Tập trung hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

31/05/2023 - 14:26

Chiều 30/5, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chủ trì cuộc họp về việc hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đơn vị tư vấn, lãnh đạo các sở, ngành đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan để có cơ sở hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh báo cáo Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

A A

Đại biểu trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh (Ảnh: T.N)

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nội dung quy hoạch tỉnh Đồng Tháp đã nhận được 30/31 ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với đơn vị liên danh tư vấn và các cơ quan liên quan đã nghiêm túc rà soát, nghiên cứu các ý kiến góp ý; đã tiếp thu những ý kiến liên quan đến các nhóm vấn đề chính và điều chỉnh, bổ sung vào báo cáo quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo hướng chỉ phê duyệt những nội dung quan trọng, các định hướng mang tính chất khung cần phải có trong quyết định; đối với các nội dung khác sẽ được tỉnh cụ thể hóa sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh đã thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hội đồng Nhân dân tỉnh, Hội đồng thẩm định quy hoạch... nên đơn vị tư vấn, các ngành liên quan cần bám sát các ý kiến đóng góp của các cơ quan để điều chỉnh từng nội dung cho phù hợp, đảm bảo tính khoa học. Các đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện các nội dung, có giải trình cụ thể từng vấn đề trình UBND tỉnh, hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh xem xét. Trong đó, chú ý quy hoạch phát triển đô thị, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại... đảm bảo đúng định hướng, có tầm nhìn để tỉnh đề ra lộ trình thực hiện.

Được biết, quy hoạch tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh là một trong những trung tâm sản xuất và chế biến nông sản quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); thu hẹp khoảng cách phát triển và tạo ra lợi thế cạnh trạnh mới thông qua các giá trị gia tăng chủ đạo trong tương lai: nông nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, công nghiệp dược, công nghiệp kỹ thuật cao. Trong đó, phát triển công nghiệp chế biến rau củ quả, công nghiệp vật liệu xây dựng, phát triển năng lượng tái tạo là các mũi đột phá, giúp Đồng Tháp trở thành một trọng điểm trong các chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp bền vững. Các chỉ số phát triển kinh tế chủ yếu xếp trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu của vùng ĐBSCL, đạt trên mức trung bình của cả nước; xếp trong nhóm dẫn đầu vùng ĐBSCL về chuyển đổi số và một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế. Hạ tầng giao thông nội tỉnh kết nối thông suốt, hình thành các trục giao thông kết nối liên vùng; kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển toàn diện thuộc nhóm tiên tiến cả nước; bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo TN (Báo Đồng Tháp)