Còn huê lợi rau, cá, chuối... cùng lắm cũng chỉ để tích luỹ thêm chút ít. Nói như ông Huỳnh Ngọc Cung, Trưởng ấp Vồ Dơi: “Bây giờ mà không tính toán cho hướng đi sắp tới, thì xem ra đời sống người dân ở Vồ Dơi sẽ khựng lại ở mức tàm tạm, còn làm giàu chắc khó”.
Nghe tiếng đã lâu, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Tư Nhiệm (Bùi Văn Nhiệm, ấp Vồ Dơi). Nơi này được nhiều dân “phượt” quả quyết là địa điểm đáng để trải nghiệm nếu có dịp về vùng ven Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Hạ. Vợ chồng ông Tư Nhiệm có việc đi vắng, chỉ còn cụ bà thân mẫu ông Nhiệm tiếp chuyện khách. Cụ bà kể: “Tôi xứ Giá Rai, Bạc Liêu về lập nghiệp mấy chục năm ở đất này. Hồi mới về, không đường, không điện, không nước, mấy năm đói khổ. Có bà con ở trên quê xuống thăm, ngó thấy cảnh gia đình tôi thì cảm thương, khuyên lơn tôi bỏ đi”.
Vồ Dơi đang chờ đợi những cú hích lớn để du lịch là lựa chọn mới cho hướng phát triển tương lai. (Ảnh: Khuôn viên hộ gia đình ông Tư Nhiệm).
Cái vùng đất hoang vu với năn, sậy cao lút đầu người, đất phèn vàng nước, theo lời kể của cụ bà rồi cũng có ngày thắm da, đỏ thịt. Ông Tư Nhiệm, con trai độc đinh trong gia đình khi thấy cuộc sống tạm ổn, mạnh dạn tính toán chuyện làm du lịch, dù là theo cách nói của “chính chủ” là “tự phong, tự phát”. Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, hộ ông Tư Nhiệm ăn nên, làm ra nhờ lượng khách du lịch “mối quen”, không nhiều, không ít, nhưng được cái ổn định. Còn ở thời điểm hiện tại, gần như không còn dấu hiệu gì cho thấy nơi đây từng là một địa điểm trải nghiệm sôi động.
Du khách trải nghiệm bơi xuồng dưới tán rừng tràm VQG U Minh Hạ.
Bà cụ mang cái thiệt lòng của dân Nam Bộ mà rằng: “Tới con cá đồng, xứ này muốn kiệt rồi, mà khách tới đây, nhà tôi muốn ăn cá đồng phải thiệt cá đồng, còn làm ăn không đàng hoàng, thôi nghỉ mần còn hơn”. Rồi vốn liếng, neo người... bao nhiêu thứ vướng víu khiến gia đình ông Tư Nhiệm lặng lẽ xếp gọn lại ước mơ làm du lịch. Không phải là từ bỏ, mà mơ hồ theo kiểu “chờ mơi mốt coi sao”.
Nhiều lần chuyện trò với các anh ở ấp Vồ Dơi, chúng tôi thấy rõ khát vọng tìm hướng mới cho tương lai xứ sở, mà làm du lịch luôn là chuyện mở đầu, nhưng thường về cuối, câu chuyện lại “xà quần” không ra hồi kết. Ðường sá đã thông thoáng quá rồi, hệ sinh thái rừng tràm ở đó, du lịch cũng là vấn đề ưu tiên của ấp, dân cũng háo hức, cũng mạnh dạn, nhưng...
Ông Trưởng ấp bảo rằng: “Cái khó nhất không phải là làm hay không, mà làm như thế nào cho hiệu quả, cho bền vững”. Ông Ðoàn Văn Ðồng, cán bộ hưu trí VQG U Minh Hạ sống trên tuyến T19, ấp Vồ Dơi, quả quyết rằng: “Tôi nghĩ tới lui kỹ rồi, giờ thì dồn sức cho việc làm du lịch. Trên bờ thì trồng thêm kiểng, hoa, thả giàn chanh dây, dưới mé kênh là bầu, bí, mướp. Mặt nước trồng sen, súng, gầy lại nguồn lợi cá đồng... Ðảm bảo khách về đây sẽ mê ngất”. Nhiệt huyết, kế hoạch của ông Ðồng khiến chúng tôi bị thuyết phục hoàn toàn, chỉ có điều đó mới chỉ là ý tưởng. Còn từ ý tưởng đến thực tế, luôn là chặng đường đầy trắc trở.
Ông Đoàn Văn Đồng dù sống “khoẻ” từ rừng tràm, huê lợi nhưng vẫn ấp ủ quyết tâm làm mô hình du lịch sinh thái.
