Tính đến thời điểm này, những bất lợi của ngành tôm chẳng những chưa có dấu hiệu giảm đi mà dường như các khó khăn ngày một lớn dần. Khó khăn dễ nhận thấy nhất thuộc về người nuôi tôm khi giá tôm cứ giảm dần qua hơn 1 tháng nay. Chưa hết khó vì giá tôm giảm, giá vật tư đầu vào tăng, vụ tôm năm nay còn tiếp tục gặp khó do mưa nắng thất thường và nhất là ao tôm gần như luôn có sự hiện diện của EHP, phân trắng, làm cho tôm chậm lớn, giá thành nuôi cao. Theo các hộ nuôi tôm, ở thời điểm hiện tại, nếu thu hoạch đạt năng suất và tôm đạt cỡ 25 - 20 con/kg thì mới có lời kha khá, còn nếu không thì cầm chắc từ hòa đến lỗ, ai may mắn hơn thì có lời chút đỉnh. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho tiến độ thả giống vụ tôm năm nay diễn ra chậm hơn so với cùng kỳ, dù độ mặn đã đạt yêu cầu và phần lớn doanh nghiệp cung ứng con giống đều tăng khuyến mãi hay giảm giá.
Nếu thu hoạch tôm thẻ cỡ 25 con/kg về lớn người nuôi vẫn có lợi nhuận khá trong vụ tôm 2023 này. Ảnh: TÍCH CHU
Theo tìm hiểu của người viết, phần lớn diện tích tôm thẻ thả nuôi từ đầu năm đến nay đều là diện tích nuôi lót bạt, số ít diện tích nuôi ao đất chỉ mới thả giống từ cuối tháng 4 hay đầu tháng 5 đến nay. Tuy nhiên, do giá tôm hiện đang quá thấp, nhất là tôm cỡ 100 - 40 con/kg nên nhiều hộ nuôi còn phân vân chưa dám thả giống vì theo họ, mức giá trên người nuôi sẽ không có lời. Theo lý giải của người nuôi tôm, nếu nuôi tôm thẻ bằng ao đất thì cỡ tôm lúc thu hoạch thường rơi vào khoảng 100 - 50 con/kg, trong khi giá tôm cỡ 100 con/kg hiện dưới 90.000 đồng/kg, còn tôm cỡ 50 con/kg cũng chỉ được 103.000 - 105.000 đồng/kg, nên khó mà có lời được. Một chủ trang trại nuôi khá lớn, mua con giống, thức ăn trực tiếp từ nhà sản xuất cho biết, vừa rồi do tôm bị nhiễm EHP nên buộc phải thu hoạch khi tôm chỉ đạt cỡ 60 con/kg, tính ra lợi nhuận chỉ vào khoảng hơn 10.000 đồng/kg.
Không chỉ có người nuôi, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm còn khó hơn nhiều do tình hình lạm phát làm giảm sức tiêu thụ và sự cạnh tranh gay gắt về giá với các cường quốc tôm khác trên thế giới. Lãnh đạo một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm trong tỉnh cho biết, bây giờ bất lợi ngành tôm khá cao điểm. Vị này phân tích: “Giá thành tôm của ta khá là cao so với 2 đối thủ chính là Ecuador và Ấn Độ. Việc đánh mã số cơ sở nuôi đang ách tắc, khiến cho việc truy xuất nguồn gốc gặp khó khăn, còn tôm nuôi đạt chuẩn ASC thì quá ít nên tính cạnh tranh của con tôm Việt Nam có phần kém thế hơn, gây khó khăn trong việc tạo sự đột biến, vươn tầm ngành tôm…”.
Sau khi kể khó chuyện ngành tôm, các doanh nghiệp đều có chung nhận định rằng, ngành tôm vẫn chưa “bít cửa” và dù không thể làm cú ngược dòng ngoạn mục để về đích như những lần trước, nhưng cơ hội sẽ sáng hơn kể từ quý III trở đi. Theo các doanh nghiệp, hiện các hợp đồng giao quý III, quý IV đều có, muốn số lượng lớn cũng có, chỉ có điều giá cả không được tốt như kỳ vọng của cả doanh nghiệp lẫn người nuôi. Với giá tôm trong nước hiện tại, các doanh nghiệp cho rằng, nếu ký hợp đồng giao quý III, quý IV, doanh nghiệp vẫn có lời chút đỉnh nhưng phần lớn vẫn rất dè dặt, chỉ dám ký số lượng ít, thời gian giao nhanh. “Điều chúng tôi lo ngại là cảnh “đắt đồng ế chợ” vì giá tôm hiện nay không hấp dẫn sẽ khiến nhiều hộ không thả nuôi. Nếu ký số lượng nhiều, đến thời điểm giao hàng không có tôm, các doanh nghiệp tranh mua đẩy giá lên cao sẽ cầm chắc thua lỗ” - lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, ngành tôm Việt Nam cũng có lợi thế lớn về trình độ chế biến và nuôi tôm thẻ về được kích cỡ lớn, đặc biệt là tôm cỡ 25 con/kg trở về lớn. Theo chia sẻ của một doanh nghiệp, hiện đã có một số doanh nghiệp ký được hợp đồng tôm thẻ cỡ 25 con/kg về lớn với mức giá cũng khá cao, nên nếu người nuôi tôm có điều kiện thì nên nuôi về kích cỡ trên để có được mức lợi nhuận tốt hơn. Thực tế cho thấy, từ khi giá tôm bắt đầu giảm đến nay, nhiều hộ nuôi tôm thẻ ao lót bạt đều có lợi nhuận khá nhờ thu hoạch tôm cỡ lớn. Còn theo ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, hiện nhiều ao tôm của công ty đã về cỡ 30 - 25 con/kg, nhưng công ty vẫn quyết định chưa thu hoạch hết mà tiếp tục nuôi về cỡ lớn hơn để bán được giá hơn.
Như vậy có thể thấy, tình hình xuất khẩu tôm từ quý III trở đi sẽ có phần khả quan hơn so với 6 tháng đầu năm, nên kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm 2023 chắc chắn sẽ được cải thiện hơn nhiều. Hay nói cách khác, 6 tháng cuối năm sẽ là cơ hội để con tôm ngược dòng, bù đắp phần nào sự sụt giảm cho 6 tháng đầu năm, đảm bảo xuất khẩu, nếu có giảm cũng không giảm sâu so với kế hoạch. Vấn đề hiện nay là người nuôi cần cân nhắc, chọn lựa mô hình, mật độ nuôi sao cho hợp lý để vừa đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công cao nhằm giảm giá thành sản xuất, vừa thu hoạch được tôm cỡ lớn có giá ổn định hơn, giúp gia tăng lợi nhuận của vụ nuôi.
Theo TÍCH CHU (Báo Sóc Trăng)