Tỉnh hiện có hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Ảnh: P. Thảo
Ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh
Trong giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh phát triển thêm gần 8.800ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ toàn tỉnh là trên 20.400ha; trong đó, diện tích đạt chứng nhận 13.000ha. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã bình tuyển và công nhận trên 9.700 cây dừa mẹ, cấp 6 mã số vùng trồng nội địa cho dừa với diện tích gần 530ha trên địa bàn các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Thạnh Phú và TP. Bến Tre.
Ngành công nghiệp chế biến dừa ở tỉnh dần được hoàn thiện và phát triển nhanh, khá chắc chắn và phong phú về mặt hàng. Công nghiệp chế biến dừa đã tiêu thụ 85,74% tổng lượng dừa thu hoạch trên địa bàn tỉnh và chiếm tỷ trọng khá lớn so với ngành công nghiệp chế biến, được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Toàn tỉnh có khoảng 180 doanh nghiệp, chiếm 26% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tỉnh và gần 2.400 cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa như: các sản phẩm từ vỏ dừa (chỉ xơ dừa, mụn dừa, các sản phẩm sau chỉ…); nhóm sản phẩm từ gáo dừa (than hoạt tính, than thiêu kết, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa…); nhóm sản phẩm từ cơm dừa (cơm dừa sơ chế, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, kẹo dừa, các loại mỹ phẩm từ dừa...); nhóm sản phẩm từ nước dừa (thạch dừa, nước dừa đóng hộp…). Mỗi năm, các doanh nghiệp tỉnh sản xuất gần 50 ngàn tấn cơm dừa nạo sấy; hàng 100 triệu lít nước cốt dừa; 40 triệu lít nước dừa đóng lon; 30 ngàn tấn chỉ xơ dừa; 12 ngàn tấn than hoạt tính… qua đó giúp giải quyết việc làm khoảng 10 ngàn lao động.
Năm 2023, ngành sản xuất chế biến dừa chiếm 9,57% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh và có kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa chiếm gần 27,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tỉnh kỳ vọng ngành dừa sẽ mang lại nguồn thu cho tỉnh đạt 1 tỷ USD/năm vào năm 2025. Thị trường xuất khẩu sản phẩm dừa được mở rộng, góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu. Cơ cấu thị trường có sự chuyển dịch từ một số nước là thị trường trung gian ở châu Á như: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore sang thị trường trực tiếp EU, Bắc Mỹ có nhiều tiềm năng.
Xuất khẩu sang hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, hiện diện tích dừa của tỉnh hơn 79.000ha, lớn nhất cả nước. Tỉnh được mệnh danh là “Xứ sở dừa Việt Nam” giúp địa phương thu về hơn 400 triệu USD mỗi năm. Trong quá trình phát triển, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện để phát huy lợi thế, tiềm năng của cây dừa, một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh cũng luôn chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến dừa gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế. Nhờ tích cực đầu tư đổi mới công nghệ nên chất lượng các sản phẩm chế biến từ dừa của tỉnh không ngừng được nâng lên. Tỉnh hiện có hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, như: cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, dầu dừa.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến sản xuất các dòng sản phẩm tinh dầu dừa phục vụ phân khúc thị trường cao cấp. Các sản phẩm kẹo dừa và sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất tự động khép kín thay cho cách làm thủ công truyền thống. Gỗ dừa cũng được khai thác, xuất khẩu và trở thành nhóm sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Tính đến nay, các sản phẩm từ dừa của tỉnh đã xuất khẩu sang hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tiếp tục được các doanh nghiệp giữ vững và mở rộng.
Theo HUYỀN THU (Báo Đồng Khởi)