Bà Lê Thị Diền vẫn có thu nhập ổn định từ nghề gói bánh ít, bánh tét
Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm các loại bánh quê như: Da lợn, bánh kẹp, xôi bắp, xôi nếp,...bà Nguyễn Thị Thanh Tân, ngụ khu phố Tân Bình, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An trải lòng: “Con gái nhà quê thời chúng tôi đều phải biết làm bánh, thậm chí còn phải khéo tay. Riêng tôi thì 11 tuổi đã thành thạo nhiều loại bánh quê. Nhờ mấy loại bánh quê này mà gia đình tôi có cuộc sống ổn định. Bình thường tôi làm bỏ mối cho các tiểu thương ở chợ Tân Trụ, còn dư thì ngồi bán chút xíu là hết, còn gia đình nào có đám tiệc phải đặt trước vài ngày. Hồi trước làm các loại bánh như xôi nếp, da lợn,... vất vả lắm! Còn bây giờ nguyên liệu có sẵn, chỉ cần tỉ mỉ và bí quyết riêng thì bánh cũng rất ngon”.
Trong nhịp sống đô thị hóa, nhiều loại bánh bắt đầu ra đời, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Thế nhưng không vì lẽ đó, chiếc bánh quê lại mất đi chỗ đứng trên thị trường. Chị Trần Thị Lan (quê Đồng Tháp) nói: “Sinh ra và lớn lên ở miền Tây, thuở nhỏ tôi cũng có nhiều ký ức đẹp về những chiếc bánh dân giã, quê hương. Tôi nhớ, ngày còn thơ, tôi thường trông ngóng mẹ đi chợ về để được cho cái bánh kẹp, bánh cam hay bánh bò. Hôm nào không có chiếc bánh quê ấy, tôi cảm thấy rất buồn. Đến TP.Tân An lập nghiệp gần 15 năm nhưng mỗi khi đi chợ tôi đều tìm mua những chiếc bánh quê, với mong muốn tìm lại ký ức tuổi thơ”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tân, ngụ khu phố Tân Bình, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ có 3 đời gắn bó với chiếc bánh quê truyền thống
Không biết tự bao giờ, mỗi khi nhà có đám tiệc hay dịp Tết Cổ truyền của dân tộc thì bánh ít, bánh tét lại có mặt trên mâm cổ của gia đình và bàn thờ tổ tiên. Và điều này đã trở thành truyền thống, phong tục của người dân miền Tây bao đời nay. Bà Nguyễn Thị Út, ngụ ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, bộc bạch: “Đám giỗ ông bà, tổ tiên, gia đình tôi đều gói bánh tét để cúng, đãi khách và gửi tặng người thân. Đám giỗ mà không có bánh tét là không được, vì đây là truyền thống của ông bà ta từ trước đến nay”.
Ngày nay, nhịp sống hối hả, nhiều người bị cuống vào guồng quay của công việc, không có thời gian làm bánh ít, bánh tét cúng ông bà, tổ tiên nhân các dịp lễ, tết, đám giỗ. Và để phục vụ nhu cầu này, nhiều người đã có thu nhập ổn định từ nghề truyền thống; đồng thời, góp phần giữ gìn văn hóa xưa của cộng đồng, dân tộc.
Bà Lê Thị Diền (tiểu thương chợ phường 2, TP.Tân An) cho biết: “Bánh tét giá 20.000 đồng/đòn, bánh ít 4.000 đồng/cái. Thông thường, mỗi ngày, tôi bán gần 100 đòn bánh tét, hơn 200 cái bánh ít, sau khi trừ chi phí còn lời trên 150.000 đồng. Riêng dịp Tết Nguyên đán, khách hàng tăng gấp 10 lần nên phải thuê người làm thêm. Có thể nói, dù thị trường có nhiều loại bánh khác nhau nhưng tôi vẫn sống được với nghề gói bánh ít, bánh tét”.
Những chiếc bánh dân dã, bình dị nhưng gói trọn những yêu thương, nét văn hóa của người miền Tây. Với những ý nghĩa trên, chiếc bánh quê cứ âm thầm tồn tại và có sức sống mạnh mẽ theo thời gian. Bởi, chiếc bánh quê khá dễ mua từ chợ quê đến chợ phố và chứa đựng cả một vùng trời ký ức tuổi thơ./.
Theo LÊ NGỌC (Báo Long An)