Sóc Trăng: "Biến" tre thành các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng

02/06/2023 - 09:45

Với mong muốn phát triển làng nghề đan đát truyền thống lâu đời từ nguồn nguyên liệu chính là cây tre nên anh Nguyễn Văn Vinh, chủ cơ sở đan đát Thủy Tuyết kiêm Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan đát Phương Nam, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu để “biến" tre thành các sản phẩm thiết thực cho cuộc sống, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

A A

Nhiều người dân tại xã Phú Tân đã gắn bó với nghề đan đát truyền thống. Hầu hết bà con làm nghề này theo hình thức riêng lẻ tại hộ, khi đủ số lượng sản phẩm sẽ tự chở đi bán trong và ngoài địa phương. Chi phí vận chuyển cao, sản phẩm dễ bị hư hỏng, lợi nhuận không nhiều... chính vì vậy, nghề đan đát không còn “sức hút” đối với nhiều người. Không muốn nghề truyền thống bị mai một nên anh Nguyễn Văn Vinh quyết định mở cơ sở đan đát Thủy Tuyết, đặt ngay trong làng nghề xã Phú Tân. Cơ sở ra đời cung cấp nguyên liệu để bà con, sau đó thu mua lại sản phẩm cung cấp đến người tiêu dùng, góp phần giúp sản phẩm đan đát có đầu ra ổn định, tăng lợi nhuận.

Tạo ra các sản phẩm thiết thực cho cuộc sống từ tre. Ảnh: THÚY LIỄU

Cơ sở đan đát Thủy Tuyết có gần 500 mẫu sản phẩm được “biến hóa” từ cây tre, cây trúc, nào là cần xé, thúng, nia, sịa, bình chưng hoa, lọ đựng bút, giỏ xách… nào là gối nằm, giường ngủ, đèn ngủ và nhiều vật trang trí khác, tạo nên nét đẹp độc đáo, hoài cổ. Tất cả các sản phẩm làm từ tre, trúc đều rất đẹp mắt, độ tinh xảo cao nên được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, tin dùng.

Anh Nguyễn Văn Vinh chia sẻ: "Niềm mong ước lớn nhất của tôi là giữ giá trị truyền thống nghề đan đát của thế hệ trước để lại. Vì vậy, ngoài các mặt hàng được làm ra từ tre đã có từ trước, tôi phát triển thêm đa dạng các mẫu mã sản phẩm, nhằm tiêu thụ nhiều nơi và nhiều thị trường khác nhau, cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Chính vì vậy, tôi luôn nỗ lực tiếp cận với đa dạng các thị trường để tìm hiểu người tiêu dùng cần sản phẩm nào sẽ tạo ra sản phẩm đó, để tiêu thụ được nhiều sản phẩm đan đát vừa góp phần tăng đơn hàng cho cơ sở, vừa giúp cho người dân làm nghề có thêm nguồn thu nhập. Tre dùng đan đát tạo ra sản phẩm rất thân thiện với môi trường nhưng nhược điểm là hay bị mối mọt tấn công, tuy nhiên tôi đã khắc phục được, để người tiêu dùng an tâm khi dùng và đảm bảo sản phẩm bền, đẹp hơn theo thời gian.

Hiện tại, Cơ sở đan đát Thủy Tuyết giải quyết lao động thường xuyên cho 7 lao động tại địa phương và giải quyết lao động thời vụ từ 30 - 50 người làm thêm tại nhà. Cùng với đó, ngoài nguồn hàng thu mua trong làng nghề, anh Vinh còn đi dạy nghề cho người dân ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh và tỉnh bạn. Anh thu mua những sản phẩm của học viên làm với giá hợp lý.

Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ ra đời từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làm nghề đan đát truyền thống. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo anh Vinh, để phát triển lâu dài nghề đan đát truyền thống rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc tạo các cơ chế, chính sách về hỗ trợ trang thiết bị máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đan đát; ưu đãi nguồn vốn vay cho người dân, cơ sở sản xuất tại làng nghề; hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu trồng tre, trúc để người dân, cơ sở đan đát không phải đi xa mua nguyên liệu, đặc biệt là trong các tháng mùa mưa, nguồn nguyên liệu thường bị thiếu hụt.

Đồng chí Nguyễn Văn Hận - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành thông tin, làng nghề đan đát truyền thống tại xã Phú Tân đang ngày càng khởi sắc cũng như có thêm "sức sống mới" kể từ khi Cơ sở đan đát Thủy Tuyết và Hợp tác xã Mây tre đan đát Phương Nam thành lập tại địa phương. Đây được xem là tín hiệu vui, bởi có nhiều sản phẩm đan đát làm bằng tre “ra đời” từ làng nghề  không chỉ là sản phẩm gia dụng mà còn là sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo, khơi dậy cảm hứng, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Xã Phú Tân và ngành Nông nghiệp huyện dự kiến xây dựng các điểm tham quan du lịch tại làng nghề để du khách đến trải nghiệm việc dùng tre tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ, đẹp mắt.

Ở nông thôn Việt Nam, cây tre đã gắn bó lâu đời với người dân. Tre không chỉ được dùng để tạo ra các sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của con người mà còn sử dụng trong việc xây dựng các công trình kiến trúc. Người làm nghề đan đát rất cần sự quan tâm của ngành chức năng trong việc đầu tư cho làng nghề để vừa giải quyết công ăn việc làm, vừa phát huy giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống này.

Theo THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)