Tiền Giang: Chiến thắng Giồng Dứa làm chấn động dư luận trong và ngoài nước

24/04/2023 - 16:15

Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, trận đánh Giồng Dứa đã làm chấn động dư luận trong và ngoài nước thời bấy giờ. Ngày nay, Di tích lịch sử Chiến thắng Giồng Dứa là một trong 4 di tích cấp Quốc gia của TỈNH TIỀN GIANG, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng công nhận vào năm 2003.

A A

THƯỢNG TƯỚNG TRẦN VĂN TRÀ CHỈ HUY TRỰC TIẾP TRẬN GIỒNG DỨA

Đồng chí Trần Văn Trà được sinh ra ở làng Châu Sa, nay thuộc xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí gắn liền với mảnh đất Nam bộ. Đồng chí rất xứng đáng được tôn vinh là “Vị tướng của Thành đồng Tổ quốc”.

Hằng năm, vào ngày 25-4, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã đều tổ chức các đoàn đến đặt tràng hoa, dâng hương tại Tượng đài Chiến thắng Giồng Dứa.

Sau ngày Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 được ký kết, đồng chí Trần Văn Trà được giao nhiệm vụ về miền Trung Nam bộ để củng cố lại Khu 8 lúc này đang có nhiều khó khăn. Tháng 3-1946, khi tình hình miền Đông tương đối ổn định, đồng chí Trần Văn Trà tình nguyện về Đồng Tháp Mười xây dựng lại cơ quan Khu bộ Khu 8 và các tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến ở các tỉnh miền Trung Nam Bộ; tháng 4-1946, thành lập Chi đội 14 Tân An (tương đương trung đoàn), do đồng chí Trần Văn Trà trực tiếp làm Chi đội trưởng; bắt đầu xây dựng căn cứ địa Đồng Tháp Mười. Tháng 9-1946, đồng chí Trần Văn Trà được chỉ định làm Khu trưởng Khu 8. Tháng 11-1946, đồng chí tham dự Hội nghị Xứ ủy Nam bộ mở rộng tại chiến khu Đồng Tháp Mười, được cử làm Xứ ủy viên. Nhận rõ tình hình thực tế trình độ kỹ thuật, chiến thuật của lực lượng vũ trang ta còn yếu, vũ khí còn nghèo nàn, đồng chí Trần Văn Trà tổ chức Trường Quân sự đầu tiên của Khu 8 để huấn luyện bộ đội. Về tác chiến, đồng chí chủ trương và chỉ đạo nhằm chỗ yếu của địch mà đánh, tước vũ khí của địch để trang bị cho mình. Đồng chí đã trực tiếp chỉ huy trận Giồng Dứa phục kích địch trên đường số 4. Đây là trận đầu thắng lớn của quân và dân Khu 8.

Cùng với việc xây dựng và rèn luyện lực lượng vũ trang, đồng chí Trần Văn Trà còn tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ, khuyến khích phát triển các hoạt động báo chí, tuyên truyền, nhiếp ảnh nhằm ghi lại và phổ biến những hình ảnh khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong công cuộc kháng chiến. Mùa hè năm 1948, đồng chí Trần Văn Trà làm Trưởng đoàn đại biểu quân dân chính Nam bộ hành quân ra Việt Bắc báo cáo tình hình với Bác Hồ và Trung ương. Trước ngày trở về, Bác Hồ đưa một thanh gươm rất đẹp và nói với đồng chí Trưởng đoàn: “Bác trao chú thanh gươm quý này đưa về để đồng bào Nam bộ diệt thù. Chú báo cáo với đồng bào rằng lòng Bác, lòng Đảng lúc nào cũng bên cạnh đồng bào. Chúng ta đồng lòng vì nước, nhất định chúng ta thắng”.

Nắm được quy luật của địch vào ngày 25 hằng tháng từ Sài Gòn tổ chức đoàn “công-voa” theo lộ 4 tiếp tế cho các tỉnh miền Tây Nam bộ, Bộ Chỉ huy Chiến khu 8 quyết định tổ chức đánh tiêu diệt đoàn “công-voa” vào ngày 25-3-1947, nhưng do chuẩn bị chiến trường chưa kịp nên đến ngày 25-4 mới thực hiện.

