu năm.
Cũng trong thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lây lan ra nhiều nước trên thế giới. Hiện Ecuador đang giới nghiêm vì diễn biến dịch Covid-19 khá phức tạp khiến nhiều diện tích bị treo ao, nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa. Tương tự như thế là cường quốc tôm Ấn Độ cũng đang thực hiện phong tỏa toàn quốc gây thiếu nhân công phục vụ nghề nuôi lẫn chế biến. Một số quốc gia nuôi tôm lớn khác, như: Indonesia, Thái Lan cũng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 với các mức độ khác nhau, nên sản lượng tôm cũng biến động theo chiều hướng giảm.
Các nhà máy chế biến lo lắng tình trạng thiếu hụt nguyên liệu tôm nhiều khả năng sẽ xảy ra một khi thị trường hồi phục sớm.
Riêng Việt Nam, tuy thời gian cách ly xã hội chỉ diễn ra trong 2 tuần, nhưng cũng ảnh hưởng đến tâm lý ở người nuôi về khâu tiêu thụ. Mặt khác, trong suốt 4 tháng đầu năm, nhiệt độ và độ mặn cao, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn làm tôm dễ bị sốc, dẫn đến phát sinh bệnh cơ hội như đốm trắng và vi bào tử trùng, nên người nuôi cũng chưa dám thả nuôi nhiều.
Việc thả giống chậm lại của người nuôi trong bối cảnh trên là khá hợp lý, nhất là đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ theo mô hình quảng canh cải tiến hay bán thâm canh, dù nó có thể gây thiếu hụt nguyên liệu cho các nhà máy trong khoảng 1 - 2 tháng tới, nhất là khi thị trường có sự hồi phục sớm. Diễn cảnh trên gần như là chắc chắn, bởi người nuôi hiện phần lớn đều chờ đến khi vào mùa mưa mới tiến hành thả giống, trong khi theo dự báo, khoảng nửa cuối tháng 5, khu vực đồng bằng sông Cửu Long mới chính thức bước vào mùa mưa.
Theo nhận định chung của các doanh nghiệp, nguồn cung tôm thế giới trong năm 2020 sẽ giảm khá mạnh so với năm 2019, nhưng còn giá tôm cũng như sức mua trong thời gian tới diễn biến ra sao còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trong nước cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, do nguồn cung tôm thế giới giảm nên dù dịch bệnh Covid-19 có kéo dài hơn dự kiến thì giá tôm vẫn khá ổn, nếu có giảm cũng sẽ không nhiều, nhưng xu hướng tăng vẫn được đánh giá là nhiều khả năng hơn.
Còn theo ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood), do ảnh hưởng dịch Covid-19, một số kênh tiêu thụ tôm, như: nhà hàng, khách sạn, du thuyền, các cửa hàng thức ăn nhanh… đều tạm đóng cửa và cho dù có mở cửa trở lại thì trong thời gian ngắn sức tiêu thụ cũng không mạnh. Ông Phục cho biết thêm: “Bên cạnh sự sụt giảm từ một số kênh tiêu thụ thì sức tiêu thụ tại các siêu thị ở Mỹ, châu Âu vẫn khá tốt, thậm chí tăng 20% - 30% so với cùng kỳ. Do đó, Vinacleanfood và các doanh nghiệp khác ở Sóc Trăng cũng có sự linh hoạt đẩy mạnh bán hàng vào các siêu thị, nên giảm được phần nào tác động từ dịch Covid-19. Điều này đã giúp cho giá tôm thời gian qua được giữ vững, thậm chí còn tăng thêm từ đầu tháng 4 đến nay.
Tuy có đôi chút lo lắng về khả năng thiếu hụt nguyên liệu, nhất là trong 2 tháng 5 và 6, nhưng theo các doanh nghiệp tình trạng trên chỉ diễn ra mang tính cục bộ đối với các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu và đã có hợp đồng giao hàng đến hết quý II-2020. Cơ sở cho nhận định trên được các doanh nghiệp đưa ra là hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp có hàng tồn kho tương đối lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên mặt hàng tôm sú và doanh nghiệp có quy mô nhỏ chưa đủ uy tín, điều kiện bán hàng vào các siêu thị lớn ở Mỹ và châu Âu. Điển hình như tại Cà Mau, theo báo cáo của ngành chức năng, hiện các doanh nghiệp trong tỉnh đang tồn kho hơn 17.000 tấn tôm các loại, trong khi phần lớn doanh nghiệp ở Sóc Trăng vẫn thu mua, chế biến và xuất khẩu khá ổn định.
Trao đổi thêm với chúng tôi về vấn đề trên, ông Phục phân tích: “Thật ra để đưa ra nhận định về mốc thời gian hồi phục của thị trường tôm vào lúc này là rất khó, bởi chưa ai dám khẳng định khi nào dịch Covid-19 mới được khống chế trên phạm vi toàn cầu, hay chí ít là tại những thị trường tiêu thụ tôm lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản... Nói một cách khác là thị trường tôm vẫn khó đoán định mặc dù nguồn cung giảm mạnh gần như là chắc chắn. Do đó, chuyện có thiếu hụt nguyên liệu hay không, mức độ thiếu hụt như thế nào, thời gian thiếu hụt bao lâu… ngoài chuyện dịch Covid-19 ra còn tùy thuộc vào uy tín và sự linh hoạt của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu người nuôi vẫn cứ e dè, lo sợ tôm rớt giá không dám thả nuôi như từ đầu năm đến nay thì khả năng thiếu hụt nguyên liệu sẽ không còn là cục bộ nữa mà sẽ diễn ra trong toàn ngành tôm”.
Theo TÍCH CHU (Báo Sóc Trăng)