Tân Hải ngày mới

30/03/2023 - 09:29

Sau gần 8 năm đạt chuẩn xã NTM, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, luôn nỗ lực giữ vững và nâng chất các tiêu chí, nhất là sau rà soát theo bộ tiêu chí mới, phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2025.

Nỗ lực cho tiêu chí khó

Qua rà soát theo bộ tiêu chí mới, hiện Tân Hải có 5 tiêu chí bị hụt chuẩn, gồm: giao thông; thông tin và truyền thông; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; y tế; môi trường.

Tân Hải đang đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông.

Môi trường là một trong những tiêu chí dễ đạt nhưng lại rất khó giữ vững. Nguyên nhân là toàn xã hiện có 2.347/2.357 hộ sử dụng nước từ giếng khoan, chưa đảm bảo sạch theo quy định. Các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản chưa đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường về hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn nguy hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật và xử lý nước thải sinh hoạt.

Ông Trịnh Trí Công, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: “Toàn xã có trên 80 hộ nuôi tôm theo hình thức công nghiệp với hơn 88 ha. Còn nhiều hộ chưa thực hiện nghiêm quy định về xả thải làm ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, đối với bao bì thuốc bảo vệ thực vật, trước đây người dân mang đi đốt, nhưng theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì cách xử lý này chưa đúng quy định vì phần bạt bên trong không xử lý được; theo quy định, phải thu gom cho nhà máy xử lý. Vấn đề này ngoài khả năng của xã”.

Ðể nâng chất và giữ chuẩn tiêu chí môi trường, xã đã đầu tư nâng cấp bãi chôn lấp, xử lý rác thải tại khu tái định cư và đầu tư các trang thiết bị hỗ trợ thu gom rác. Thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ dân làm hầm biogas, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, làm hố xử lý rác thải gia đình, dọn dẹp xung quanh nhà ở, đảm bảo vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp. Vận động người dân sử dụng hình thức hoả táng thay hình thức chôn cất truyền thống.

Triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo, xã thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và cho các hộ dân ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, buôn bán sản phẩm rõ nguồn gốc. Ðồng thời, kiểm tra các cơ sở nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đảm bảo các điều kiện về môi trường theo quy định.

Ðồng thuận xoá nghèo

Ấp Ðầu Sấu là một trong những ấp đi đầu của Tân Hải trong việc xoá trắng hộ nghèo, cùng với xã tiến lên xây dựng NTM nâng cao.

Ông Trương Minh Tuân, Trưởng ấp, cho biết: “Ðời sống người dân trên địa bàn ấp chủ yếu là nuôi thuỷ sản. Ấp có 303 hộ, trong đó có 30 hộ không có đất sản xuất, có số đi làm ăn xa nhưng cũng có người bám trụ lại quê hương để phát triển kinh tế. Dù không có đất nhưng thu nhập bình quân của những lao động này không dưới 300 ngàn đồng/người/ngày. Chỉ có những người lười lao động mới nghèo và không có cái ăn thôi”.

Trên địa bàn ấp có rất nhiều hộ kinh doanh vừa và nhỏ, gớp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Tuân lại tuyên bố “chắc nịch” như vậy, bởi trên địa bàn có 1 cơ sở sản xuất nước đá lớn, 1 đại lý bán thức ăn nuôi thuỷ sản cần rất nhiều nhân công. Ðồng thời, “có rất nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp nên rất cần nhân công chăm sóc đầm tôm. Có người một mình canh tận 2 đầm tôm, mỗi tháng khoảng 8-9 triệu đồng/đầm, mức này cũng gọi là thu nhập "khủng" đối với lao động ở nông thôn. Không cần phải đi đâu làm ăn xa, tại quê nhà nếu cần cù, chịu khó thì có thể vươn lên thoát được nghèo, tránh cảnh tha phương cầu thực”, anh Tuân chia sẻ.

Chính vì người dân chí thú làm ăn nên toàn ấp Ðầu Sấu hiện chỉ còn 2 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo. Ông Tuân cho biết, đã có kế hoạch cho 2 hộ nghèo này thoát nghèo trong năm nay. Trong đó, 1 hộ có con làm ăn xa, thu nhập ổn định và nhận được trợ cấp xã hội hàng tháng nên đủ điều kiện thoát nghèo.

Những mô hình nhỏ lẻ góp phần cùng với địa phương tăng trưởng kinh tế. Hiện mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 65 triệu đồng/ người/ năm, đạt tiêu chí thu nhập của NTM nâng cao.

Còn hộ chị Lý Kim Ngân (41 tuổi) vốn thuộc diện hộ nghèo “bền vững” nhưng giờ chị cũng mong muốn được trả lại sổ hộ nghèo. Chị Ngân bộc bạch: “Trước đây hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn lắm, một mình phải nuôi con mọn, thêm mẹ già nay yếu mai đau, nuôi thêm 3 cháu nhỏ (em của chị Ngân đi làm ăn xa gửi con lại nhờ chị Ngân nuôi dưỡng - PV). Giờ các con, cháu đã lớn, biết làm kinh tế, có thu nhập, tôi cũng còn làm được nên xin trả lại sổ hộ nghèo để dành phần cho Nhà nước hỗ trợ người khó khăn hơn tôi”.

“Con và cháu chị Ngân giờ đi lao động tại Bình Dương có thu nhập ổn định, chị Ngân hành nghề vác cát, đá thuê, thu nhập từ 150-200 ngàn đồng/ngày. Ấp cũng xét cho chị vào khu tái định cư Cái Cám để chị cất lại căn nhà, có chỗ ở ổn định trong năm 2023 này”, ông Trương Minh Tuân cho biết.

Chủ tịch UBND xã, ông Trịnh Trí Công phấn khởi: "Thoát nghèo không khó, nhưng đòi hỏi hộ nghèo có quyết tâm thoát nghèo hay không. Những hộ có ý chí vươn lên thoát nghèo để giảm bớt gánh nặng cho địa phương như chị Ngân là rất đáng hoan nghênh. Chính những người có ý thức vươn lên trong cuộc sống đã góp phần đưa Tân Hải từ xã khó khăn vươn lên về đích NTM và còn hứa hẹn tiến xa hơn nữa trong tương lai"./.

Theo KIM CƯƠNG- LÊ TUẤN (Báo Cà Mau)