Ngày 7/11, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội thảo Giới thiệu tiềm năng, các điểm điểm đến và giải pháp phát triển du lịch Tiền Giang bền vững, hiệu quả.
Nhiều nhưng vẫn thiếu
Chia sẻ về tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh, ông Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, Tiền Giang là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng khi đang sở hữu 22 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 162 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gắn liền tên tuổi các anh hùng dân tộc, các sự kiện văn hóa lịch sử đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như: Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, di
tích chiến thắng Ấp Bắc, lăng Trương Định, lăng Hoàng Gia, đền thờ Thủ Khoa Huân, chùa Vĩnh Tràng, đình Long Hưng, di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành...
Ngoài ra, Tiền Giang có không khí trong lành, thoáng mát, người dân có lối sống chân chất, nhiệt tình và nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc trưng của người dân vùng sông nước miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng là những điểm để thu hút du khách. Đây là điều kiện khá thuận lợi để tỉnh phát triển du lịch bền vững và hiệu quả trong thời gian qua và trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội thảo.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Đảm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, từ những năm 2000, với lợi thế về khoảng cách và điều kiện giao thông thuận tiện gần TP Hồ Chí Minh nên những điểm du lịch của Tiền Giang như: Mỹ Tho, Cái Bè, cù lao Thới Sơn… đã từng bước là những điểm đến nổi bật và có thương hiệu không thể thiếu đối với khách du lịch quốc tế khi từ TP Hồ Chí Minh đến với các tuyến điểm du lịch vùng ĐBSCL.
Theo đó, lượng khách đến Tiền Giang tăng liên tục với tốc độ bình quân gần 10% hàng năm. Chẳng hạn năm 2015, Tiền Giang đón được 1,5 triệu lượt khách, trong đó có trên 517.198 lượt khách quốc tế. Năm 2016, Tiền Giang đã đón hơn 1,7 triệu lượt khách, trong đó có 662.000 lượt khách quốc tế. Năm 2017 và năm 2018, tỉnh đón trên 2 triệu lượt du khách, trong đó có trên 811.000 lượt khách quốc tế. Hai năm 2019 và năm 2020, lượng khách sụt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đến năm 2022, tỉnh triển khai các giải pháp kích cầu và khôi phục du lịch nên dự kiến sẽ đón khoảng 2,2 triệu lượt khách, trong đó có trên 900.000 khách quốc tế.
Du khách TP Hồ Chí Minh tham quan Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho, Tiền Giang). Đây là một điểm du lịch được tỉnh Tiền Giang đưa vào khai thác thành tour du lịch mới để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Thành Diệu cũng cho biết thêm, mặc dù có lợi thế và nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên hiện nay du lịch Tiền Giang nhìn chung vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như: mức chi tiêu của khách du lịch còn thấp; dịch vụ du lịch chưa đa dạng và phong phú; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng điểm đến chưa cao; các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ở Tiền Giang có qui mô vừa và nhỏ, cơ sở hạ tầng phát triển du lịch chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu phát triển du lịch; việc mời gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn khiêm tốn, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược...
Đồng tình với ông Nguyễn Thành Diệu, Th.S Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho biết, vừa qua tỉnh Tiền Giang có những phát triển mạnh mẽ về du lịch nhưng ngành du lịch tỉnh cũng gặp không ít những khó khăn từ việc làm mới sản phẩm, sản phẩm thích ứng với những xu hướng du lịch mới của du khách, đến việc đầu tư lại hạ tầng kỹ thuật vốn đã bị xuống cấp sau hai năm đại dịch.
"Sắp tới, tỉnh muốn phát triển du lịch bền vững cần chú ý tập trung đến một vấn đề mang tính then chốt trong phát triển du lịch đó là nguồn nhân lực. Nếu có nguồn nhân lực tốt thì chất lượng dịch vụ tốt, sẽ cho ra đời các sản phẩm du lịch tốt, đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư... Vậy để có được nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho ngành, tỉnh cần có những giải pháp căn cơ cho công tác đào tạo, sau đó là cần có chính sách thu hút nhân lực và chính sách giữ chân người lao động ngay tại tỉnh…", ông Phan Bửu Toàn cho biết.
Cần khôi phục văn hóa chợ nổi
Sau khi tham gia khảo sát các sản phẩm du lịch mới của tỉnh Tiền Giang, PGS.TS. Huỳnh Quốc Thắng, Giảng viên cao cấp khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho biết, tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương liên tục có sức thu hút hàng đầu về nguồn du khách, đặc biệt là du khách quốc tế đến với vùng ĐBSCL nói riêng và Nam Bộ nói chung. Vì vậy, để thu hút du khách trở lại, tỉnh cần làm mới các sản phẩm du lịch trên nền tảng bản sắc văn hóa đặc trưng địa phương.
Cảng du thuyền Mỹ Tho là dự án được kỳ vọng sẽ mang đến những điều khác biệt cho du lịch của TP Mỹ Tho nói riêng và du lịch Tiền Giang nói chung trong thời gian tới.
