Mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động xuất khẩu của tỉnh trong những tháng đầu năm 2022 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu quý I-2022 ước đạt hơn 837 triệu USD, đạt 25% kế hoạch, tăng gần 12% so cùng kỳ; trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao (tăng hơn 12% so với cùng kỳ) hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng hơn 8%).
Điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp nước ngoài trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu là cá tra phi lê.
Một trong những nguyên nhân xuất khẩu những tháng đầu năm 2022 tăng là dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như kim loại thường khác và sản phẩm (kể cả đồng), dệt may, giày dép, sản phẩm nhựa… và ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, EU…
Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để hưởng ưu đãi thuế, tăng tính cạnh tranh và mở rộng xuất khẩu vào những thị trường mới cũng phần nào giúp kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng so với cùng kỳ.
* Phóng viên (PV): Về cơ cấu ngành hàng xuất khẩu của Tiền Giang có dịch chuyển gì không, thưa đồng chí?
* Đồng chí Đặng Văn Tuấn: Thực tế xuất khẩu vừa qua cho thấy, nhóm hàng công nghiệp tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu của tỉnh, như: Kim loại thường khác và sản phẩm (kể cả đồng) ước đạt hơn 245 triệu USD, tăng hơn 12%; giày ước đạt khoảng 141 triệu USD; may mặc ước đạt 122 triệu USD, tăng hơn 20%; sản phẩm từ chất dẻo ước đạt hơn 81 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ; riêng túi xách ước đạt hơn 43 triệu USD, giảm gần 24%... so với cùng kỳ.
Riêng nhóm hàng nông, thủy sản quý I-2022 ước đạt hơn 60 triệu USD, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Theo đó, xuất khẩu thủy sản đạt 18.307 tấn, với kim ngạch đạt hơn 49 triệu USD, giảm hơn 19% về lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ.
Mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu là cá tra phi lê (chiếm 88%), còn lại là các thủy sản khác như nghêu, sò, mực, ếch, thủy sản đóng hộp, chả cá. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là giá cá tra xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh tăng hơn 18% so với cùng kỳ và tăng đều ở tất cả thị trường.
Dự báo Trung Quốc có thể vẫn giữ vững vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra của tỉnh. Đối với thị trường châu Âu và Anh, hiện giá cước vận chuyển tăng đã làm giá cá tra tăng, do đó xuất khẩu qua thị trường này sẽ khó có đột biến tăng trưởng.
Xuất khẩu gạo đạt 10.319 tấn, với trị giá đạt hơn 7 triệu USD, giảm 7,5% về lượng và giảm gần 11% về trị giá so với cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu trung bình trong quý I-2022 giảm hơn 3,6% so với cùng kỳ năm trước, do giá vận tải cũng như chi phí thuê container rỗng tăng cao, ảnh hưởng đến đối tác, nên doanh nghiệp chủ động giảm giá để chia sẻ khó khăn.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I-2022 thực hiện hơn 508 triệu USD, đạt hơn 26% kế hoạch, giảm hơn 7% so cùng kỳ; trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 96% trên tổng kim ngạch nhập khẩu. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: Vải nguyên liệu chiếm gần 11%; nguyên phụ liệu may, da giày chiếm gần 16%; kim loại thường khác (kể cả nguyên liệu đồng) chiếm hơn 42%; còn lại nguyên vật liệu (thức ăn gia súc, nguyên liệu dược phẩm, hạt nhựa…).
Trong quý I-2022, Trung Quốc là thị trường bền vững, truyền thống, dẫn đầu về nhập khẩu gạo của tỉnh, chiếm hơn 43% trong tổng trị giá xuất khẩu gạo của tỉnh; kế tiếp là thị trường Philippines chiếm hơn 27%; ngoài ra còn xuất qua một số thị trường khác như: Hồng Kông, Malaysia, Hoa Kỳ, các nước châu Phi... Riêng xuất khẩu hàng rau quả đạt 2.000 tấn, với kim ngạch đạt 3,97 triệu USD, giảm hơn 4,6% về lượng nhưng tăng 6% về trị giá.
Xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh, đặc biệt là trái cây đã xuất đi khắp các thị trường Hoa Kỳ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã tạo nên kết quả ấn tượng cho ngành hàng rau quả ngay từ đầu năm.
Ấn Độ hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của tỉnh trong quý I-2022, với kim ngạch ước đạt hơn 157 triệu USD, chiếm gần 19% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và tăng hơn 12% so với cùng kỳ; kế tiếp là thị trường Hoa Kỳ ước đạt gần 120 triệu USD, chiếm hơn 14% và giảm 3,47%; kế đến là các thị trường EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
* PV: Đâu là điểm khó của các ngành hàng xuất khẩu hiện nay?
* Đồng chí Đặng Văn Tuấn: Khó khăn lớn nhất hiện nay mà doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp phải là chi phí vận chuyển tăng cao, áp lực giá xăng dầu làm cho chi phí vận tải đường biển đang neo ở mức cao; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất ở mức cao do ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp…
Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm, như thị trường Trung Quốc, hiện thị trường này đang áp Lệnh 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh 249 “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” đối với doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường này.
Đặc biệt là hàng nông, thủy sản của tỉnh xuất sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, do Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 249 “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” và Lệnh 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài”.
Chưa kể, một số ngành trong nhiều năm là động lực tăng trưởng xuất khẩu như sản phẩm ống đồng, ống thép không gỉ… đang phải đối diện với nhiều khó khăn do nhiều nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới thay vì áp dụng các hàng rào kỹ thuật như áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại...
Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng, xuất khẩu của ta sẽ chịu tác động mạnh.
* PV: Vậy đâu là giải pháp để hỗ trợ xuất khẩu trong thời gian tới?
* Đồng chí Đặng Văn Tuấn: Một trong những giải pháp là tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTAs đã ký kết, đặc biệt là tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp xuất nhập khẩu của tỉnh về quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã có hiệu lực chính thức từ ngày 1-1-2022.
Bên cạnh đó, ngành Công thương tiếp tục theo dõi tình hình và thông báo các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang về việc Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý tại cửa khẩu biên giới nhằm phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu; tổ chức, hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, các sự kiện có quy mô quốc tế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác xuất khẩu.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Theo Báo Ấp Bắc