Tiền Giang: Cơ hội lớn cho xuất khẩu tổ yến

02/10/2023 - 14:41

Nghề nuôi chim yến ở Tiền Giang phát triển mạnh trong những năm qua. Để tạo đầu ra ổn định và thúc đẩy nghề nuôi chim yến phát triển bền vững, bên cạnh quy hoạch vùng nuôi, việc đẩy mạnh xuất khẩu tổ yến đang là hướng đi cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Việc Trung Quốc đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang thị trường có sức tiêu thụ lớn này mở ra một cơ hội mới cho nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG

Sau 5 năm đàm phán, Trung Quốc đã chính thức đồng ý để tổ yến Việt Nam nhập khẩu chính ngạch vào thị trường nước này. Theo đó, nhà nuôi chim yến, doanh nghiệp chế biến tổ yến, doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng 16 quy định về: Bao bì, nhãn mác, kiểm dịch, kiểm tra giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang Trịnh Công Minh, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tổ yến lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 80%.

Hằng năm, thị trường này nhập khẩu tổ yến khoảng 2.000 tấn. Sản lượng tổ yến của Tiền Giang cung cấp ra thị trường hằng năm khoảng 19 tấn, cả nước là hơn 200 tấn.

Tiềm năng tiêu thụ tổ yến của thị trường Trung Quốc rất lớn. Do đó, nếu tỉnh quản lý tốt và có chiến lược xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc tốt thì đây là thị trường rất có tiềm năng, sẽ là đầu ra chủ yếu đối với tổ yến của Việt Nam.

Do đó, Tiền Giang đang kiến nghị Trung ương sớm ban hành hướng dẫn đăng ký và cấp mã số nhà nuôi chim yến; ban hành quy trình chung/sổ tay hướng dẫn thực hiện xuất khẩu tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc; quy định về xử phạt đối với việc xây dựng nhà nuôi chim yến không thuộc vùng nuôi chim yến; quy định về các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật liên quan trong hoạt động sản xuất, nuôi chim yến; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác giữa Tiền Giang với các tỉnh, thành trong cả nước về phát triển nuôi chim yến đạt chuẩn hướng đến xuất khẩu.

Cùng với thị trường trong nước, cơ hội mở cửa xuất khẩu đối với tổ yến hiện đang rộng mở. Tuy nhiên, việc tận dụng cơ hội đối với kinh doanh tổ yến hiện nay cũng cần có những chiến lược bài bản hơn. Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi, để hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm tổ yến, ngành Công thương cũng đã hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tiếp cận các kênh phân phối trong nước; đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

“Vừa qua, Sở Công thương đã làm việc với các đơn vị cung ứng dịch vụ thương mại điện tử như: Tiki, Alibaba, Shopper… để gặp gỡ các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP, đặc sản của tỉnh nhằm giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử này. Sở Công thương sẽ ngồi lại với các doanh nghiệp cung cấp tổ yến để thông tin muốn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử phải đáp ứng những tiêu chí gì để từng bước thay đổi. Bởi nếu chúng ta làm theo cách truyền thống sẽ thua thiệt các doanh nghiệp khác”- đồng chí Lưu Văn Phi cho biết.

Cũng theo đồng chí Lưu Văn Phi, ngành Công thương đã tham mưu với UBND tỉnh làm việc với các tỉnh, thành, Hiệp hội và doanh nghiệp của Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng đang đề nghị Tiền Giang đẩy nhanh việc giới thiệu tổ yến sang thị trường nước này.

Đây là thị trường rất lớn và ưa thích tổ yến nên vấn đề còn lại là việc đưa sản phẩm qua bên đó đúng kênh tiêu thụ. Đồng chí Lưu Văn Phi thông tin thêm: “Ở Trung Quốc có những doanh nghiệp rất lớn, có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước. Nếu như chúng ta làm việc được với các doanh nghiệp này thì tiêu thụ tổ yến sẽ rất thuận lợi trong thời gian tới. Để làm được điều này, các cơ sở nuôi chim yến của tỉnh phải chuẩn bị được nguồn nhân lực; phải xây dựng lộ trình, tuyển nhân viên thạo ngoại ngữ, tin cậy; bản thân các doanh nghiệp cũng phải không ngừng tìm hiểu học hỏi.

Để xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc, các cơ sở nuôi chim yến chưa đủ điều kiện xuất khẩu phải tham gia chuỗi liên kết để cung ứng cho một đơn vị đủ điều kiện; đồng thời, phải thực hiện theo tiêu chí nước ngoài yêu cầu thông qua doanh nghiệp đủ điều kiện. Các cơ sở phải tự nâng cấp, đầu tư, thay đổi, không thể “tự đi một mình”; phải kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu để cung ứng sản phẩm”.

