Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Sóc Trăng trên 4.500 tỷ đồng, kết quả đã giải ngân được trên 3.821,7 tỷ đồng, đạt 84,91% kế hoạch đã giao. Tỷ lệ giải ngân nêu trên tuy chưa đạt như mong muốn, song đây cũng là kết quả nỗ lực của các cấp, các ngành cùng chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng trong lần kiểm tra tiến độ thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Ảnh: QUANG BÌNH
Là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, đồng chí Trần Văn Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung phấn khởi cho biết, đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, huyện Cù Lao Dung được bố trí tổng nguồn vốn đầu tư trên 146,6 tỷ đồng (trong đó có trên 37,9 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2021 được cấp trên cho phép kéo dài sang năm 2022 để tiếp tục thực hiện và giải ngân). Như đã biết, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của huyện Cù Lao Dung đạt kết quả tương đối tốt (tỷ lệ giải ngân của huyện đạt xấp xỉ 99% kế hoạch, nếu không tính nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì tỷ lệ giải ngân đạt 99,24% kế hoạch). Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là phát động phong trào thi đua giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh; sự quan tâm, hỗ trợ về chuyên môn của các sở, ngành tỉnh và sự chung tay, nỗ lực của cả hệ thống chính trị huyện…
Cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt kết quả cao, đồng chí Huỳnh Đức - Chủ tịch UBND huyện Long Phú thông tin, tổng các nguồn vốn huy động để đầu tư trong năm 2022 trên địa bàn huyện Long Phú trên 223,9 tỷ đồng. Ngay sau khi có các nguồn vốn, huyện tập trung triển khai và bố trí hết các nguồn vốn; đồng thời, chỉ đạo các ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư phải chủ động triển khai thực hiện dự án đã được phân bổ đúng theo tiến độ, đảm bảo trình tự, thủ tục để khởi công đúng theo kế hoạch đã đề ra. Kết quả, huyện đã giải ngân đạt 98,55% so với kế hoạch vốn (sau khi trừ vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, huyện đạt 99,81%).
“Đạt được kết quả nêu trên cũng nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp hướng dẫn về chuyên môn của các sở, ngành tỉnh. Bên cạnh đó, còn nhờ vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Huyện ủy, UBND huyện, trực tiếp là đồng chí Bí thư Huyện ủy chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, xem công tác đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm nên tập trung chỉ đạo UBND huyện, các ngành chuyên môn và các đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư nên công tác đầu tư công đạt được kết quả tích cực, tiến độ giải ngân đạt so với cam kết; chất lượng công trình xây dựng được đảm bảo, không gây nợ công trong đầu tư công; các dự án được đầu tư đều phát huy hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng kế hoạch” - đồng chí Huỳnh Đức cho biết thêm.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2022, hầu hết các đơn vị đều có nhiều cố gắng, nỗ lực. Lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị thường xuyên quan tâm, theo dõi sát sao và kịp thời chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, tại một số đơn vị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, chưa quan tâm sâu sát nên chưa có biện pháp chỉ đạo kịp thời, dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp, việc phối hợp thực hiện thủ tục triển khai dự án của một số đơn vị còn chưa chặt chẽ dẫn đến thời gian thực hiện thủ tục chậm, không kịp giải ngân, đặc biệt là liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Phát huy kết quả đạt được, về công tác giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023, đồng chí Trần Văn Lâu chỉ đạo, các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải xác định nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên phải tập trung quyết liệt, phấn đấu giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao. Căn cứ lộ trình đã cam kết, khẩn trương ban hành kế hoạch chi tiết, có giải pháp thực hiện cho từng dự án, đảm bảo tỷ lệ giải ngân tối thiểu đạt theo cam kết; phải phân công cụ thể lãnh đạo trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc giải ngân từng dự án; cương quyết xử lý đối với nhà thầu hạn chế về năng lực, vi phạm hợp đồng theo đúng quy định. Năm 2023, chủ yếu triển khai các dự án chuyển tiếp, do vậy phải duy trì tổ công tác cấp huyện, tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường, tổ chức họp giao ban hàng tuần để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập, chủ động có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND tỉnh định hướng, đối với các dự án được bố trí vốn hoàn thành trong năm 2023 thì phải tập trung hoàn thành các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh quyết toán vốn cho nhà thầu. Đối với các dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2023 phải tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghiệm thu thanh toán ngay khi đủ điều kiện để nâng tỷ lệ giải ngân ngay từ đầu năm, không dồn vào dịp cuối quý, cuối năm. Đối với các dự án khởi công mới thì khẩn trương lập hồ sơ thiết kế - dự toán; hoàn thành lựa chọn nhà thầu để sớm triển khai thi công. Định kỳ hàng tháng, quý và cả năm báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân theo quy định gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng UBND tỉnh. Riêng trong năm 2023, Ban Quản lý Dự án 1, Ban Quản lý Dự án 2 được giao vốn rất lớn cho nên phải chủ động phối hợp với sở, ngành, địa phương có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Các sở, ngành có liên quan phải phát huy vai trò của đơn vị để có hướng dẫn, phối hợp với các chủ đầu tư. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố đề cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về triển khai và kết quả thực hiện các nội dung chỉ đạo nêu trên trong phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Theo Báo Sóc Trăng