Tiền Giang - Nơi đến của nhiều điểm du lịch

08/02/2023 - 16:09

Tại thời điểm bị bắt, cả 3 xe mô tô chở hàng cấm mang biển số tỉnh Đồng Tháp đang trên đò ngang qua sông hướng về An Giang nhưng không ai đến thừa nhận là chủ sở hữu.

A A

LÀNG CỔ ĐÔNG HÒA HIỆP: ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN CỦA DU KHÁCH QUỐC TẾ

Huyện Cái Bè có lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch rất lớn do việc kết hợp 3 thế mạnh chính: Chợ nổi, ngành nghề thủ công và di sản kiến trúc lịch sử, văn hóa (Làng cổ Đông Hòa Hiệp). Cảnh quan thiên nhiên phong phú với diện tích vườn cây ăn trái khá lớn; trong đó, có nhiều loại trái cây nổi tiếng tạo nên sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Khi nói đến nhà cổ Tiền Giang, không ít người nghĩ ngay đến vùng đất Cái Bè, nơi còn lưu lại khá nhiều ngôi nhà lớn, cổ kính, được xây dựng từ trước năm 1945. Chỉ riêng xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè có khoảng 10 ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo, đặc sắc. Hiện những ngôi nhà cổ này được xem như là tài sản vô giá của gia đình nói riêng và của địa phương nói chung. Mỗi ngôi nhà cổ là dấu ấn của nhiều giai đoạn lịch sử, góp phần tô đẹp thêm cho nền văn hóa bản địa.


Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, điểm nhấn của du lịch huyện Tân Phước. Ảnh: Lập Đức

Vào những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, có đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm không gian nhà cổ ở Làng cổ Đông Hòa Hiệp và các điểm du lịch sinh thái ở cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy). Theo thống kê của Bến tàu Du lịch Cái Bè, từ ngày 26 tháng Chạp năm 2022, đến mùng 3 Tết Quý Mão 2023, tổng đoàn khách du lịch đến tham quan qua bến tàu là 202 đoàn, với 1.272 khách du lịch; trong đó có 92 đoàn khách nước ngoài, với 1.167 du khách. Theo chủ Điểm du lịch nhà cổ Ba Đức (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè), những ngày tết, nhà cổ đón trung bình khoảng 200 khách/ngày. Lượng khách đến với nhà cổ năm nay tăng gấp đôi so với năm ngoái và chủ yếu là khách nước ngoài.

THIỀN VIỆN TRÚC LÂM CHÁNH GIÁC - VỀ VỚI DU LỊCH TÂM LINH

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác là ngôi chùa được xây dựng năm 2012 theo mô hình truyền thống của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử, tọa lạc tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước. Trong toàn thể kiến trúc tại Thiền viện là 4 Thánh tích (hay còn gọi là Tứ động tâm) được xây dựng theo tỷ lệ 6/10 với Thánh tích nguyên mẫu bên Ấn Độ và Nepal.

Thiền viện có 2 khu vực biệt lập là nội viện và ngoại viện. Trong đó, khu ngoại viện bao gồm nhiều hạng mục: Chánh điện, Tổ đường, Thiền đường, Giảng đường, Thư viện, Nhà trưng bày, Lầu chuông,… với tổng diện tích hơn 47.000 m2. Trong đó, Chánh điện của Thiền viện có sức chứa lên đến hơn 3.000 người. 4 Thánh tích được phục dựng tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác gồm: Vườn Lâm Tì Ni - nơi Phật đản sinh; Bồ Đề Đạo Tràng - nơi Phật thành đạo; vườn Lộc Uyển - nơi Phật chuyển pháp luân và Câu Thi Na - nơi Phật nhập diệt.

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, sau gần 2 năm hạn chế, thậm chí có lúc phải tạm ngưng đón khách do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng khách đến viếng chùa, lễ Phật tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác tăng cao. Chỉ tính từ sáng mùng 1 đến mùng 6 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, có hơn 80.000 lượt khách từ khắp mọi miền đất nước đến viếng, dâng hương lễ Phật và tham quan tại đây.

CÙ LAO THỚI SƠN - ĐIỂM NHẤN DU LỊCH SINH THÁI

Cù lao Thới Sơn (xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho) với lợi thế sông nước miệt vườn, cảnh quan thiên nhiên trù phú đã được người dân địa phương tập trung khai thác để phát triển du lịch. Thới Sơn đã trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng trong nước và kể cả quốc tế.

Du lịch sinh thái tại xã Tân Phong, huyện Cai Lậy thu hút nhiều du khách quốc tế. Ảnh: V.N.Phú

Với đặc trưng sông nước hữu tình, du lịch Thới Sơn đã trở thành điểm đến hấp dẫn. Có thể nói, cù lao Thới Sơn là nơi đầu tiên phát triển cái gọi là văn minh miệt vườn, một thương hiệu về du lịch sinh thái nổi tiếng đối với du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, Khu du lịch Thới Sơn chiếm khoảng 50% lượng khách du lịch đến Tiền Giang và được Chính phủ phê duyệt quy hoạch là 1 trong 4 khu du lịch cấp Quốc gia của Đồng bằng sông Cửu Long. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động đậm chất miền Tây sông nước như: Đi đò chèo, nghe đờn ca tài tử, tham quan vườn trái cây, uống trà mật ong, thưởng thức nhiều loại trái cây…

