Sóc Trăng: Nuôi ếch thương phẩm sạch đạt hạng 3 sao OCOP

17/08/2023 - 09:52

Mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất của gia đình, chị Nguyễn Thị Nam Phương, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã phát triển mô hình nuôi ếch Thái từ năm 2012 cho đến nay. Qua nhiều năm nuôi ếch thương phẩm sạch thành công, đem lại nguồn thu nhập tốt, chị Nam Phương đã mạnh dạn đầu tư các loại máy móc, trang thiết bị để chế biến ếch, đóng gói xuất bán trên thị trường. Từ sản phẩm này, chị Nam Phương đăng ký dự thi và đã đạt hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh vào năm 2021.

Chị Nguyễn Thị Nam Phương, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) giới thiệu sản phẩm ếch làm sẵn đóng gói.

Chị Phương chia sẻ, trước khi chính thức đầu tư vào nuôi ếch Thái, chị đã có thời gian nuôi thử nghiệm ếch 3 năm, với số lượng tầm 1.000 - 2.000 con ếch thương phẩm/năm. Sở dĩ chị chỉ thử mà không bắt tay làm ngay là muốn đánh giá ếch nuôi tại địa phương có phù hợp không và thăm dò thị hiếu của người tiêu dùng đối với ếch Thái.

Khi thấy được ếch Thái có tiềm năng phát triển, năm 2012, chị Nam Phương tiến hành đào ao nuôi ếch, diện tích ngang 3m, dài 28m để thả nuôi số lượng 30.000 - 40.000 con ếch thương phẩm/đợt. Ếch thương phẩm nuôi tầm 4 tháng là có thể xuất bán. Trung bình 1 năm, chị Nam Phương thả nuôi 100.000 con ếch thương phẩm, cung ứng ra thị trường quanh năm, bình quân xuất bán 1 lần/tháng, tổng sản lượng 12 tấn/năm; trừ chi phí lợi nhuận thu về hàng chục triệu đồng/năm.

Để giảm chi phí mua con giống, chị Nam Phương nuôi ếch sinh sản. Do có sẵn nguồn ếch giống nên tỷ lệ ếch nuôi thành công cao, vì được ương dưỡng qua từng giai đoạn tăng trưởng của con giống, đến khi ếch đủ độ lớn mới thả vào ao nuôi. Cùng với đó, tận dụng thức ăn dư thừa của ếch, chị Nam Phương đã thả cá tra vào trong ao nuôi ếch và cá tra được thu hoạch 1 lần/năm, sản lượng từ 5 - 7 tấn, thu về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.

Trong quá trình nuôi ếch thương phẩm, nhận thấy nhu cầu của khách hàng về ếch làm sẵn tăng nên chị Nam Phương đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua các loại máy móc, trang thiết bị cần thiết để chế biến ếch sạch. Ếch sau khi làm sạch được đóng gói, hút chân không, dán nhãn mác và cung cấp đến người tiêu dùng. Bình quân hàng tháng, chị xuất bán tầm 300 - 500kg. Từ sản phẩm ếch làm sẵn đóng gói, đạt đủ các tiêu chuẩn chất lượng do ngành chuyên môn thẩm định, chị Nam Phương đã đưa sản phẩm tham gia Hội thi đánh giá xếp hạng sao OCOP và đã được xếp hạng sản phẩm ếch Phương Phi đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2021.

“Mô hình nuôi ếch Thái giống và thương phẩm được chị Nguyễn Thị Nam Phương triển khai thực hiện khá bài bản, quy mô, theo quy trình sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiệu quả của mô hình này chính là việc mang lại sản phẩm có giá trị cao; đồng thời, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng. Để phát huy mô hình nuôi ếch sạch tại hộ chị Nam Phương, đơn vị sẽ tuyên truyền và nhân rộng mô hình đến hộ dân nuôi ếch trên địa bàn tỉnh”, đồng chí Liễu Nghĩa Tín - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng thông tin.

Theo THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)