Trận địa phục kích đánh giao thông được tổ chức tại Giồng Dứa, làng Tam Hiệp (nay là ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành) dài 10 km, từ ngã ba Trung Lương đến cầu Long Định, cách TX. Mỹ Tho 10 km về hướng Tây Bắc. Lực lượng tham gia trận đánh gồm một bộ phận quân và dân tỉnh Mỹ Tho, học viên khóa 2 Trường Quân chính Khu 8 (được tổ chức thành Đại đội xung phong) phối hợp cùng Chi đội 17, được trang bị 1 trọng liên 12,7 ly, 4 đại liên 7,7 ly, súng trường, tiểu liên và 3 quả mìn, phục kích chủ yếu phía Bắc lộ.

Nắm chắc được quy luật của địch và nắm rõ đoàn xe quan trọng của Chính phủ bù nhìn Lê Văn Hoạch từ Sài Gòn đi miền Tây nên Khu tổ chức và do Khu trưởng Trần Văn Trà, Tham mưu trưởng Nguyễn Văn Quạn và Chi đội trưởng Phan Đình Lân chỉ huy trực tiếp trận đánh. Để chặn viện, đồng chí Trần Văn Trà cho Đại đội 2 (Chi đội 17) bố trí tại ấp Trung, xã Long Định chặn địch từ quận Cai Lậy xuống, do đồng chí Nguyễn Văn Quạn, Tham mưu trưởng Khu 8 trực tiếp chỉ huy. Đại đội 3 (Chi đội 17) tăng cường 1 trung đội dân quân Mỹ Tho do đồng chí Phan Đình Lân, Chi đội trưởng Chi đội 17 trực tiếp chỉ huy, chặn viện từ Trung Lương lên. Đặc biệt, trong trận này có anh nông dân tự nguyện đi theo để thổi tù và làm hiệu lệnh cho bộ đội xung phong.

10 giờ ngày 25-4, đoàn xe của Chính phủ Lê Văn Hoạch đi chung đoàn “công voa” quân sự từ Sài Gòn xuống miền Tây. Chiếc xe jeep đi đầu chở tên Trocard vừa đến khúc quanh thì gặp một chiến sĩ ta giả nông dân đẩy chiếc xe bò chở đầy đá ra giữa lộ để cản đầu xe lại. Cùng lúc, tiếng tù và thổi lên, lập tức toàn trận địa nổ súng xung phong. Bị đánh quá bất ngờ, nhưng địch vẫn chống trả quyết liệt. Sức tấn công dũng mãnh của ta đè bẹp sức kháng cự của địch. Sau 10 phút nổ súng, ta đã diệt gọn đoàn xe 14 chiếc và đánh lui lực lượng chi viện từ Mỹ Tho, thu toàn bộ chiến lợi phẩm tiếp tế cho miền Tây của địch.
Sau trận Giồng Dứa, Chính phủ Pháp ra lệnh để quốc tang 7 ngày những chiến binh tử trận và tăng cường sử dụng xe cơ giới đi hộ tống những chuyến chuyên chở hàng của chúng về sau.

XÃ NÔNG THÔN MỚI LONG ĐỊNH NGÀY NAY

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Châu Thành, hằng năm vào ngày 25-4, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã đều tổ chức các đoàn đến đặt tràng hoa, dâng hương tại Tượng đài Chiến thắng Giồng Dứa. Đây là hoạt động nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, tinh thần bất khuất, kiên cường, sức mạnh quật khởi, khí phách dũng cảm của Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang nói chung, Đảng bộ và nhân dân huyện Châu Thành, xã Long Định nói riêng trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Với truyền thống cách mạng là xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Định đã vượt qua nhiều gian khổ, khó khăn đã liên tục phát triển góp phần ổn định chính trị, kinh tế, xã hội, xóa khó giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Từ năm 2017, xã Long Định chính thức bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), mang lại diện mạo mới cho quê hương giàu truyền thống cách mạng.

Với nỗ lực của toàn Đảng bộ và sự đồng lòng của người dân, Long Định đã về đích xã NTM. Vào ngày 11-1-2022, UBND huyện Châu Thành tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang công nhận xã Long Định đạt chuẩn NTM, là xã thứ 18/22 xã của huyện Châu Thành được công nhận đạt chuẩn NTM.

Theo HỒNG LÊ (Báo Ấp Bắc)