LĂNG HOÀNG GIA, NHÀ ĐỐC PHỦ HẢI - ĐỊA CHỈ KHÔNG THỂ THIẾU KHI ĐẾN GÒ CÔNG

Nằm ở vị trí trung tâm của các huyện phía Đông, TX. Gò Công là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Hiện tại TX. Gò Công đang quản lý nhiều di tích văn hóa vật thể vô cùng quý giá được bảo tồn, được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia như: Lăng Hoàng Gia (Đền thờ Đức Quốc Công - Thân sinh của Thái hậu Từ Dũ); Lăng mộ và Đền thờ Anh hùng Dân tộc Trương Định; di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Đốc phủ Hải; di tích cấp tỉnh và làng nghề như: Đền thờ Võ Tánh, Đình Trung, Dinh tỉnh Gò Công, Làng nghề Tủ thờ Gò Công...

Hiện ở TX. Gò Công số nhà cổ còn lại khá nhiều, nhưng chỉ có những ngôi nhà thuộc sở hữu nhà nước mới được gìn giữ. Trong đó, nổi tiếng có ngôi nhà của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải (tọa lạc tại phường 1, TX. Gò Công), một di tích kiến trúc độc đáo cuối thế kỷ XIX, có lịch sử hình thành và phát triển khá phong phú. Ngôi nhà tựa như một tiểu cung điện, bởi sự nguy nga của ngôi nhà và sự cầu kỳ, xa hoa của nội thất. Bước vào nhà, nhìn đâu cũng thấy những tác phẩm nghệ thuật chạm khảm tuyệt mỹ và các cổ vật quý giá. Phần bên ngoài ngôi nhà được xây dựng bởi vôi vữa, cổng sắt theo kiểu kiến trúc Pháp như chiếc áo tân thời khoác lên ngôi nhà rường Nam bộ. Nhà Đốc phủ Hải đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1994.

Có lẽ hiếm có nơi nào ở Tiền Giang được nhiều nhà làm phim trong nước, các đài truyền hình quan tâm, chọn bối cảnh để quay phim như Nhà Đốc phủ Hải. Đó là không gian dễ tái hiện lại thời điểm lịch sử, cuộc sống của người dân Nam bộ ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Nhà Đốc phủ Hải không chỉ là nơi thu hút các bậc trí  thức, học giả; cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến cơ sở; học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh đến tham quan, du khảo… còn là nơi lý tưởng cho giới điện ảnh tái hiện lại một giai đoạn lịch sử, cuộc sống người dân vùng Nam bộ.

DU LỊCH BIỂN - MỞ RA NHIỀU LỰA CHỌN CHO DU KHÁCH TRẺ

Tại khu vực biển Gò Công (huyện Gò Công Đông), những ngày tết, có rất đông người dân đến tham quan, du lịch. Đặc biệt, tuyến đê biển Gò Công vẫn là điểm đến “hot” với giới trẻ. Dù có du khách đã nhiều lần đến với biển Gò Công, nhưng đây vẫn là điểm đến thu hút người dân. Ghi nhận tại biển Tân Thành, lượng khách đổ về rất đông để tham quan, ăn uống, trải nghiệm nghề cào nghêu… chủ yếu là khách du lịch trong nước.

Ngược về phía biển của tỉnh Tiền Giang, vườn táo Sáu Hồi của ông Trần Văn Hồi, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông ngày một đông khách. Vườn táo rộng 1 ha, với hơn 300 cây táo; trong đó, có 68 cây táo trên 30 năm.  Được biết, trước đây, gia đình trồng táo chủ yếu bán cho thương lái và khách vãng lai khi đi ngang. Tuy nhiên, số lượng táo lớn quá, đầu ra hạn hẹp, với sự thích thú vườn táo sai trái cùng không khí thoáng mát, nên nhiều khách đến mua ngỏ ý vào vườn tham quan và được tự tay hái ăn. Thấy vậy, nhiều người mách bảo ông Sáu Hồi nên làm du lịch. Nghĩ là làm, ông Sáu Hồi mua giống táo để trồng thêm vào vườn, đào ao dài hơn để du khách bơi xuồng thư giãn, rồi xây dựng nhiều cầu bắc qua ao để chụp hình. Vườn táo được chia thành nhiều khu để thuận tiện cho việc phục vụ khách tham quan và chăm sóc cây táo.

Những ngày đầu mở cửa, vườn táo của ông Sáu Hồi đón từ 60 đến100 lượt khách, còn vào những ngày nghỉ, cuối tuần, lượng khách lên đến hơn 200 người. Sau 3 năm hoạt động, hiện nay, mỗi ngày, vườn táo đón vài trăm khách đến tham quan, vào những dịp lễ tết lên đến gần 1.000 người/ngày. Không chỉ du khách đến từ các xã, huyện lân cận, mà du khách ngoài tỉnh như: Long An, Bến Tre cũng tìm đến. Ở đây, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc trưng của vùng biển Gò Công như: Các loại ốc, nghêu, sò, đặc biệt là cháo gà đất…

Theo LINH THỦY (Báo Ấp Bắc)