Tìm đầu ra ổn định cho bưởi da xanh

31/07/2020 - 09:35

Với mục tiêu tạo thị trường đầu ra thuận lợi, ổn định và nâng cao giá trị cho trái bưởi da xanh, ngành chức năng huyện Long Mỹ đang triển khai nhiều giải pháp.

Tới đây, nhà vườn trồng bưởi da xanh của huyện Long Mỹ sẽ an tâm về đầu ra khi liên kết với doanh nghiệp.

Sau hơn 3 năm tích cực triển khai nhiều giải pháp về hỗ trợ cây giống, khoa học kỹ thuật trong canh tác, hệ thống tưới nước tự động… nên nhiều vùng đất phèn mặn, đất viên lang bãi bồi và vườn tạp trên địa bàn huyện Long Mỹ đã được người dân cải tạo để trồng bưởi da xanh ruột hồng. Nhờ vậy, hiện diện tích trồng bưởi da xanh tại huyện Long Mỹ đã tăng khá mạnh và đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực được địa phương xây dựng thương hiệu. Cụ thể, từ hơn 10ha ban đầu (năm 2017) nay tăng lên hơn 300ha, trong đó có trên 200ha trong giai đoạn cho trái và tạo ra nguồn thu nhập khá hấp dẫn cho nhà vườn.

Ông Trần Thanh Bình, ở ấp 7, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, phấn khởi cho biết: “Do áp dụng biện pháp để trái rải vụ nên cứ cách nhau một tháng là 7 công bưởi của tôi cho thu hoạch khoảng 500kg trái. Với giá bán dao động từ 30.000-60.000 đồng/kg (tùy vào thời điểm) thì sau khi trừ đi chi phí, bình quân mỗi tháng gia đình tôi kiếm được nguồn thu nhập hơn 5 triệu đồng. Hiện không riêng gì tôi mà hầu hết nhà vườn trồng bưởi da xanh ruột hồng của huyện Long  Mỹ đều có niềm vui tương tự”.   

Tuy cây bưởi đang mang lại giá trị kinh tế cao và diện tích bưởi trong giai đoạn thu hoạch khá nhiều, thế nhưng một vấn đề trở ngại hiện nay là đa phần nhà vườn trồng bưởi của huyện Long Mỹ bán bưởi qua thương lái từ nhiều nơi đến mua nên giá cả rất bấp bênh. Đặc biệt, khi vào đợt thu hoạch rộ thì bà con hay bị thương lái ép giá và phải bán ở mức giá thấp, lợi nhuận thu được không cao.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nam, ở cùng ấp 7, xã Thuận Hưng, cho hay: “Gia đình tôi trồng 6 công bưởi da xanh ruột hồng được 4 năm tuổi. Năm rồi đã bắt đầu thu hoạch và bán trái cho thương lái ở một số địa phương ngoài tỉnh. Tuy nhiên, việc bán bưởi không mấy thuận lợi do phụ thuộc vào thương lái và thường thương lượng với nhiều mối lái mới bán bưởi được một lần do không thống nhất về giá. Điển hình như lúc này, vườn bưởi của tôi sắp thu hoạch hơn 500kg và đã có 3 thương lái tìm đến hỏi mua chỉ với giá chỉ 27.000 đồng/kg nên tôi chưa chịu bán. Bởi tôi được biết, giá bưởi vào thời điểm này tại nhiều địa phương khác không dưới 30.000 đồng/kg. Đây không phải là lần đầu nhà vườn bị thương lái ép giá và luôn xảy ra vào lúc thu hoạch, nếu hộ nào không biết là dễ bị bán lầm giá ở mức thấp”.

Cùng tâm trạng khi nói về sự khó khăn trong bán bưởi hiện nay, ông Nguyễn Văn Phương, hộ có 2 công bưởi da xanh ruột hồng ở ấp 4, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Để tạo ra được trái bưởi to tròn và đẹp mắt thì nhà vườn phải mất nhiều công sức chăm sóc trong thời gian hơn 7 tháng. Bên cạnh đó, nhà vườn còn phải tốn chi phí cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công làm vườn… Vì vậy, khi có bưởi bán mà giá ở mức thấp thì lợi nhuận không được bao nhiêu. Dù cây bưởi da xanh ruột hồng đang cho hiệu quả kinh tế hơn so với một số loại cây trồng khác tại địa phương, thế nhưng nếu ngành chức năng có giải pháp khắc phục tình trạng ép giá từ thương lái và tạo đầu ra ổn định cho trái bưởi thì giá trị đem lại cho nhà vườn huyện Long Mỹ sẽ tăng nhiều hơn”.

Nắm bắt nhu cầu trên, đồng thời từng bước tạo mối liên kết trong sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp, Phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp thu mua trái bưởi (Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên) và người trồng để cả hai cùng trao đổi về một số quy trình trong sản xuất và thu hoạch bưởi, nhất là việc tạo ra sản phẩm bưởi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng thị trường xuất khẩu. Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho biết: Bên cạnh việc phát triển về diện tích trồng, chất lượng trái thì vấn đề về tìm thị trường đầu ra ổn định cho trái bưởi bằng việc liên kết với doanh nghiệp đang được đơn vị đặc biệt quan tâm. Điều đáng mừng là qua lần tổ chức gặp gỡ đầu tiên thì bước đầu doanh nghiệp và người dân đã có những tiếng nói chung trong hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ trái bưởi. Từ kết quả này sẽ mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của loại cây đặc sản huyện Long Mỹ là bưởi da xanh ruột hồng.

Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, thông tin: Công ty đang liên kết đầu tư và thu mua bưởi của nông dân tại  nhiều địa phương trong cả nước để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Công ty rất vui khi được tham gia liên kết với nông dân trồng bưởi của huyện Long Mỹ và mong rằng mối quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ ngày càng thắt chặt hơn. Đặc biệt, với quyết tâm đưa trái bưởi da xanh ruột hồng của huyện Long Mỹ đứng đầu cả nước về chất lượng thì rất cần sự phối hợp của người dân trong việc tuân thủ các quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng, đồng thời kích cỡ trái cũng đạt theo yêu cầu xuất khẩu. Khi đó, người trồng bưởi sẽ được hưởng nhiều lợi ích, nhất là giá bán cao, lợi nhuận hấp dẫn.

Việc doanh nghiệp đề xuất về quy trình sản xuất trái cây sạch đang là xu hướng được ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ và nông dân thực hiện tích cực trong thời gian qua, từ đó càng tạo sự thuận lợi trong liên kết sản xuất và tiêu thụ trái bưởi. Điển hình như tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiến Nông, ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, với tổng số 47ha bưởi da xanh hiện tại thì có 20ha sản xuất theo quy trình VietGAP và chuẩn bị được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận, đồng thời tiếp tục mở rộng thêm ra các diện tích còn lại. Ông Nguyễn Văn An, có 1,1ha bưởi và là thành viên của HTX nông nghiệp Tiến Nông, cho rằng: “Sau khi nghe doanh nghiệp thông tin một số nội dung về hình thức đầu tư và hợp đồng thu mua trái bưởi, tôi và một số thành viên trong HTX bước đầu hài lòng. Hiện tại, HTX có khoảng 30ha bưởi cho trái chiếng nên khả năng tới đây HTX sẽ tiến hành liên kết với doanh nghiệp trong bao tiêu đầu ra nhằm giúp bà con xã viên an tâm hơn trong việc bán bưởi”.

Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)