Sóc Trăng: Mừng, lo thời tăng giá

04/04/2022 - 14:18

Có không ít những tín hiệu đáng để vui, để mừng, nhưng nếu suy xét cho kỹ vẫn còn nhiều thứ đáng để lo cho mục tiêu phục hồi và tăng tốc kinh tế khi cả thời điểm hiện tại lẫn chặng đường còn lại của năm 2022 cho thấy các rủi ro, thách thức đang bộc lộ từng ngày.

Đầu năm, dịch Covid-19 hầu như được khống chế trên phạm vi cả nước, cuộc sống bình thường mới được thiết lập trở lại. Học sinh được trở lại trường, người lao động trở lại với công việc thường nhật của mình, công trường, nhà máy hoạt động nhộn nhịp, niềm vui lan tỏa khắp mọi miền. Đầu năm, con tôm, hạt lúa giữ được giá cao, xuất khẩu tăng 14,4% so cùng kỳ, du lịch chính thức mở cửa trở lại, nụ cười đã trở lại trên môi nhà nông và doanh nghiệp. Báo cáo thống kê quý I của Tổng cục Thống kê cho biết, nền kinh tế cả nước khởi sắc trở lại với hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng, góp phần đưa GDP cả nước tăng 5,03% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 10,94%, công nghiệp và xây dựng chiếm 37,97%, dịch vụ chiếm 41,7% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,39%.

Giá xăng dầu ở mức cao đã bào mòn lợi nhuận của nghề khai thác biển. Ảnh: TÍCH CHU

Có thể nói, sự phục hồi của nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm thật sự mang đến tín hiệu khởi sắc, lạc quan cho nền kinh tế cả nước. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức và cả rủi ro cũng dần lộ diện ngay từ những ngày cuối tháng 2 khi diễn ra xung đột giữa Nga và Ukraina. Từ đây, giá cả một số hàng hóa cơ bản như: xăng dầu, sắt thép, phân bón… cũng bắt đầu tăng cao, kéo theo chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hóa tăng, đẩy giá thành sản xuất lên cao gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân vốn đã khó khăn sau 2 năm đại dịch nay càng thêm khó. Không nói đâu xa, ngay trong vụ lúa Đông - Xuân vừa qua dù mang tiếng là trúng mùa, được giá, nhưng nhìn chung lợi nhuận của nông dân không cao, do hầu hết chi phí sản xuất như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch… đều đã tăng mạnh.

“Chi phí đã bào mòn lợi nhuận” là câu nói cửa miệng của doanh nghiệp sau khi kết thúc năm 2021 đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đơn cử như ngành tôm, năm 2021, dù đạt kim ngạch xuất khẩu 3,9 tỉ USD, nhưng mức lợi nhuận gần như không đáng kể, thậm chí có không ít doanh nghiệp bị thua lỗ. Giám đốc một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm thường trực trong top 10 cả nước từng chia sẻ với người viết rằng, ngay cả doanh nghiệp của ông còn phải chịu lỗ thì không nhiều doanh nghiệp ngành tôm có lãi. Nguyên nhân chủ yếu theo ông là do chi phí sản xuất tăng quá cao, nhất là chi phí logistics và chi phí phòng, chống dịch. Mới đây, khi giá xăng tăng gần chạm mức 30.000 đồng/lít khi trao đổi với người viết, vị này cho biết, không khéo năm nay sẽ còn khó hơn vì giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo hàng loạt chi phí sẽ tăng theo, trong khi giá bán đến giờ này vẫn chưa thể xác định liệu có tăng tương ứng hay không.

Khó khăn và rủi ro ở hiện tại lẫn thời gian tới khiến doanh nghiệp trở nên thận trọng hơn trước khi đặt bút ký kết hợp đồng với đối tác, bởi nếu đánh giá không sát tình hình rất dễ bị thất bại. Đối với nông dân và doanh nghiệp ngành lúa gạo, dù chi phí sản xuất, vận chuyển thời gian tới sẽ còn tăng nhưng nỗi lo có phần giảm đi nhờ giá tiêu thụ được dự báo vẫn tăng do thế giới khan hiếm lương thực. Riêng đối với ngành tôm, cán cân cung cầu thế giới đến thời điểm này vẫn chưa thể nói trước được điều gì nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp vẫn tự tin vào lợi thế cạnh tranh của mình, nhất là ở phân khúc thị trường cao cấp. Đối với ngành hàng cá tra, dù giá cá trong nước và xuất khẩu từ đầu năm đến nay khá tốt, nhưng cả doanh nghiệp và người nuôi vẫn hết sức thận trọng khi cho rằng: “Vui chút thôi, chứ đừng vui quá vì chưa biết từ nay đến cuối năm ra sao nữa”.

Việc tăng giá hàng hóa cơ bản không chỉ tác động đến sản xuất, kinh doanh mà còn tác động làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa tiêu dùng do thu nhập của người dân không theo kịp đà tăng giá này. Thực tế cho thấy, khi giá hàng hóa cơ bản tăng kéo theo giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng thì sức tiêu dùng sẽ giảm do người tiêu dùng buộc phải cắt giảm một phần chi tiêu cho các nhu cầu không thiết yếu, ảnh hưởng đến sức mua và sự phục hồi của nền kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát trong năm nay vẫn trong tầm kiểm soát. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 mới tăng 1,42%, trong khi lạm phát cơ bản mới ở mức 0,68%. Với cầu tiêu dùng vẫn còn yếu như hiện nay, lạm phát cơ bản nhiều khả năng sẽ ở mức thấp cho đến hết năm nay. Các gói hỗ trợ đi kèm cơ chế, chính sách phục hồi kinh tế, kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã và đang được thực thi giúp cho người sản xuất, kinh doanh vơi bớt nỗi lo, có thêm điều kiện và sự tự tin cần thiết để vượt qua khó khăn.

Theo Báo Sóc Trăng