Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

10/05/2023 - 15:02

Sáng ngày 10/5, tại UBND tỉnh, Tổ công tác của đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội do đồng chí Tạ Thị Yên - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm tổ trưởng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tham gia cùng tổ công tác có các đồng chí: Tô Ái Vang - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; đồng chí Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng. Tiếp và làm việc với tổ công tác có các đồng chí: Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh có liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TẤN PHÁT

Thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã huy động tổng nguồn vốn thực hiện là trên 10.650 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước trên 1.300 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương đối ứng lồng ghép trên 4.500 tỷ đồng. Kết quả, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 64/80 (80%) xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, toàn tỉnh giảm được 7.270 hộ nghèo, giảm 3.527 hộ cận nghèo; cơ sở hạ tầng vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh không ngừng được nâng lên…

Bên cạnh đó, việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương quản lý, tuy nhiên, trong bối cảnh khung cơ chế chính sách triển khai chậm, việc phân cấp nhiều nội dung cho địa phương quy định càng làm kéo dài thêm thời gian, không phù hợp yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong những năm đầu giai đoạn 2021- 2025. Đồng thời, tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo thẩm quyền của bộ, cơ quan Trung ương còn chậm; kế hoạch vốn năm 2022 được Trung ương giao vốn cuối tháng 5/2022 ảnh hưởng đến việc triển khai và giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.

Tại buổi làm việc, tổ công tác đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh về một số nội dung: công tác huy động nguồn vốn ngoài ngân sách; công tác triển khai chính sách vốn vay tín dụng; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm…

Đồng chí Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TẤN PHÁT

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Lâu mong muốn tổ công tác sẽ ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đó có kiến nghị đến Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương để có giải pháp tháo gỡ, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung triển khai thực hiện hiệu quả và đảm bảo tính bền vững của các chương trình; chú trọng công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện.

Đồng chí Tạ Thị Yên ghi nhận và đánh giá cao các kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Đồng chí Tạ Thị Yên đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, dự án thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường hoạt động Ban chỉ đạo, công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chương trình. Đồng thời, tỉnh cần đảm bảo nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; làm tốt công tác tuyên truyền nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân… Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, tổ công tác sẽ ghi nhận và báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội, qua đó kiến nghị đến Quốc hội để tháo gỡ.

Theo TẤN PHÁT (Báo Sóc Trăng)