Trà Vinh: Giá dừa khô tăng cao trong mùa dừa treo buồng

06/09/2019 - 10:16

Tại Trà Vinh, giá dừa khô đang liên tục tăng, cụ thể, giá dừa khô ngày 6-9 được thu mua tại cơ sở với giá 80.000 đồng/chục (một chục 12 trái), tăng hơn tuần trước 15.000 đồng/chục.

Thu hoạch dừa ở Trà Vinh. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Liên tục trong những ngày gần đây, giá dừa khô tại tỉnh Trà Vinh không ngừng tăng cao. Cụ thể, giá dừa khô ngày 6-9 được thu mua tại cơ sở với giá 80.000 đồng/chục (một chục 12 trái), tăng hơn tuần trước 15.000 đồng/chục.

Ông Nguyễn Thế Quốc Đại, Phó Giám đốc Xí nghiệp chế biến dừa Rạch Lợp (Công ty cổ phần Trà Bắc), cho biết giá dừa khô liên tục tăng là do đang thời điểm mùa mưa sản lượng dừa khô bị giảm gần 40%, các nhà vườn quen gọi là mùa dừa treo buồng.

Bên cạnh đó, mấy năm gần đây, số lượng cơ sở sản xuất ngành hàng dừa mở rộng tại Trà Vinh nên nhu cầu lượng dừa khô tăng gấp 2 đến 3 lần so với sản lượng cung ứng trong mùa mưa.

Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 50 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia vào khâu sản xuất, chế biến và xuất khẩu dừa với nhiều sản phẩm như: cơm dừa nạo sấy, nước cốt dừa, nước dừa đóng hộp, dầu dừa, than gáo dừa, chỉ xơ dừa, mùn dừa, mỹ phẩm từ dừa cùng nhiều mặt hàng khác cung cấp cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Trà Vinh là tỉnh có diện tích trồng dừa đứng thứ 2 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau tỉnh Bến Tre. Toàn tỉnh hiện có hơn 22.700 ha vườn dừa, tương đương khoảng 3 triệu cây dừa, cho năng suất bình quân 15,3 tấn/ha/năm, đạt tổng sản lượng 263.812 tấn, tương đương 220 triệu trái/năm.

Trước nhu cầu về nguồn nguyên liệu dừa trái ngày càng tăng, tỉnh Trà Vinh xây dựng kế hoạch nâng cao chuỗi giá trị cây dừa và mở rộng thêm diện tích trồng.

Cụ thể, Ban quản lý dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Trà Vinh (Dự án SME Trà Vinh) là đơn vị chủ công hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp thực hiện chiến lược phát triển ngành dừa của tỉnh.

Ban quản lý dự án SME Trà Vinh làm “cầu nối” kết nối các doanh nghiệp ngoài tỉnh cùng với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong tỉnh liên kết từ khâu trồng đến cung cấp dừa nguyên liệu theo hướng tập trung, chất lượng.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực tiếp cận và liên kết thị trường trong và ngoài nước; thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh phát triển đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao chuỗi giá trị, giúp nông dân trồng dừa có thu nhập cao và bền vững.

Theo Vietnamplus