Nhiều khó khăn do dịch COVID-19
Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu ở huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) tăng cường hoạt động, thu mua lúa xay xát, chế biến xuất khẩu sau dịch COVID-19.
Trong 6 tháng qua, dịch COVID-19 đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp (DN). Theo Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, số đơn vị phải dừng hoạt động là 576 DN và 129 chi nhánh, với số vốn đăng ký kinh doanh 3.281 tỉ đồng. Trong đó, tạm ngưng hoạt động có thời hạn là 359 DN, số vốn đăng ký 2.146,8 tỉ đồng; ngưng hoạt động 187 DN, số vốn 608,8 tỉ đồng; giải thể 45 DN, số vốn 56,3 tỉ đồng; bỏ địa chỉ kinh doanh 114 DN với số vốn đăng ký kinh doanh 469 tỉ đồng.
Ngoài ra, các hộ kinh doanh cá thể cũng bị ảnh hưởng do dịch. Trong tổng số 77.765 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, 68.606 hộ thương mại, dịch vụ; 6.194 hộ sản xuất công nghiệp, xây dựng, 2.965 hộ kinh doanh vận tải… Hầu hết các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể này đều bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch, trong đó, có 47,23% số hộ tạm ngưng hoạt động; 52,77% số hộ bị giảm doanh thu đáng kể. Bên cạnh đó, các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn cắt giảm quy mô sản xuất, tạm dừng hoạt động dẫn đến khoảng 21.700 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.
Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, đơn vị đã tổ chức khảo sát 1.600 DN ứng phó dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Qua đó, kết quả có 73,72% tổng số DN được khảo sát phải đối mặt với khó khăn do tác động của dịch. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do hàng hóa sản xuất không xuất khẩu được, chiếm 66,67%; thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp, chiếm 51,02%; nguồn thu không đủ bù đắp chi phí chiếm 52,46%. Ngoài ra, DN còn gặp phải một số khó khăn khác, như: thiếu hụt nguồn vốn sản xuất, kinh doanh; thiếu nguyên liệu sản xuất (cả trong nước và nhập khẩu); đóng cửa, không thực hiện sản xuất kinh doanh…
Sở KH&ĐT TP Cần Thơ đánh giá, với sự ảnh hưởng trên đã làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước của TP Cần Thơ và có sự suy giảm đáng kể trong quý II năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm đạt 6.561,9 tỉ đồng, đạt 37% dự toán HĐND thành phố giao, giảm 8,13% so cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tổng thu ngân sách nhà nước theo chỉ tiêu giao 5.800,51 tỉ đồng, đạt 49,93% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 41,56% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 2,16% so với cùng kỳ 2019, bao gồm: thu nội địa 5.390,6 tỉ đồng, đạt 48,64% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 44,85% dự toán HĐND giao, tăng 0,34%; thu thuế hải quan 409,91 tỉ đồng, đạt 76,48% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 21,15% dự toán HĐND giao, tăng 34,03%... Dự báo nguồn thu ngân sách sẽ tăng cao trong 6 tháng cuối năm 2020 do hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn bắt đầu khôi phục trở lại từ tháng 5-2020.
Đồng chí Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Trong những tháng cuối năm 2020, thành phố sẽ thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là nhóm đối tượng đã được khảo sát (1, 2, 3, 4: người lao động và DN, hộ kinh doanh, người sử dụng lao động) theo quy định, đồng thời thực hiện hoàn thành trong thời gian sớm nhất, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN đẩy mạnh sản xuất trong tình hình mới; thực hiện các chính sách thu hút đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào khu - cụm công nghiệp, chính sách khuyến công và hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển ổn định. Bên cạnh đó, thành phố tập trung hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hỗ trợ môi trường pháp lý, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả và hỗ trợ tốt khởi sự DN, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đảm bảo mục tiêu tăng nhanh số lượng và chất lượng DN hoạt động trên địa bàn…".
DN kiến nghị nhiều giải pháp
Theo khảo sát của Cục Thống kê TP Cần Thơ, DN kiến nghị các giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất sau dịch COVID-19: 83-89% doanh nghiệp kiến nghị không điều chỉnh tăng giá các mặt hàng đầu vào do Nhà nước kiểm soát giá và miễn, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ; 77,93% DN kiến nghị tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét hồ sơ vay vốn để DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, có đủ vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; 76,74% DN kiến nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; 62,65% DN kiến nghị tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn.
Thực hiện các chương trình tín dụng với lãi suất vay ưu đãi cho các khách hàng thuộc lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh COVID-19, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đã phát vay cho hơn 3.405 khách hàng với doanh số cho vay mới đạt 12.423 tỉ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho hơn 1.174 khách hàng với dư nợ 3.352 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tổng vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và cá nhân trên địa bàn từ đầu năm đến nay đạt 82.000 tỉ đồng, tăng 0,87% so với đầu năm, đáp ứng 87,05% nguồn vốn cho vay. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 94.200 tỉ đồng, tăng 3,14% so với đầu năm; trong đó tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên khác, như: dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 35,67% tổng dư nợ, tăng 4,34% so với đầu năm; cho vay xuất khẩu chiếm 14,68%, tăng 9,80%; cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa chiếm 24,01%, tăng 11,46%; cho vay công nghiệp hỗ trợ với dư nợ chiếm 0,14%, tăng 4,14%; cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản chiếm 10,43% tăng 35,54%: cho vay thu mua lúa, gạo với dư nợ chiếm 10,29%, tăng 12,80%.
Theo ông Nguyễn Thực Hiện, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, công tác hỗ trợ DN luôn được thành phố quan tâm, đường dây nóng của thành phố hoạt động thường xuyên và Tổ hỗ trợ DN cũng được kiện toàn. Định kỳ hằng tháng, UBND thành phổ tổ chức đối thoại với các DN, kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động, kiến nghị của DN để hỗ trợ DN tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn… tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN khôi phục và phát triển triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo HÀ VĂN (Báo Cần Thơ)