Hội viên nông dân Thạch Sa Phia (phải) giới thiệu mô hình trồng dừa xiêm lục xen chanh với cán bộ Hội Nông dân xã Phong Phú.
Đồng chí Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Phú, cho biết: xã có đông đồng bào Khmer (chiếm trên 71%/tổng dân số xã), thế mạnh là sản xuất nông nghiệp. Để phát huy hiệu quả trong sản xuất cũng như tạo điều kiện cho hội viên và nông dân có nguồn vốn để đầu tư vào chuyển đổi sản xuất. Hội đã tận dụng các nguồn vốn như vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư; Hội sẽ vận động các thành viên sau khi vay vốn tham gia vào các Chi hội nghề nghiệp, Tổ hội nghề nghiệp để được hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, tập huấn…
Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội đã đầu tư nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được 840 triệu đồng cho 23 hội viên vay để trồng dừa xen cây có múi; nuôi bò sinh sản; nuôi vịt xiêm Pháp… nhìn chung, đa số hội viên tham gia mô hình rất phấn khởi khi được tiếp cận vốn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Đồng thời, Hội cũng tổ chức thành lập 01 Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng dừa xen cây có múi ở ấp Đồng Khoen (15 thành viên, diện tích gần 10ha). Đến cuối tháng 02/2023, Phong Phú có 30 Tổ hội nghề nghiệp với 1.025 thành viên tham gia và 03 Tổ hợp tác trên cơ sở Tổ hội nghề nghiệp, với 72 thành viên. Vận động hội viên nông dân chuyển đổi từ đất giồng cát và đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cây ăn trái đến nay được 112,6ha…
Ông Thạch Sa Phia, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp trồng dừa xen cây có múi ở ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú chia sẻ: hội viên trong tổ rất phấn khởi, ngoài việc được hỗ trợ vốn vay, các thành viên trong Chi hội thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm trong các đợt sinh hoạt, họp tổ… Đến nay, mô hình đầu tư cho Chi hội đã gần 03 năm, hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp 04-05 lần so với sản xuất độc canh. Riêng gia đình tôi có 0,35ha đất ruộng kém hiệu quả, sau khi vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tôi đã lên liếp trồng 350 cây dừa xiêm lục, xen gần 1.000 gốc chanh. Khi dừa và chanh trong 02 năm đầu, thì tận dụng các diện tích xung quanh để trồng ớt. Chỉ tính riêng nguồn thu phụ (cây chanh, ớt) trong năm 2022 gần 40 triệu đồng.
Hội viên Nguyễn Văn Ở, ấp Kinh Xáng, xã Phong Phú cho biết: hiện gia đình đang phát triển mô hình nuôi ếch thịt và cung cấp ếch giống. Nuôi ếch chi phí thấp, thời gian ngắn, phù hợp với kinh tế gia đình ở nông thôn. Bình quân 01 hộ nuôi 1.000 con ếch giống, tổng chi phí đầu tư đến xuất bán khoảng 2,6 triệu đồng (gồm tiền thức ăn 1,6 triệu đồng + 01 triệu đồng tiền mua ếch giống). Hiện nay, với giá ếch thịt được lái mua xô khoảng 45.000 đồng/kg, bình quân người nuôi ếch thu 200 - 230kg ếch thịt/1.000 con ếch giống sau 2,5 tháng nuôi; cho thu nhập từ 05 - 5,5 triệu đồng.
Bên cạnh hiệu quả mang lại từ các nguồn vốn của Hội đầu tư trong hội viên và nông dân; đối với các mô hình sản xuất trong hội viên có hiệu quả cũng được Ban Thường vụ Hội Nông dân xã Phong Phú đặc biệt quan tâm và hướng dẫn hội viên từng bước liên kết, xây dựng tổ để thông qua đó, Hội tìm kiếm các nguồn vốn để tác động cho hội viên nhân rộng.
Qua các phong trào đã tạo cho hội viên nông dân phát huy tính năng động sáng tạo, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau, thể hiện rõ qua việc các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trực tiếp giúp đỡ các hộ nghèo trong ấp cùng phát triển kinh tế như: giúp vốn, vật tư, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Tấn Phát, hiện ấp Kinh Xáng đã có 04 thành viên nuôi ếch thịt mang lại hiệu quả rất cao. Trong năm 2023, Hội sẽ đề xuất về Hội Nông dân tỉnh, huyện để xây dựng dự án nuôi ếch trong hội viên kết hợp với thành lập Chi hội nghề nghiệp nuôi ếch (dự kiến có 10 thành viên, vốn đầu tư 20 triệu đồng/thành viên); bình quân mỗi thành viên nuôi khoảng 5.000 - 7.000 con ếch.
Theo Báo Trà Vinh