"Dựa vào các khảo sát về tài nguyên du lịch của Tiền Giang cho thấy, tỉnh là địa phương có tính đa dạng sinh thái nhất trong vùng ĐBSCL với cả 3 vùng sinh thái điển hình: vùng ngọt, vùng ngập phèn và vùng ngập mặn cùng đặc trưng nổi bật là địa hình bằng phẳng, hệ thống kênh rạch chằng chịt, sông nước và các cù lao nổi trên sông bên cạnh biển cả, rất thích hợp cho phát triển các sản phẩm du lịch mới gắn với các lợi thế trên như: cảnh quan du lịch sinh thái nông nghiệp nước ngọt dọc sông Tiền; cảnh quan du lịch sinh thái nông nghiệp đất phèn thuộc vùng Đồng Tháp Mười và cảnh quan du lịch sinh thái biển và ven biển tập trung chủ yếu ở khu vực phía đông của tỉnh như thị xã Gò Công và các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông…", ông Huỳnh Quốc Thắng cho biết thêm.
Là doanh nghiệp đầu tư tàu thuyền để phục vụ nhu cầu trải nghiệm và khám phá của du khách quốc tế tại chợ nổi Cái Bè, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du Ngoạn Việt cho biết, muốn hấp dẫn du khách, du lịch Tiền Giang nhất thiết phải làm mới mình nhưng vẫn phải giữ được đặc trưng văn hóa của miền sông nước, trong đó có chợ nổi Cái Bè.
"Tại miền Tây có một số chợ nổi đã từng vang bóng một thời như: chợ ngã bảy Phụng Hiệp, Cái Răng, Cái Bè… Hiện nay, chợ nổi ngã bảy Phụng Hiệp không còn nữa. Chợ Cái Răng hoạt động cầm chừng, không mạnh mẽ như xưa. Riêng chợ nổi Cái Bè của tỉnh Tiền Giang gần như đã chết, chỉ hoạt động nhộn nhịp đôi chút vào những ngày gần Tết Nguyên đán. Việc mất đi chợ nổi Cái Bè là sự thiệt hại quá lớn cho truyền thống văn hóa miền Tây nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Khi mất đi chợ nổi, nghĩa là chúng ta đang làm mai một đặc trưng bản địa, nhạt phai cái đẹp mà cha ông đã tạo ra qua bao thế hệ và có lỗi với tiền nhân lẫn thế hệ tương lai. Do vậy chúng ta cần cùng nhau tìm cách phục hồi, gìn giữ vốn văn hóa độc đáo của tiền nhân thông qua hoạt động chợ nổi", ông Phan Xuân Anh đề nghị.
Đoàn du khách TP Hồ Chí Minh tham quan tại Trại rắn Đồng Tâm, Tiền Giang.
"Để chợ nổi Cái Bè hoạt động sôi nổi trở lại, trước tiên cần sự giúp đỡ của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và Tiền Giang, huyện Cái Bè cùng đứng ra hỗ trợ tiếp thị, có tiếng nói giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương; phối hợp với doanh nghiệp có bán tour về miền Tây, đưa sản phẩm chợ nổi vào chương trình du lịch cho khách; liên kết với doanh nghiệp du lịch tại Cái Bè theo phương án mỗi doanh nghiệp đầu tư một thuyền lớn nhỏ tùy sức, phân công giữa các chủ thuyền trang trí trái cây, củ quả trên thuyền, mỗi tuần mang đồ về dùng và trang trí vật mới…", ông Phan Xuân Anh kiến nghị.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, hiến kế cho sự phát triển du lịch Tiền Giang, ông Nguyễn Thành Diệu cho biết, thông qua hội thảo này, đã có không ít doanh nghiệp, đại biểu, chuyên gia du lịch có nhiều đóng góp thiết thực liên quan đến cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực du lịch; nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch cho tỉnh nhà và tỉnh rất trân trọng các ý kiến đóng góp của các đại biểu.
Sắp tới, tỉnh sẽ có những tổng hợp ý kiến để đưa ra nhiều giải pháp mới và đa dạng hơn nhằm phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới của tỉnh. Mặt khác, tỉnh cũng sẽ khắc phục các hạn chế còn tồn tại, đẩy nhanh các hoạt động kêu gọi thu hút đầu tư vào ngành du lịch, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, hoạt động liên kết du lịch với các tỉnh, thành trên cả nước... từ đó góp phần tạo bước đột phá cho sự phát triển toàn diện ngành du lịch Tiền Giang trong thời gian tới.
Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tiền Giang, hiện tỉnh có 36 cơ sở lưu trú được xếp hạng từ 1 - 3 sao với tổng số 903 phòng, 280 cơ sở lưu trú đủ tiêu chuẩn và hệ thống các điểm homestay ở Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và một số dự án cơ sở lưu trú cao cấp như: Khách sạn Moon River, khu nghỉ dưỡng nhà hàng khách sạn MeKong Paradise…
Tỉnh cũng có các doanh nghiệp và tập thể du lịch cộng đồng địa phương tập trung phát triển mạnh với 560 phương tiện vận chuyển khách du lịch (288 tàu vận chuyển du lịch, 270 đò chèo, 2 canô) và nhiều hệ thống bến thuyền du lịch dọc theo sông Tiền. Đặc biệt, dự án cảng du thuyền Mỹ Tho được đầu tư xây dựng từ năm 2018 đã đưa vào hoạt động năm 2021 với mức vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng có công suất tối đa 4.000 lượt khách/ngày, đáp ứng 10 tàu cao tốc nhận, trả khách cùng thời điểm. Đây là dự án được kỳ vọng sẽ mang đến những điều khác biệt cho du lịch của TP Mỹ Tho nói riêng và du lịch Tiền Giang nói chung trong thời gian tới.
Theo HOÀNG TUYẾT (Báo Tin Tức)