Cái háo hức làm du lịch còn dội lên mạnh mẽ hơn ở những người trẻ xứ Vồ Dơi. Anh Huỳnh Khánh Lập nói với chúng tôi rằng: “Cừ tràm giờ người ta thay bằng cừ sạn bê tông hết rồi. Trồng tràm lấy cây bán cừ coi ra không phải cách lâu dài nữa”. Cũng từ cách nghĩ mới mẻ ấy, anh Lập mua lá tràm, lá sả để nấu tinh dầu. Sắp tới, anh Lập còn tính toán sẽ chiết xuất nhiều loại tinh dầu từ nguồn hương liệu phong phú sẵn có của quê hương. Rồi mật ong rừng tràm U Minh Hạ - vàng mười của xứ sở, cũng là một trong những lý do để anh Lập và bà con nơi đây hy vọng. Mới nhất, từ con kiến vàng rừng tràm, cơ sở Khánh Lập đã sản xuất thành công loại muối kiến vàng với hương vị độc đáo. Và du lịch chính là kênh quảng bá, phân phối và nâng cao giá trị hữu hiệu nhất, đảm bảo đầu ra cho những sản phẩm của người nông dân.
Trong câu chuyện, anh Lập nhắc về chuyến đi thực tế học hỏi kinh nghiệm làm du lịch tại các tỉnh Ðồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ do UBND huyện Trần Văn Thời tổ chức cách đây chưa lâu. Từ trải nghiệm của bản thân, anh và những người đã, đang và sắp làm du lịch tại huyện Trần Văn Thời vỡ lẽ rằng: “Làm du lịch không khó, nhưng cũng không hề dễ. Phải bắt đầu từ những gì mình có, bù đắp những gì còn thiếu và phải gắn kết, liên kết, có đường hướng rõ ràng, chớ không thể làm theo kiểu tự phát, xô bồ”.
Các sản phẩm tinh dầu tràm, sả của cơ sở Khánh Lập. Ðây là một trong những bước chuẩn bị để anh Huỳnh Khánh Lập triển khai mô hình du lịch sinh thái của gia đình.
Nhìn vào thực tế của bản thân, anh Lập thừa nhận rằng: “Tại mình dở, nhát đó thôi. Chớ điều kiện của Vồ Dơi dư sức làm du lịch bằng hoặc hơn những nơi khác”. Tất nhiên, không phải là chuyện làm du lịch kiểu “liều mạng”, “mù quáng” mà phải tuần tự, bài bản, vừa sức; lấy cái mạnh, cái riêng của mình để khắc phục cái còn chưa được. Chủ trương làm du lịch đã có, tiềm năng, lợi thế thì đã ở sẵn đó rồi, chỉ còn chờ việc hiện thực hoá phù hợp, hiệu quả kèm sự kiên trì, quyết tâm.
Nhiều bà con Vồ Dơi khi được gợi mở, rất hào hứng với du lịch, nhưng e dè, bởi bà con sợ nhất là kiểu hô hào phong trào, rồi sau đó “thuyền ai nấy lạo”. Du lịch tuyến U Minh Hạ giờ mới vào độ “râm ran”, trong đó có sự chuyển mình của Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Bắt đầu bao giờ cũng khó khăn, nói như ông Nguyễn Tấn Truyền, Trưởng phòng Du lịch sinh thái - Giáo dục môi trường của VQG U Minh Hạ, thì “tính toán, đề án đã mở rộng hướng phát triển du lịch rồi, nhưng còn phải làm rất nhiều thứ”.
Du lịch, với bà con Vồ Dơi không nên là sự hồ nghi, mà nên là lựa chọn, phải là khế ước giao kèo mới của con người nơi đây với rừng tràm trong chặng đường đi tới. Biết đâu được rằng, cây tràm, rừng tràm vẫn ở đây, là chủ nhân muôn đời của đất này, nhưng là tràm trổ bông để ong hút mật, tràm cho lá để nấu tinh dầu, tràm nuôi nấng hệ sinh thái với muôn ngàn sản vật trù phú... Và rừng tràm ở đó để chứng kiến những thế hệ chủ nhân mới giàu có, thuỷ chung với lời mời thơm thảo níu du khách muôn phương tìm về.
Tất cả còn ở phía trước, nhưng hôm nay, ở Vồ Dơi, giữa bốn bề là tràm, trong từng mặt người, câu chuyện, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào những điều khoản trong khế ước giữa con người - rừng tràm - du lịch cho phía tương lai./.
Theo PHẠM HẢI NGUYÊN (Báo Cà Mau)