Tăng cả về lượng khách và doanh thu
Du khách được trải nghiệm các hoạt động tại nông trại xanh Riverside Garden ở Bến Tre. Ảnh: Chương Đài/TTXVN
Nửa đầu năm 2023, tại nhiều địa phương có thế mạnh phát triển du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long, các hoạt động văn hóa, du lịch diễn ra khá sôi động với nhiều sự kiện lễ hội, liên hoan, điểm đến nổi bật thu hút du khách.
Thông tin từ Cục Thống kê Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 2023, thành phố trung tâm của vùng có nhiều hoạt động văn hóa, du lịch nổi bật như: Liên hoan thuật đờn ca tài tử, lễ hội bánh dân gian, lễ hội Kỳ yên Thượng Điền đình Bình Thủy, lễ hội khinh khí cầu, các điểm du lịch sinh thái, miệt vườn tiếp tục được khai thác hiệu quả, góp phần đưa mức doanh thu từ hoạt động du lịch lữ hành của toàn thành phố đạt 159,74 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Tỉnh An Giang có lợi thế nhiều tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp điển hình là Rừng tràm Trà Sư, khu du lịch núi Sập với núi non hùng vĩ, khung cảnh thanh bình, khu du lịch sinh thái Mỹ Luông, chợ nổi Long Xuyên, nhiều điểm đến là các di tích, lễ hội như lễ hội bà chúa xứ núi Am, hội đua bò Bảy Núi khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, di tích lịch sử đồi Tức Dụp, nhà mồ Ba Chúc… Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đón khoảng 6 triệu lượt khách, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023.
Tương tự, du lịch các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau cũng ghi nhận tín hiệu vui về phát triển du lịch. Trong 6 tháng đầu năm, du lịch Bạc Liêu đón 2,76 triệu lượt du khách, tăng trên 40% so cùng kỳ năm 2022, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 2.440 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Cà Mau, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là một trong những điểm đến nổi bật của địa phương cực Nam trên đất liền Tổ quốc với khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước, nơi tiếp giáp với biển Đông và biển Tây, là bãi đẻ của nhiều loài thủy hải sản, điểm dừng chân của nhiều loài chim nước di cư trú đông, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm độc đáo.
Du khách đến đây có thể ngắm mặt trời mọc và lặn tại cùng một vị trí, tham quan Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau, chụp hình lưu niệm tại Cột Mốc tọa độ GPS 0001, tham quan bờ kè chắn sóng, Đền thờ Lạc Long Quân, Tượng Mẹ, trải nghiệm những tuyến du lịch xuyên rừng đước xanh bạt ngàn, hòa mình với thiên nhiên trong lành. Sáu tháng đầu năm, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau ghi nhận mức doanh thu tăng 30% so cùng kỳ năm 2022, thời điểm đông du khách như dịp nghỉ lễ, Tết, Vườn đón tới 4.000 - 6.000 du khách/ngày.
Làm mới sản phẩm, tạo thêm trải nghiệm
Du khách tham qua Khu du lịch Chợ Nổi Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN
Đạt nhiều kết quả tích cực trong thu hút du khách, ngành Du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang nỗ lực làm mới, bổ sung sản phẩm trên cơ sở lợi thế các điểm đến gắn với miệt vườn xanh mát, sông nước hiền hòa, tăng trải nghiệm để thu hút du khách trong mùa du lịch hè.
Thành phố Cần Thơ tiếp tục có nhiều sự kiện gắn với lợi thế sông nước, miệt vườn. Tiêu biểu như vào dịp cuối tháng 6, lễ hội Vườn trái cây Tân Lộc diễn ra tại quận Thốt Nốt với các hoạt động giới thiệu đặc sản, các loại trái cây từ cù lao xanh Tân Lộc, hội thi cây cảnh, thi làm bánh xèo, hát đờn ca tài tử. Từ ngày 7 - 9/7, tại quận Cái Răng dự kiến diễn ra Ngày hội du lịch văn hóa Chợ nổi Cái Răng năm 2023 với chủ đề “Bảo tồn và phát triển văn hóa Chợ nổi Cái Răng” với nhiều hoạt động đậm bản sắc văn hóa vùng sông nước như hội thi Nét đẹp áo bà ba xưa và nay, trưng bày mô hình ghe, tàu, cây bẹo mua bán nông sản tại chợ nổi, hội thi đàn hát dân ca, giải đua thuyền rồng, biểu diễn đờn ca tài tử trên sông…
Theo Sở Du lịch Kiên Giang, bổ sung, làm mới sản phẩm, đảm bảo môi trường du lịch văn minh để thu hút du khách, mùa du lịch hè năm nay tại nhiều địa phương trong tỉnh như Phú Quốc, Hà Tiên, các doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành, lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch, trải nghiệm hấp dẫn đến du khách. Điểm đến Phú Quốc, từ đầu tháng 6 đến hết tháng 7 có chuỗi sự kiện xuyên ngày đêm tại Grand World Phú Quốc với các hoạt động biểu diễn âm nhạc sôi động từ các ban nhạc đường phố, trình diễn xiếc, ảo thuật, giới thiệu các món ẩm thực đường phố của các châu lục…
Thành phố biển Hà Tiên ở phía Tây Bắc tỉnh Kiên Giang cũng có nhiều hoạt động thu hút du khách trong dịp hè như Lễ hội truyền thống kỷ niệm lần thứ 288 ngày mất Đức Khai trấn Mạc Cửu - người đã có công khai phá, mở mang vùng đất Hà Tiên sẽ diễn ra từ ngày 10 - 13/7. Trong khuôn khổ lễ hội, phần lễ sẽ có lễ dâng hương tưởng niệm, nghinh thần, tế thần… Phần hội diễn ra nhiều hoạt động như: thi đấu kéo co, bóng chuyền nữ trên bãi biển, đua xe đạp thành phố Hà Tiên mở rộng cùng nhiều trò chơi dân gian tại bãi biển Mũi Nai và thắng cảnh núi Đá Dựng.
Bên cạnh đó, vừa qua, điểm hỗ trợ thông tin và trưng bày sản phẩm đặc sản với tên gọi “Văn phòng Hello Hà Tiên” được khai trương ngay tại Bến tàu du lịch Đông Hồ (thành phố Hà Tiên), tạo thuận lợi du khách trong tìm hiểu các thông tin liên quan đến các điểm tham quan, du lịch, các tour, tuyến kết nối từ Hà Tiên, mua sắm các đặc sản từ thành phố biển.
Từ xứ Dừa Bến Tre, ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch và truyền thông C2T cho biết: Liên tục làm mới sản phẩm, đưa những hành trình tour với các trải nghiệm đậm nét văn hóa bản địa là “bí quyết” để du khách dù đến Bến Tre nhiều lần vẫn cảm nhận được điều mới lạ sau mỗi hành trình tour.
Hiện nay, doanh nghiệp này có nhiều chương trình mang tính trải nghiệm khung cảnh đồng quê, sông nước như tour du lịch gắn với ẩm thực Plant-based (thức ăn tập trung vào các loại thực phẩm từ thực vật). Tham gia tour này, du khách được hướng dẫn vào ruộng, vườn thu hoạch trái cây, hoa chuối, hái rau lang, rau càng cua, tham gia chế biến và thưởng thức các món ăn thuần thực vật trong ánh đèn dầu gợi nhớ một thời tuổi thơ nơi làng quê và trải nghiệm đêm trên sông Hàm Luông…, mang đến sự bất ngờ, thú vị cho rất nhiều du khách.
Theo THANH TRÀ (TTXVN)