Theo dòng Sông Ðốc

10/05/2023 - 09:11

Sông Ðốc hay sông Ông Ðốc (còn có tên Khoa Giang) được đặt theo tên vị Ðô đốc thuỷ binh Nguyễn Văn Vàng thời nhà Nguyễn. Con sông này bắt nguồn từ dòng Sông Trẹm tại khu vực ngã ba sông Cái Tàu, đổ ra biển Tây (vịnh Thái Lan), có chiều dài 58 km.

A A

Phần lớn dòng sông Ông Ðốc chảy qua địa phận huyện Trần Văn Thời và một phần của 2 huyện: U Minh, Thới Bình; cung cấp nguồn nước dồi dào cho các dòng sông, kênh rạch.

Dọc dài hữu ngạn con sông này có rất nhiều địa danh như: Khánh An, Khánh Bình, Khánh Bình Ðông, Rạch Ráng, Khánh Lộc, Khánh Hưng, Khánh Hải… với khá nhiều kênh, rạch lớn nhỏ như: rạch Cái Tàu, kênh Minh Hà, Kênh Ranh, Kênh Hội, Rạch Cui, Rạch Lùm… Tả ngạn gắn với những địa danh nổi tiếng như: ngã ba Tắc Thủ, Rạch Giếng, Lợi An, Phong Lạc, Phong Ðiền, tạo nên khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp.

Nơi khởi đầu con sông Ông Ðốc ngày nay đang phát triển mạnh mẽ. Tả ngạn là Khu Công nghiệp Bến Gỗ (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) đang hình thành; hữu ngạn là Khu Công nghiệp trọng điểm Khánh An (xã Khánh An, huyện U Minh) sôi động bậc nhất Cà Mau.

Ðôi bờ Sông Ðốc xưa kia là rừng rú hoang sơ, động thực vật vô cùng phong phú. Con sông này được thiên nhiên ưu đãi nên có vẻ đẹp hữu tình của rừng tràm U Minh nơi đầu nguồn và rừng ngập mặn, với các loài đước, mắm… Ðặc biệt là cây dừa nước dọc hai bên bờ chạy dài thẳng tắp bao la đến tận nơi cuối nguồn, thuộc biển Tây Cà Mau.

Cầu dây văng Rạch Ráng là 1 trong 2 cây cầu nối đôi bờ sông Ông Đốc đầu tiên (sau cầu Tắc Thủ) và sẽ có cây cầu thứ 3 bắc qua con sông này ngay tại trung tâm thị trấn Sông Đốc, giúp người dân lưu thông dễ dàng.

Qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, ngày nay, khung cảnh khu vực sông Ông Ðốc đã thay đổi rất nhiều, do người dân khai phá lập làng, lập ấp. Dọc theo đôi bờ sông có nhiều trụ sở cơ quan hành chính cấp xã, huyện, thị trấn được hình thành; nhiều khu dân cư, chợ, khu công nghiệp mọc lên như: Khu Công nghiệp Khánh An (xã Khánh An, huyện U Minh), Khu Công nhiệp Bến Gỗ (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình)… Ðặc biệt là thị trấn biển Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) với nhiều tàu thuyền khai thác, nhà máy, xí nghiệp chế biến thuỷ hải sản sôi động.

Nhộn nhịp tàu thuyền trên sông Ông Ðốc.

Không chỉ phát triển kinh tế biển, Sông Ðốc cũng là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu là Lễ hội Nghinh Ông vào ngày Rằm tháng Hai âm lịch, thu hút hàng ngàn du khách.

Cầu mới đang xây dựng nối đôi bờ Bắc - Nam thị trấn Sông Ðốc.

Cuối dòng sông Ông Ðốc là biển Tây Cà Mau, thuộc vịnh Thái Lan.

Theo HUỲNH LÂM (Báo Cà Mau)