HÃY TẬN DỤNG CƠ HỘI

Cơ hội lớn đang mở ra khi tổ yến được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Trước cơ hội thị trường Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch, các cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh cũng mong muốn các ngành, các cấp có định hướng quy hoạch đất và hợp thức hóa nhà nuôi chim yến để nông dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp cũng như có thể cấp được chủ quyền nhà nuôi chim yến; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn yến nhập lậu không rõ nguồn gốc tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Được biết, hiện chỉ có 4 nước được xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc là Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Đặc biệt, tổ yến Việt Nam đang được đánh giá cao tại thị trường Trung Quốc. Đây là cơ hội rất lớn để tổ yến Việt Nam vươn tầm thế giới, khẳng định chất lượng so với tổ yến của các nước khác trong khu vực.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang (Sở NN-PTNT), nhà nuôi chim yến ở Tiền Giang được phát triển từ năm 2005. Đến nay, toàn tỉnh có 1.720 nhà nuôi chim yến, ước tính sản lượng tổ yến khoảng 19 tấn/năm; trong đó, có hơn 61% nhà nuôi chim yến tập trung tại vùng kinh tế - đô thị phía Đông. Thị trường tiêu thụ yến sào của Tiền Giang chủ yếu là trong nước.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở NN&PTNT, Tiền Giang có điều kiện tự nhiên không thuận lợi lắm để phát triển ngành hàng nuôi chim yến. Tuy nhiên, với sự năng động, sáng tạo của người nuôi chim yến, đến nay số nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đứng thứ 3 trong cả nước, sau tỉnh Kiên Giang và Bình Định.

Hiện nay, khó khăn trong phát triển nghề nuôi chim yến là chưa được công nhận tài sản gắn liền với đất; chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong xây dựng và vận hành nhà nuôi chim yến.

Việc quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm tổ yến còn nhiều bất cập; chưa phát huy được chuỗi liên kết chế biến tiêu thụ sản phẩm yến sào; chưa có quy định về xử phạt đối với việc xây dựng mới nhà nuôi chim yến tại khu vực không thuộc vùng nuôi chim yến; chưa có hướng dẫn về đăng ký mã số nhà nuôi chim yến.

Hiện nay, bên cạnh việc có số lượng nhà nuôi chim yến nhiều thứ 3 cả nước, bước đầu Tiền Giang cũng hình thành khoảng 20 cơ sở sơ chế tổ yến. Trong đó, nổi bật nhất là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trí Sơn. Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trí Sơn sơ chế yến sào bằng công nghệ kết hợp phương pháp thủ công truyền thống theo dây chuyền hiện đại, được kiểm soát nghiêm ngặt bởi tiêu chuẩn HACCP, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2018. Hiện nay, công ty có 100 dòng sản phẩm; trong đó, có 21 dòng sản phẩm yến đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh.

Doanh nghiệp đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để tham gia xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc theo Nghị định thư. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho việc phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh. Ông Bùi Băng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trí Sơn cho biết, doanh nghiệp đã triển khai kế hoạch xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc.

Với sự hỗ trợ từ chính quyền tỉnh, cũng như Chi cục Thú y vùng 6, thủ tục xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc đang dần được hoàn thiện. Để đảm bảo được sản lượng đáp ứng cho các đơn hàng lớn, công ty sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật nhà nuôi chim yến đạt chuẩn xuất khẩu và đứng ra thu mua tổ yến từ các hộ nông dân tại địa phương thuộc chuỗi liên kết nhà nuôi chim yến của công ty.

Cũng theo ông Bùi Băng Sơn, hiện nay, doanh nghiệp đã xây dựng được hệ thống trang trại nhà nuôi chim yến trên 40 nhà với diện tích gần 30.000 m2, cung cấp nguồn nguyên liệu đạt chất lượng cao và ổn định.

Công ty thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ đầu vào nguyên liệu đến thành phẩm cuối cùng, phát huy tối đa các lợi thế giúp nhà nuôi chim yến đạt hiệu quả cao nhất, mang sản phẩm tổ yến chất lượng đến với khách hàng. Trong đó, thiết bị nhà nuôi chim yến mà công ty đang cung cấp cũng đóng vai trò quan trọng quyết định đến hiệu quả của nhà nuôi chim yến.

Yến sào Trí Sơn sẽ cùng hợp tác, liên kết chặt chẽ với các hộ có nhà nuôi chim yến, kể cả trong quá trình xây dựng, duy trì và phát triển nhà nuôi chim yến, thu hoạch tổ yến đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, giúp kết nối nông nghiệp địa phương theo hướng bền vững theo phương châm “Muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.

Theo ANH THƯ - ANH PHƯƠNG (Báo Ấp Bắc)