Tiền Giang: Sắc xuân trở lại trên các làng nghề

10/01/2022 - 14:30

Xuân đang về, tết sắp đến. Các làng nghề trong tỉnh Tiền Giang đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau một thời gian im ắng do dịch bệnh như mang sắc xuân đến với mọi nhà.

A A

KHỞI ĐỘNG TRỞ LẠI

Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất ở nhiều làng nghề gặp khó khăn. Do các làng nghề phải nhập nguyên liệu từ ngoài tỉnh để sản xuất nên gần như “tê liệt” trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Làng nghề Dệt chiếu Long Định (ấp Mới, xã Long Định, huyện Châu Thành) trong thời điểm bình thường cần khoảng 68 - 75 tấn nguyên liệu/tháng lác để sản xuất. Vì thế, khi thực hiện giãn cách xã hội, làng nghề gặp rất nhiều khó khăn về nguyên liệu sản xuất. Hiện nhiều hộ làm nghề dệt chiếu trong làng nghề đã bắt đầu hoạt động trở lại.


Các hộ sản xuất ở Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành đang tất bật sản xuất để kịp giao bánh cho khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Minh, dệt chiếu trong Làng nghề Dệt chiếu Long Định cho biết: “Sau giãn cách xã hội, nhà tôi chủ yếu dệt chiếu thưa khổ nhỏ vì không có đơn hàng đặt chiếu bông như trước. Mỗi ngày tôi làm được 40 chiếc chiếu thưa bán với giá 80.000 đồng/cặp chiếu. Dù thu nhập không cao như trước, nhưng tôi vẫn cố gắng để “nuôi nghề”, chờ thị trường mạnh trở lại”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Long Định Trần Văn Thuê, hiện làng nghề có 34 hộ dệt chiếu với khoảng 68 lao động. Thời gian qua, bên cạnh khó khăn về nguyên liệu, các hộ còn gặp khó khăn về đầu ra do không có nhiều đơn hàng từ các tiểu thương. Các hộ đã bắt đầu hoạt động trở lại khi có đơn đặt hàng, song vẫn còn một số hộ chưa khôi phục hoạt động.

Theo đồng chí Võ Văn Lập, trong thời gian tới, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh sẽ phối hợp cơ quan liên quan rà soát, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động; hỗ trợ các cơ sở sản xuất xúc tiến thương mại sản phẩm thông qua các hội chợ để quảng bá sản phẩm. Cùng với đó, Chi cục sẽ hỗ trợ các cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để khai thác kênh bán hàng online, tập trung vào website và fanpage, đầu tư quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Dù 33 hộ sản xuất bánh bún - hủ tiếu trong Làng nghề Bánh bún - Hủ tiếu Mỹ Tho (xã Mỹ Phong và phường 9, TP. Mỹ Tho) vẫn duy trì sản xuất trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, nhưng năng suất cũng bị ảnh hưởng. Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho Trần Văn Ngoãn cho biết, các hộ sản xuất trong làng nghề duy trì sản xuất khoảng 60% năng suất so với bình thường do đầu ra bị ảnh hưởng.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có 13 làng nghề đang hoạt động (trong đó có 5 làng nghề truyền thống), tập trung ở 8 huyện, thị, thành. Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, phức tạp đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các làng nghề. Do nguồn cung nguyên liệu hạn chế, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp nên đa số làng nghề giảm quy mô sản xuất.

KỲ VỌNG THỊ TRƯỜNG TẾT

Hiện tại, các làng nghề đang tập trung sản xuất hướng đến thị trường Tết Nguyên đán 2022. Bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, Làng nghề Dệt chiếu Long Định đã tất bật sản xuất chiếu phục vụ tết. Theo các hộ dệt chiếu trong Làng nghề Dệt chiếu Long Định, số lượng đặt hàng chiếu bông năm nay giảm so với mọi năm. Thế nhưng, nhiều khả năng cận tết chiếu sẽ hút hàng hơn.


Làng nghề Dệt chiếu Long Định bắt đầu nhộn nhịp trở lại khi thị trường tết đến gần.

“Từ đầu tháng 11 âm lịch đến nay, gia đình tôi đã nhận đặt vẽ bông cho 10.000 chiếc chiếu. Hy vọng vào cận tết sẽ có nhiều đơn đặt hàng hơn để nhanh chóng khôi phục lại sản xuất như bình thường” - ông Vũ Văn Tiến, một người làm nghề vẽ bông chiếu lâu năm ở Làng nghề Dệt chiếu Long Định cho biết.

Dù ít nhiều bị tác động bởi dịch bệnh, nhưng các mặt hàng thiết yếu ngày tết như bánh tráng vẫn hút hàng. Các hộ dân ở Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành (huyện Cái Bè) đã tất bật làm bánh ngày đêm từ giữa tháng 10 âm lịch, để kịp giao sản phẩm cho khách hàng.

Bà Dương Thị Mai (ấp Hậu Thuận, xã Hậu Thành) cho biết: “Giá bánh tráng trắng (loại dùng để cuốn các món ăn) năm nay chỉ 30.000 đồng/kg, giảm hơn năm ngoái từ 34.000 - 35.000 đồng/kg. Mỗi ngày, tôi cho ra lò 35 - 40 kg bánh tráng thành phẩm, nhưng có lúc không đủ để bán”.

Còn ở Làng nghề Bánh bún - Hủ tiếu TP. Mỹ Tho, theo Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho, các hộ sản xuất trong làng nghề đang chuẩn bị nguyên liệu để sản xuất phục vụ thị trường tết. Dự kiến, làng nghề sẽ sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán khoảng 450 tấn bún; trong đó, hủ tiếu khoảng 150 tấn (5 tấn/ngày), bún khoảng 300 tấn (10 tấn/ngày).

Theo CAO THẮNG (Báo Ấp bắc)