Đầu tháng 10, khi các doanh nghiệp ngành tôm bước vào giai đoạn tăng tốc để hoàn thành đơn hàng trong năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Lúc này, tuy sản lượng tôm trong dân không còn nhiều nhưng nhờ có nguồn hàng dự trữ giai đoạn giãn cách xã hội nên nhìn chung các doanh nghiệp đều có đủ nguyên liệu phục vụ chế biến. Do vậy, dù không bao lâu sau, dịch COVID-19 bùng phát trở lại nhưng doanh số xuất khẩu tôm tháng 10 của toàn khu vực vẫn tăng so với 2 tháng trước. Tại Sóc Trăng, các doanh nghiệp tôm lớn như: Sao Ta, Stapimex, Vinacleanfood, Tài Kim Anh, Khánh Sủng… đều ghi nhận có doanh số xuất khẩu tăng và hoạt động khá ổn định.
Chế biến xuất khẩu tôm của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) vẫn tăng trong tháng 11 và hiện công ty đang thực hiện hợp đồng cuối năm tập trung chủ yếu cho thị trường Nhật. Ảnh: TÍCH CHU
Tuy nhiên, sự phấn khởi của doanh nghiệp kéo dài không lâu khi bước sang tháng 11, dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát mạnh trên phạm vi toàn khu vực khiến các tỉnh đồng loạt nâng cấp phòng, chống dịch. Từ đây, hoạt động của các doanh nghiệp cũng ngày một khó khăn hơn khi cùng lúc vừa phải lo tầm soát dịch vừa phải lo đẩy mạnh sản xuất. Dù đã cố gắng xây chắc thành trì phòng, chống dịch nhưng vẫn không thể ngăn cản nổi mầm bệnh len vào doanh nghiệp. Lo toan đè nặng lên doanh nghiệp không chỉ ở chi phí xét nghiệm hàng ngày mà còn đến từ việc số lao động cứ ngày một thưa dần theo đà gia tăng số ca mắc COVID-19 trong tỉnh.
Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) cho biết: “Hiện tại cả 2 nhà máy của Vinacleanfood chỉ còn lại khoảng 50% lao động, nên mấy ngày nay công ty không thu mua tôm thêm mà chỉ xuất kho dự trữ để sản xuất. Dù vậy, chi phí cho việc xét nghiệm mỗi ngày cũng rất lớn và chưa biết khi nào mới chấm dứt”.
Theo các doanh nghiệp, gần đây, hầu như mỗi ngày, qua tầm soát đều phát hiện có trường hợp nghi nhiễm khiến doanh nghiệp thêm âu lo và người lao động thêm căng thẳng.
Dù số lao động đã giảm mạnh, nguồn nguyên liệu cũng giảm nên với số lao động còn lại vẫn đảm bảo cho doanh nghiệp giữ được nhịp độ sản xuất và đáng mừng hơn là sản lượng chế biến vẫn tăng so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp cho biết, doanh số tiêu thụ tháng 11 vẫn đạt khá cao và có thể hoàn tất kế hoạch trước 3 tuần. Còn theo ông Phục, dù đã tạm ngưng thu mua mấy ngày nay nhưng với lượng tôm dự trữ trước đó vẫn đủ cho số lao động còn lại hoạt động. Riêng về kế hoạch năm, ông Phục cho biết thêm: “Các đơn hàng cũ trong năm đã được Vinacleanfood hoàn thành nên hiện tại chúng tôi chỉ tập trung thực hiện các hợp đồng mới. Hiện công ty phấn đấu đạt doanh số trên 3.000 tỉ đồng khi kết thúc năm 2021, còn lợi nhuận thì chưa thể nói trước vì chi phí năm nay là rất lớn, kể cả nguyên liệu vật tư đầu vào, cước vận tải biển, phòng, chống dịch…”.
Mấy ngày nay, giá tôm trên thị trường đột ngột giảm trở lại, dù lượng tôm cung ứng là rất thấp. Giải thích điều này, theo ông Phục một phần là do các nhà máy có tôm dự trữ, một phần do lao động giảm nên buộc phải giảm thu mua khiến giá tôm trên thị trường giảm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người viết, giá tôm gần đây giảm còn có nguyên nhân do phần lớn doanh nghiệp đã kết thúc hoặc gần kết thúc hợp đồng trong năm nên áp lực giao hàng không còn lớn như những tháng trước. Và cũng chính từ nguồn tôm nguyên liệu được dự trữ khá lớn trong giai đoạn giãn cách xã hội đã giúp các doanh nghiệp không phải chịu quá nhiều áp lực khi bước vào giai đoạn tăng tốc. Như trường hợp của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, trong tháng 11 đầy khó khăn vẫn nỗ lực chế biến được 2.360 tấn tôm đông lạnh thành phẩm, bằng 122% so cùng kỳ năm trước và sản lượng tôm tiêu thụ 1.697 tấn, bằng 107% so cùng kỳ năm trước. Với những diễn biến trên, phần lớn các doanh nghiệp đều cho biết khả năng hoàn thành kế hoạch doanh số xuất khẩu năm 2021 là rất cao, thậm chí có thể vượt 1 - 2 con số.
Tại Cà Mau, dù tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng theo ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex), tình hình sản xuất vẫn khả quan và doanh số xuất khẩu đến cuối năm khả năng sẽ cao hơn so với năm ngoái. Hiện Cà Mau mỗi ngày đều có vài trăm ca nhiễm COVID-19, còn riêng các doanh nghiệp vẫn có phát hiện ca nhiễm. Ông Sơn chia sẻ: “Mình đã xác định sống chung với COVID-19 rồi nên chuyện có ca nhiễm cũng trở nên bình thường hơn trước... Nói chung là phải tầm soát thường xuyên để phát hiện, cách ly, khoanh vùng khu vực sớm để đảm bảo an toàn cho sản xuất. Nói thật chứ bây giờ yếu tố an toàn được các doanh nghiệp xem trọng hơn cả mục tiêu hoàn thành kế hoạch năm nữa. Riêng Camimex chúng tôi dù vẫn rất khó khăn nhưng khả năng vẫn sẽ có doanh số xuất khẩu từ bằng đến cao hơn năm ngoái”.
Con đường tăng tốc của các doanh nghiệp ngành tôm đang gặp phải không ít cản ngại, khó khăn chưa biết bao giờ mới dừng lại nhưng nhìn chung tất cả đều rất nỗ lực để vượt qua và chắc chắn họ sẽ vượt qua để kịp về đích đúng theo kế hoạch.
Theo TÍCH CHU (Báo Sóc Trăng)